(SKĐS) - Người ta nói có mấy con đường tới thung lũng Bắc Sơn nhưng tôi chọn con đường lên Lạng Sơn rồi mới bắt xe đi.
Đồi núi quanh co trập trùng đèo dốc. Một cảm giác thơ thới miên man trong tôi giữa rừng xanh hoa lá. Giai điệu bài hát Bắc Sơn của cố nhạc sĩ Văn Cao như lời mời gọi bấy lâu luôn bám riết lấy tôi hàng chục năm qua. Sẽ phải lên Bắc Sơn với hình ảnh “Ôi! Còn đâu đây sắc chàm pha màu gió...”. Thế là tôi lên đường.

“Bắc Sơn khi bóng trăng mờ sương”

Bắc Sơn (Lạng Sơn) là huyện miền núi nằm trên cánh cung Bắc Sơn của vùng Đông Bắc nước ta. Đỉnh cao nhất vòng cung này là ngọn núi Khao Bao (1.107m). Thị trấn Bắc Sơn nằm lọt trong thung lũng rộng lớn. Bốn bề đồi núi bao quanh...

Thị trấn chính là nơi giao thương buôn bán của hàng chục ngàn người Tày, Nùng, Dao và Kinh sinh sống ở 17 xã thuộc huyện (rộng 800 cây số vuông). Nhưng người Tày chiếm số đông hơn cả. Khi chúng tôi tới dừng chân ở điểm hẹn Bảo tàng Bắc Sơn, trời vẫn còn đầy ắp mây. Nắng bắt đầu ném những tia mành lưa thưa trên đỉnh núi nhưng vẫn có cảm giác rét buốt. Chuyến đi trở về nguồn của chúng tôi bắt đầu từ đây. Nơi mà cách đây hơn 60 năm, nhạc sĩ Văn Cao đã từng cất tiếng ca: “Bắc Sơn! Đây hố sâu mồ chôn. Rừng núi ngân tiếng hú căm hờn. Bắc Sơn! Khi bóng trăng mờ sương. Bắc Sơn! Không bóng người dưới thôn. Giặc Pháp tàn ác giày xéo...”.

Khu Bảo tàng Bắc Sơn lưu trữ tư liệu và hình ảnh về cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn diễn ra ngày 27/9/1940. Lời người thuyết minh mỗi lúc một ngập tràn ký ức nóng bỏng. Chúng tôi nhập dần vào không khí rạo rực thời cuộc vào năm 1940. Những sự kiện và thời cơ dồn dập xảy ra. Tháng 6/1940 xảy ra Chiến tranh Thế giới lần thứ II (nước Pháp bị Đức xâm chiếm). Nhân cơ hội này, quân đội Nhật đánh chiếm bán đảo Đông Dương. Nước ta lúc này bị hai gọng kìm áp bức của Pháp và Nhật. Đúng ngày 22/9/1940, Nhật đánh chiếm xứ Lạng, giặc Pháp rút quân về Bắc Sơn. Nhân cơ hội này, Chi bộ đảng Bắc Sơn lãnh đạo đội tự vệ và hàng ngàn nông dân (chủ yếu người Tày và Nùng) nổi dậy đánh chiếm đồn bốt và tước khí giới của tàn quân Pháp. Đội quân khởi nghĩa thành lập chính quyền mới (27/9/1940) và tiến đánh đồn binh Mỏ Nhài tại trung tâm huyện Bắc Sơn.

Hay tin, Xứ ủy Bắc kỳ cử đồng chí Trần Đăng Ninh về Bắc Sơn cùng Chu Văn Tấn thiết lập Ủy ban khởi nghĩa (16/10/1940). Đội du kích Bắc Sơn đầu tiên được hình thành gồm 20 chiến sĩ. Ủy ban tuyên bố xóa bỏ chính quyền thực dân và tịch thu thóc gạo chia cho dân nghèo. Nhưng vào đêm 28/10/1940, đoàn quân khởi nghĩa cả ngàn người đang nghe diễn thuyết và chuẩn bị trận đánh mới thì bị giặc Pháp tấn công bất ngờ. Một số nghĩa binh đã hy sinh. Mọi người còn lại chạy tản lên các khu rừng của dãy núi Bắc Sơn. Chúng chiếm lại đồn bốt và mở rộng cuộc tàn sát vào các bản làng.

Đến cuối năm 1940, cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn mới tan rã hoàn toàn. Đây là thời kỳ bi tráng nhất của những người con Bắc Sơn với hình ảnh: “Từng xác ngập đất máu xương. Nhà đốt cầm giáo cầm súng. Dân quân vùng ra sa trường. Bắc Sơn! Nơi đó sa trường xưa. Bắc Sơn! Đây núi rừng chiến khu”.

Điều làm chúng tôi thêm ngạc nhiên bên cạnh ký ức chiến tranh, bảo tàng còn lưu giữ không ít những di vật của nền văn hóa Bắc Sơn (thời đại đồ đá mới). Những mô hình con người ăn ở trong hang động và những công cụ lao động bằng đá khẳng định mảnh đất Bắc Sơn mang dấu ấn văn hóa đặc trưng cách đây 8.000 năm TCN. Không gian văn hóa Bắc Sơn là các miền thuộc tỉnh Lạng Sơn, Thái Nguyên, Hòa Bình... Trong số hơn 50 di chỉ khai quật có tới 8 nơi đã tìm thấy di cốt người. Một trong số đó thuộc huyện Bắc Sơn. Đáng chú ý, vào thời kỳ này, người nguyên thủy bắt đầu biết làm gốm và thích trang sức hơn so với người thời văn hóa Hòa Bình trước đó (10.000 năm TCN).

Và rồi không hiểu tại sao không gian ấy cũng vang lên trong bài ca bất hủ của Văn Cao rằng: “Nghe rừng âm u tiếng ngàn ca cuộc sống. Nay toàn dân say gió lành bên khe suối...”. Đúng là một Bắc Sơn đầy huyền bí với những sự bảo tồn thuần khiết nền văn hóa dân tộc nơi thung lũng cổ tích này.

Những ngôi nhà sàn và điệu then tình tứ

Làng văn hóa cộng đồng Quỳnh Sơn ở ngay dưới chân núi gần trung tâm thị trấn Bắc Sơn. Là một làng cổ của người Tày hàng trăm năm qua, Quỳnh Sơn vẫn còn hiện diện những mái ngói âm dương và hàng trăm nhà sàn gỗ quý. Làng coi như không bị biến động bởi nếp sống đô thị đang tràn về khắp các vùng xung quanh. Người dân vẫn ở nhà do ông cha để lại. Không những thế, Quỳnh Sơn còn có hẳn một lò nung ngói âm dương để cung cấp cho các xã quanh vùng. Gặp ông chủ lò Hoàng Công Hưng, chúng tôi được biết ngói sản xuất đến đâu bán hết đến đó. Mỗi lò xếp được hơn 50.000 viên ngói. Vậy mà chỉ một ngày sau khi dỡ lò, khách hàng đặt trước đã đến đợi chất lên xe đi bán các nơi. Ông cho hay, toàn thôn làng Quỳnh Cư đều dựng nhà sàn lợp ngói âm dương được nung bằng đất ruộng quê mình. Hầu hết những ngôi nhà sàn cổ trong làng giữ nguyên cấu trúc xưa theo mẫu đúng như ngôi nhà sàn được trưng bày trong Bảo tàng Bắc Sơn.

Nắng đã bừng lên rỡ ràng sau khi những cụm mây tan trên cánh đồng vừa gặt. Mùi rơm rạ thơm thoảng bay trên đường chúng tôi vào đến nhà văn hóa thôn Quỳnh Sơn. Dân phượt quanh vùng đã tổng kết, ngoài những ngôi nhà sàn cổ, Quỳnh Sơn còn có một “đặc sản” nữa là những điệu then và các nữ nghệ sĩ đánh đàn tính rất xinh đẹp. Cứ đến cuối tuần, Quỳnh Sơn chẳng khác gì ngày hội. Không cứ ở nhà văn hóa thôn mà đội văn nghệ còn đến cả những địa chỉ “homestay” và cửa hàng để biểu diễn phục vụ du khách. Ở nơi nào những làn điệu then cũng tạo nên không khí đầy sự huyền bí và ám ảnh qua lời ca tiếng đàn. Theo bà Dương Thị Băng - chủ một homestay ở Quỳnh Sơn tâm sự: “Sở dĩ tiếng đàn tính và làn điệu hát then có sự quyến rũ bởi nó được sinh ra từ tình yêu của con người”.

Sau đó, bà kể chuyện xưa người Tày hay dùng tiếng ca lời hát để trị bệnh cứu người. Đó chính là những âm thanh bí ẩn từ trên trời nhập vào người trần gian để giúp trừ tà diệt bệnh. Then nghĩa là thiên (Trời). Hát then là khúc hát của trời xua quỷ trừ tà cứu dân. Sau đó, then được vận dùng vào yếu tố tâm linh trong những nghi lễ và hội làng. Theo truyền thuyết cây đàn tính (tính tẩu) là vật thiêng được tiên trên trời làm ra ban xuống trần gian.

Nghe hát then với tiếng đàn tính thường lôi cuốn với sự huyền diệu của thiên nhiên ùa vào. Vậy nên trong lời hát có câu: “Nghe then, nghe tính tâm nở hoa”; hay như: “Người sầu thì lấy tính giải sầu”. Đàn tính tẩu được gảy lên là hóa giải những phiền muộn u uất. Những âm thanh như tiếng người ấm áp thanh cao vỗ về trao gửi niềm vui cho mọi nỗi lòng. Đang đi, chúng tôi bỗng dừng chân và ngơ ngác với ai đó đang cất giọng hát: “Không có tính đi đường ngơ ngác. Đường đi bưng như mực tối đen. Tính dây tơ đưa người làm phúc...”. Khi ấy, hoàng hôn đang lấp ló phía đỉnh núi Nà Lay. Sương và làn mây mỏng bay xà xuống mặt cỏ. Tiếng đàn tính quả như đang dẫn đường cho chúng tôi lội qua những luống mây về tới thị trấn vừa bật đèn sáng.

Sống như những đóa hoa

Chúng tôi chia tay Bắc Sơn ở thung lũng hoa xã Trấn Yên vào sáng hôm sau. Có thể nói, đây là một thung lũng hoa rộng lớn nhất Lạng Sơn. Những người chủ mến khách giữ chúng tôi bằng được để chiêm ngưỡng vườn hoa khổng lồ này.

Thung lũng hoa là địa chỉ mới có sức thu hút du khách đến với Bắc Sơn. Mỗi loại hoa được trồng riêng từng mẫu đất và phối màu tựa một thảm hoa rải hút tầm mắt. Nhiều bạn trẻ hú lên trong sự khoái cảm tột độ. Gió trên rừng đổ về. Họ dang cánh tay như đang bay trong cánh đồng muôn sắc ngàn hoa.

Được hòa mình vào thiên nhiên, ai nấy đều thấy mình trẻ lại với tiếng rì rào của rừng cây và nét tươi xinh của những cánh hoa. Bất ngờ, tiếng hát của ca sĩ trẻ Mỹ Anh vang ra từ hệ thống loa trên sườn núi. Đó là bài ca Sống như những đóa hoa (Tạ Quang Thắng). Hoa và lời ca hòa tan trong không gian bao la. Chúng tôi đi trong niềm tin yêu cuộc sống dạt dào cùng khúc hòa ca: “Và tôi sống như đóa hoa này. Tỏa ngát hương thơm cho đời. Sống với nỗi khát khao rằng. Được hiến dâng cho cuộc đời...”

Theo Vương Tâm (Sức Khỏe Đời Sống)
Du lịch, GO!