(GLO) - Đại ngàn Trường Sơn nói chung, khu vực Bắc Tây Nguyên nói riêng có nhiều thác nước đẹp và hùng vĩ. Hầu hết các ngọn thác đều ẩn mình giữa rừng sâu núi thẳm, muốn khám phá và thưởng lãm thì du khách phải lội núi trèo non rất vất vả.



Thế nhưng, có một thác nước cũng thuộc hàng đẳng cấp lại nằm ngay ven đường lớn xuyên Bắc-Nam (quốc lộ 14, nay là đường Hồ Chí Minh), khách lãng du không phải nhọc công cũng được thưởng lãm nó. Ấy là thác Đak Chè (Đắk Chè) ở địa phận thôn Măng Khênh, xã Đak Man, huyện Đak Glei, tỉnh Kon Tum.


Thác Đak Chè treo mình nơi đỉnh đèo Lò Xo, ở về mé Tây Nam quần sơn Ngọc Linh với địa hình “nghìn thước lên cao, nghìn thước xuống”, cách thị trấn Khâm Đức (huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam) về phía Nam 33 km, cách thị trấn Đak Glei (huyện Đak Glei, tỉnh Kon Tum) về phía Bắc 23 km.

Tính riêng đoạn đường dài đến 544 cây số (từ Km 1402 đến Km 1946) đường Hồ Chí Minh chạy ngang khu vực Tây Nguyên thì đây là thác nước duy nhất khách đường xa bắt gặp ven đường.


Có người thắc mắc: Sao đại ngàn Trường Sơn nổi tiếng có nhiều thác nước mà suốt đoạn đường dài băng rừng xuyên núi như vậy lại chỉ gặp có mỗi thác Đak Chè? Chỉ có thể suy luận rằng có lẽ các nhà khảo sát phóng tuyến khi xưa đã cố tránh nơi hiểm yếu để làm đường, nhưng khi tuyến ngang qua chỗ đèo Lò Xo này thì không thể nào tránh được, đành bắc cầu qua?!

Từ ruột núi cao xanh, một nguồn nước ầm ào lao ra như bờm ngựa trắng, vặn mình qua 3 tầng đá thạch bàn đen kịt, đổ xuống cắt ngang quốc lộ (giữa cột cây số Km 1414 và Km 1415), cạnh đỉnh đèo Lò Xo.


Tuyến đường băng ngang ngay dưới chân thác qua chiếc cầu nhỏ Đak Chè. Dưới chân cầu, một ghềnh đá hình phễu tụ thành ao nước trong vắt làm đầu nguồn một con suối đá đổ dốc mất hút vào tán rừng rậm um tùm xuôi về đâu đó phía dưới sâu kia. Đứng trên cầu nhìn xuống, chỗ hốc đá tràn trề nguồn nước trông giống… miệng ché (ghè) ủ rượu!

Già A Dôn (dân tộc Giẻ ở làng Đak Gô) bảo: Vách núi cao xanh kín đặc cây rừng kia (nơi nguồn nước bất ngờ xuất hiện lao ra qua ba tầng đá) là một mảng sườn núi Ngọc Lon cao nhất vùng, là chỗ phát nguyên nhiều nguồn nước phân 3 dòng chảy chính: dòng sang đất Lào, dòng nhập vào Pô Kô, riêng dòng chảy về hướng huyện Phước Sơn có một nhánh chia ra làm nên thác Đak Chè.


Vì ở ngay đầu núi, đầu đèo, tức nơi cheo leo hiểm trở nhất nên khác với các thác nước khác trong đại ngàn Trường Sơn, thác Đak Chè không thể có một điểm bằng phẳng nào khả dĩ ở xung quanh, mà chỉ một bên là vách núi cao và một bên là vực sâu hun hút. Nhưng được cái thác nằm ngay ven quốc lộ nên khách có thể tiện đường dừng chân nghỉ ngơi, tha thẩn dạo quanh ngắm cảnh, chụp hình, coi đây là “điểm nhấn” lý thú và đầy ý nghĩa sau một đoạn đường dài đơn điệu đã qua. Vào mùa khô, nguồn thác có vẻ “hiền hòa” hơn, nhưng gặp mùa mưa lũ thì dẫu đứng nơi thành cầu khách vẫn cảm nhận bụi nước bắn ra mát lạnh. Nếu ai đó có biết thêm “chuyện ngày xưa” thì tại nơi đây có thể thả hồn mình vào dòng hoài niệm xa xăm…


Dòng hoài niệm ấy quay về những năm 1941-1942. Khi ấy, thực dân Pháp đã chọn chốn rừng thiêng núi thẳm này lập Căng an trí Đak Glei (cách thác Đak Chè theo đường chim bay chừng trên 10 cây số) lưu đày các chí sĩ yêu nước và chiến sĩ cách mạng để xoi mở tiếp “đường thuộc địa số 14”. Nhà thơ Tố Hữu từng bị giam giữ tại đây, có bài thơ nổi tiếng “Tiếng hát đi đày”: “Đường lên Đak Xút, Đak Pao/Đèo leo ngọn thác, cầu treo mặt ghềnh…”.


Đúng là “đèo leo ngọn thác” và “cầu treo mặt ghềnh”! Có phải câu thơ đã được cảm xúc từ chỗ thác Đak Chè này chăng? Và thác ở đây không những chỉ có thế, nó còn đi vào nhiều bài thơ khác của Tố Hữu nữa, mà nay bạn đọc chỉ được biết qua đoạn hồi ký của Lê Văn Hiến (bạn tù cùng bị lưu đày tại Căng an trí Đak Glei với Tố Hữu):

“Chúng tôi tổ chức những chuyến đi như những nhà thám hiểm. Một lần gặp một thác nước rất đẹp, Tố Hữu có bài thơ “Thác lụa”. Lần khác lại gặp một thác nước khác 3 bậc đổ từ trên cao xuống, nhà thơ lại cho ra đời bài thơ “Dưới dòng thác đổ”. Tiếc rằng 2 bài thơ này đến nay không còn được lưu giữ!”.

Theo Tạ Văn Sĩ (Báo Gia Lai)
Du lịch, GO!