(VNP) - Một quần thể voọc chà vá chân đen quý hiếm với số lượng hơn 200 con, vừa được phát hiện tại khu rừng ven biển thuộc huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận.

Ngày 16/4, thông tin từ Ban Quản lý rừng phòng hộ ven biển huyện Thuận Nam (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận) cho biết một quần thể voọc chà vá chân đen quý hiếm với số lượng hơn 200 con, vừa được phát hiện tại khu rừng ven biển thuộc huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận.

Cụ thể, trong những ngày qua, tại khu vực rừng nghèo kiệt trên núi đá thuộc lâm phần rừng phòng hộ ven biển ở các xã Phước Dinh, Phước Diêm và Phước Minh (huyện Thuận Nam) có các đàn voọc chà vá chân đen xuất hiện vào buổi sáng và chiều tối.

Theo ghi nhận ban đầu, có trên 20 điểm thường xuyên xuất hiện voọc chà vá chân đen, mỗi điểm trung bình từ 5-7 con, có điểm hơn 10 con.

Mỗi đàn có con cầm đầu làm nhiệm vụ cảnh giới cho cả đàn khi ăn. Trong các đàn đều có những cá thể đang mang thai, số khác đang nuôi con nhỏ.

Ông Trần Ngọc Hiếu, Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ ven biển Thuận Nam, nhận định thời gian gần đây, tại khu vực núi đá cao không có nước và lá cây vào mùa rụng lá nên đàn voọc chà vá chân đen di chuyển xuống gần cung đường ven biển DT 701 cũng như nương rẫy của người dân ở địa phương để tìm nước uống, lá và trái cây.

Đặc biệt, tại khu vực rừng phòng hộ ven biển huyện Thuận Nam có những cây cóc rừng đang ra lá non - loại thức ăn yêu thích của voọc, nên chúng tìm đến kiếm ăn.

Tình trạng khô hạn kéo dài, nguồn thức ăn khan hiếm nên đàn voọc di chuyển từ núi cao xuống mỗi ngày một nhiều hơn, có đàn di chuyển xuống sát đường ven biển. Tuy nhiên, đàn voọc rất tinh nhạy, chỉ thoáng thấy bóng người, nghe tiếng động nhỏ là chúng nhanh chóng lẩn trốn.

Voọc chà vá chân đen là loài động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm có tên trong Sách đỏ Việt Nam.

Để bảo vệ các đàn voọc, hiện nay đang tăng cường các biện pháp quản lý bảo vệ rừng nhằm ngăn chặn tình trạng săn bắt trái phép; kết hợp đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cộng đồng địa phương trong việc bảo vệ động vật hoang dã nói chung, loài voọc nói riêng, tránh những tác động tiêu cực làm ảnh hưởng tới môi trường sống tự nhiên của chúng.

Ban Quản lý rừng phòng hộ ven biển Thuận Nam cũng phối hợp với các bên liên quan tiếp tục quan sát, điều tra tập tính loài, nơi cư trú của đàn chà vá chân đen để xây dựng đề án bảo vệ tại khu vực rừng phòng hộ ven biển huyện Thuận Nam, trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt.

Mục tiêu của đề án là bảo vệ toàn vẹn quần thể loài voọc, tạo môi trường thuận lợi cho chúng cư trú, kiếm ăn, phát triển số lượng.

Theo Nguyễn Thành (TTXVN/Vietnam+)
Du lịch, GO!