(BQN) - Hằng năm, cứ vào độ tháng 2 âm lịch, người làng Nam Phước, phường Phổ Vinh (thị xã Đức Phổ) lại cùng nhau tề tựu về lăng thần thủy tổ Nam Hải thôn Nam Phước tổ chức lễ xuân tế. Trải qua bao thăng trầm của thời gian, lễ xuân tế đã trở thành nét đẹp truyền thống được người dân ở mảnh đất này kỳ công gìn giữ, duy trì.

< Vào ngày tổ chức lễ xuân tế, quần thể miếu thờ Thiên Y A Na - lăng thần thủy tổ Nam Hải – miếu âm linh nằm ngay sát bờ biển Nam Phước lại rực rỡ cờ hoa.

Từ bao đời nay, người làng Nam Phước vẫn xem lế xuân tế là một trong những lễ hội quan trọng nhất của làng trong năm. Lễ hội này thường được người làng tổ chức vào ngày 12.2 âm lịch, để cầu mong trời đất, chư thần phù hộ cho dân làng bình an, mùa màng tươi tốt, nhân dân no ấm và dâng tế các bậc tiền hiền, hậu hiền đã có công khai hoang, khẩn hóa lập nên làng mạc.

Xem trọng lễ xuân tế nên cứ đến ngày 12.2 âm lịch hằng năm, người làng Nam Phước không ai bảo ai, tất thảy đều tạm gác lại công việc đồng áng, vươn khơi để cùng nhau tề tựu về quần thể miếu thờ Thiên Y A Na - lăng thần thủy tổ Nam Hải – miếu âm linh nằm ngay sát bờ biển Nam Phước để tham gia lễ xuân tế.


< Người làng Nam Phước kiểm tra lại các phẩm vật cúng bày biện tại lăng thần thủy tổ Nam Hải.

“Vào ngày này, ngư dân làng tôi không ai ra khơi. Tất cả đều tập trung tham gia lễ xuân tế để dâng lên thần linh nén hương thể hiện tấm lòng thành kính và cầu mong một năm mưa thuận gió hòa”, ngư dân Nguyễn Chanh tự hào cho biết.

Theo ông Trần Ngọc Sơn, một trong những bậc cao niên của làng Nam Phước : “Lễ xuân tế là lễ cúng tế mở đầu cho một năm, vì vậy, chúng tôi rất coi trọng và có hẳn một ban quý tế đảm đương công việc này. Trước ngày xuân tế tầm 1 tháng, Ban quý tế sẽ họp mặt, bàn bạc về công tác chuẩn bị cho lễ và chọn ra người đảm nhận các nhiệm vụ cúng tế như chánh tế, bồi tế và người chấp sự, người đánh trống, chiêng… Việc chọn lựa những người đảm nhận nhiệm vụ cúng tế rất tỉ mỉ và cẩn thận, những người tham gia tế lễ phải là những người có kinh nghiệm trong sản xuất, sống có uy tín, đáp ứng tiêu chí có đủ vợ đủ chồng và gia đình không bị tang, khó”.


< Người làng Nam Phước đọc văn cúng tại lễ xuân tế.

Tự hào khi được chọn làm chánh tế cho lễ xuân tế của làng, ngư dân Nguyễn Ngọt ở làng chài Nam Phước vui mừng bộc bạch: “Chúng tôi luôn xem việc được chọn vào ban cúng tế là một điều vinh dự cho mình và gia đình. Đồng thời ý thức được rằng, mình là người mà cả làng cử ra để thực hiện các nghi thức cúng tế các thần linh, nên phải sống và làm việc có trách nhiệm hơn để xứng đáng với niềm tin mà mọi người giao phó”.

Điều thú vị là, trải qua bao thăng trầm của thời gian, nhưng mọi nghi thức cúng tế trong lễ xuân tế vẫn được người làng Nam Phước tỉ mỉ giữ nguyên vẹn nét truyền thống. Ban tế xuân vẫn luôn đầy đủ thành phần gồm một chánh tế, hai bồi tế, đông xướng, tây xướng (người đọc nghi thức hành lễ), hai đồng văn (người lo việc đánh chiêng trống), hai chấp sự (người lo điếu đóm, dâng hương).

Khi cúng tế, chánh tế và hai bồi tế trước khi cúng tế đều phải thực hiện nghi thức “quán tẩy” bằng cách rửa tay, rửa mặt vào một chậu nước sạch để thanh tẩy cơ thể. Sau đó, mới được thực hiện các nghi thức khấn vái, dâng rượu và đọc văn cúng trước thánh thần là bà Thiên Y A Na, ông Nam Hải. Chờ cho chánh tế của làng thực hiện xong nghi thức cúng tế, mọi người sẽ lần lượt vào miếu thờ cung kính dâng hương để cầu mong một năm mới bình an, mưa thuận gió hòa cho gia đình, làng xóm.

Chống nạng đi bộ từ nhà ra xem lễ xuân tế, ông Ngô Dương Tâm ở phường Phổ Vinh bồi hồi xúc động chia sẻ: “Không may bị đột quỵ từ năm 2015 đến nay nên đi đứng không được bình thường như mọi người. Nhưng tôi không bỏ lỡ lễ xuân tế nào cả. Bởi đây là lễ cúng thiêng liêng, là dịp đề đạt tâm tư, nguyện vọng của người dân làng tôi, là dịp để cả làng cùng gặp mặt, chia sẻ niềm vui chung”.

Có thể nói, giữa nhịp sống hiện đại hối hả, việc duy trì lễ xuân tế không chỉ giúp người làng Nam Phước giữ lại một nghi thức văn hóa truyền thống từ bao đời, mà qua đó, giúp gắn kết cộng đồng, giúp tình làng nghĩa xóm càng thêm bền chặt.

Theo Ý Thu (Báo Quảng Ngãi)
Du lịch, GO!