(NDO) - Ðồi Thung của người Mường (xã Quý Hòa, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình) bốn mùa bồng bềnh trong mây do ở độ cao hàng nghìn mét so với mực nước biển.

Trước đây, là vùng rẻo cao bị lãng quên bởi “bốn không”: không đường, không điện, không chợ, không trạm y tế. Thế nhưng, bây giờ, nhờ Chương trình 135 của Chính phủ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, Ðồi Thung đang từng bước đổi thay, hòa nhập. Kinh tế phát triển cũng là điều kiện để xây dựng đời sống văn hóa, bảo tồn bản sắc.

Ðổi thay nơi bản xa…

Ði từ trung tâm xã Quý Hòa lên xóm Ðồi Thung phải vượt chặng đường gần chục ki-lô-mét toàn dốc núi, khúc cua hiểm trở khiến dấy lên trong chúng tôi suy nghĩ, nếu không có con đường mới thi công thì để vào được đây, dù thời tiết thuận lợi chắc vẫn mất đến nửa ngày.

Ðồi Thung là tên gọi chung cho hai thôn: Thung 1 và Thung 2 nằm chon von trên núi, là địa bàn sinh sống của 85 hộ, 413 khẩu, chủ yếu người dân tộc Mường. Mảnh đất này được thiên nhiên ưu đãi với vẻ đẹp hoang sơ, những nếp nhà sàn cổ nằm rải rác bên cạnh núi đồi và những khối đá thiên tạo hình dạng độc đáo, ruộng bậc thang xanh mướt. Người già ở đây kể rằng, hàng trăm tảng đá lớn với dấu vết như khắc, chạm là dấu tích cha ông thuở xưa đánh giặc, qua nơi này dừng chân nghỉ ngơi và mài giáo gươm để tiếp tục lên đường giữ đất, giữ nước.

Trưởng thôn Thung 1 Bùi Văn Nhật còn khá trẻ, hồ hởi đón khách tại nhà văn hóa. Anh tốt nghiệp Trường cao đẳng Y tế Ninh Bình, làm trưởng thôn tới nhiệm kỳ thứ hai, kiêm luôn cán bộ y tế thôn bản. Nhân dân xóm Ðồi Thung kể, nhà anh có tới chín anh chị em, điều kiện kinh tế rất khó khăn nên chỉ Bùi Văn Nhật được học hành. Cha anh là thương binh hạng 2/4, vừa qua đời.

Ðồi Thung có khách, đích thân trưởng thôn xắn tay làm cỗ, chọn từng đôi đũa, cái bát, gom tất cả đùi gà vào mâm có trẻ con. Ðó là bản sắc chân tình, mến khách của người Mường. Buổi chiều tại nhà văn hóa, phía này một nhóm thanh niên tập luyện thể thao, phía kia khá đông nhân viên Tổng công ty Viễn thông Viettel hướng dẫn bà con sử dụng dịch vụ... Không khí vui tươi, phấn khởi ấy đối nghịch hoàn toàn với vẻ heo hút, nghèo khó cách đây mấy năm khi chúng tôi đến. Thời điểm ấy, Thung 1, Thung 2 là hai trong 36 thôn, xóm khó khăn nhất của tỉnh, một doanh nghiệp tại Hà Nội định đầu tư để phát triển trồng rau sạch, dược liệu, nhưng do giao thông quá khó khăn nên đành bỏ cuộc.

Ông Bạch Công Nghiu, cựu Phó Chủ tịch UBND xã Quý Hòa, từng được điều về Ðồi Thung làm việc, năm nay đã gần 70 tuổi, vẫn đang làm bí thư chi bộ thôn, vừa chuyện trò, vừa ôn lại những năm tháng khó khăn. Thời ông làm cán bộ đã đành, nhưng năm 2017, khi anh Nhật làm trưởng thôn, mỗi lần đi họp tại UBND xã vẫn phải xỏ ủng, đi bộ vài giờ đồng hồ mới đến nơi. Ngày mùa, đi đường toàn gặp cảnh thanh niên xóm cầm can xuống trung tâm xã mua xăng về phục vụ máy cày, bừa… Từ năm 2019, có con đường mới và các công trình khang trang, đời sống nhân dân đã ổn định, tinh thần phấn khởi. Từ một “bản trắng”, Ðồi Thung nay “thay da đổi thịt”, các dự án giảm nghèo được triển khai hiệu quả tạo nên diện mạo mới của bản làng.

Chủ tịch UBND xã Quý Hòa Bùi Văn Dát cho biết, ngoài sản xuất nông nghiệp, bà con Ðồi Thung nâng cao thu nhập nhờ áp dụng các mô hình kinh tế mới. Từ chỗ chỉ biết trồng cấy mỗi năm một vụ lúa với phương thức lạc hậu, nay người dân đã cấy hai vụ/năm, đưa nhiều giống lúa, ngô, hành, kiệu vào thâm canh, xen canh hiệu quả. Người dân cũng đầu tư chăn nuôi trâu, bò, lợn, gà với quy mô ngày càng lớn, thực hiện chính sách khoanh nuôi, bảo vệ và trồng rừng, phủ xanh đất trống đồi núi trọc. Tính đến nay, Ðồi Thung khoanh nuôi hàng trăm héc-ta đất để trồng keo, bạch đàn, tre, luồng…

Mỗi năm có khoảng 150 tấn măng hàng hóa được tiêu thụ khắp nơi, hộ cao nhất thu hoạch 4 tấn/năm và cả 85 hộ dân đều trồng măng, tổng nguồn thu hàng tỷ đồng, nâng mức thu nhập bình quân lên 16 triệu đồng/người/năm. Ngoài các thôn điển hình như Thung 1, Thung 2, vài năm trở lại đây, không khí đổi mới đã phủ khắp xã Quý Hòa. Một số gia đình từ việc trông chờ, bị động trong lao động sản xuất nay biết chủ động canh tác thêm thảo dược, rau sạch, lập trang web riêng để quảng bá dược phẩm, thực phẩm đặc sản đến với những vùng miền khác.

Trao đổi cùng chúng tôi, người dân ở Ðồi Thung cho biết, nhờ sự quan tâm của Ðảng và Nhà nước, địa phương đã có những công trình khang trang, hữu ích nhằm phục vụ đời sống lao động, sinh hoạt và kết nối với các vùng miền. Từ đó, cách nghĩ, cách làm của bà con thêm nhiều mở mang, tiến bộ. Nhiều gia đình những năm trước đây le lói thắp đèn dầu, nay đã sắm được đủ tiện nghi, như: ti-vi, tủ lạnh, bếp ga... Tỷ lệ trẻ em đến trường đúng tuổi và học sinh, sinh viên địa phương đang tăng dần về số lượng, chất lượng. Ðây chính là động lực và niềm hy vọng trong tương lai của một địa phương từng là điểm khó khăn bậc nhất cả nước.

Kết hợp bảo tồn và phát triển

Nếu chọn một vùng đất tiêu biểu cho không khí, văn hóa xứ Mường đang được bảo tồn khá nguyên vẹn thì Ðồi Thung chính là minh chứng. Ðây là mảnh đất có vị trí địa lý thuận lợi, bao bọc chung quanh là những cảnh quan đẹp, như: thác Mặt Trời hùng vĩ và lãng mạn, hồ Khả quanh năm nước xanh biếc một mầu, từng là điểm quay của phim “Khi đàn chim trở về”, và dốc Gió quanh năm gió thổi không ngừng. Từ đỉnh dốc nhìn lên sẽ chiêm ngưỡng được đỉnh Cốt Ca, nôm na tiếng Mường có nghĩa là “đỉnh của đầu gà” với độ cao hàng nghìn mét so với mực nước biển.

Thời gian qua, địa phương tiếp đón nhiều đoàn khảo sát, tham quan và đa số đều nhận xét đây là mảnh đất giàu tiềm năng phát triển du lịch, quảng bá văn hóa cộng đồng. Xuân mới, sau lễ hội đầu năm thờ cúng thần linh và thực hiện nghi thức “xuống đồng”, người dân thống nhất sẽ cùng nhau trồng đào dọc con đường từ dốc Gió vào thôn bản để tạo cảnh quan đẹp, thu hút khách phương xa. Tư duy người dân đổi khác từng ngày, họ vừa chăm chỉ lao động sản xuất vừa mở mang, học hỏi các mô hình mới ở địa phương lân cận, như: homestay, du lịch trải nghiệm… nhằm phát triển văn hóa, du lịch.

Chủ tịch xã Bùi Văn Dát cho biết, bản thân ông và nhiều thế hệ cán bộ luôn trăn trở về mọi mặt để phát triển đời sống văn hóa, kinh tế địa phương. Theo ông, cần có đội ngũ những người trẻ tuổi, tâm huyết như Bùi Văn Nhật sẵn sàng vượt khó, đổi mới để phù hợp xu thế. Bên cạnh đó, việc khôi phục các lễ hội, thực hành tín ngưỡng... cũng là nhiệm vụ địa phương cần thực hiện một cách hệ thống, đồng bộ. Lợi thế về địa hình, khí hậu, con người là đáng trân trọng và tự hào, song, vì xuất phát điểm quá thấp, còn lúng túng lựa chọn mô hình phát triển nên địa phương vẫn chưa thể đột phá.

Một điểm đáng lưu ý khác là gần 90 năm qua, “văn hóa Hòa Bình” được các chuyên gia trong nước và quốc tế nghiên cứu, xác định là một nền văn hóa tiền sử độc đáo, đầy sức cuốn hút về khảo cổ học, khoa học xã hội nhân văn nhưng thực tế những địa điểm như Ðồi Thung nói riêng và Hòa Bình nói chung chưa tạo được sức hút tương xứng với tiềm năng. Trong tương lai, địa phương cần có chiến lược kết hợp giữa bảo tồn và phát triển.

Ðứng giữa Ðồi Thung sẽ nhìn được vầng sáng xa xa bởi đây vừa gần trung tâm huyện Kim Bôi, Hòa Bình, vừa gần huyện Mỹ Ðức (Hà Nội). Cách trung tâm Thủ đô chỉ khoảng 150 km, vậy mà nơi này đã “ngủ quên” khá lâu. Tạm biệt miền đất gió mây lồng lộng của xứ Mường, trên con đường mới sáng rực bởi đèn điện, điểm xuyết những cửa hàng, biển hiệu vừa khai trương, chúng tôi cảm nhận được tinh thần nỗ lực, cần cù của cán bộ, nhân dân địa phương để không ngừng đổi mới và phát triển.

Theo Mai Lữ (Báo Nhân Dân)
Du lịch, GO!