(SDB) - Cẩm Kim, một xã thuộc thành phố Hội An, nơi đây vẫn còn đậm chất của một làng quê Việt, chưa bị tác động bởi sự đô thị hóa. Tôi được biết tới làng Cẩm Kim qua cuộc trò chuyện với một bác người Anh, đã sống hơn chục năm ở Hội An. Ông kể, ông rất mê Cẩm Kim, và cho rằng nơi đây mới thực sự là một làng quê của Việt Nam, cổ kính và không chật chội bởi dòng người du lịch, không đầy rẫy các cửa hàng, khách sạn,..

Ngày xưa, để qua được Cẩm Kim, các bạn chỉ có thể đi đò qua. Nhưng đã có một cây cầu sắt, thuận tiện cho việc đi xe máy hoặc xe đạp qua. Cầu sắt nhỏ và cao lêu nghêu bắc qua con sông, khiến cho nó có dáng vẻ mảnh mai, yếu ớt. Giữa cầu có một đoạn phình rộng ra, các bạn có thể dừng xe ở đây để ngắm cảnh chụp hình cũng được.

Từ trên cầu, nhìn vào Cẩm Kim, các bạn sẽ thấy cả một màu xanh bao phủ, lác đác những ngôi nhà mái ngói. Qua hết cây cầu Cẩm Kim, bạn qua thêm một cây cầu nhỏ nữa. Đứng bên bờ, sẽ thấy những con đò nằm im trên dòng sông  phẳng lặng.

Những con đường làng nhỏ nhỏ, chạy quanh co, xanh mướt. Ở đây, người ta trồng cây cau rất nhiều, và trồng theo hàng lối thẳng tắp.

Bị mê mẩn bởi vẻ đẹp bình dị nơi đây, tôi chạy xe theo mọi ngóc ngách một cách ngẫu hứng. Theo một ngõ nhỏ, rẽ vào con đường đất, đi đến hết đường là một bãi cỏ rộng lớn. Nơi các chú bò đang thong thả nhai những ngọn cỏ non. Nhìn qua một tay trái, thì lại là một bãi tha ma rộng lớn. Có lẽ nơi đây được để dành cho những người trong xã Cẩm Kim khi về với đất mẹ.

Nét cổ kính ở Cẩm Kim

Đi lang thang ở Cẩm Kim, các bạn có thể được thấy rất nhiều những ngôi nhà cổ, nhà kiểu cũ, điều sẽ làm bạn cảm giác như đang được ngược dòng thời gian. Về với cảnh thôn quê của Việt Nam ngày xưa.

Ngoài ra, trên đường đi tôi còn thấy một cụm nhà cổ rất đẹp, nhưng có vẻ bị bỏ hoang, cửa cổng bị khóa. Tôi chỉ có thể đứng ngoài chụp hình vào. Xung quanh không thấy người dân nào nên tôi cũng chưa hỏi được thông tin về ngôi nhà này. Có lẽ là của một nhà phú hào nào từ thời xưa.

Làng mộc Kim Bồng

Ở Cẩm Kim cũng có vài địa điểm cho khách du lịch tham quan. Một trong số đó là làng mộc Kim Bồng. Khi tới đây, các bạn sẽ nghe được rất nhiều âm thanh của máy cưa, tiếng đục đẽo. Rất nhiều sản phẩm từ gỗ được các xưởng mộc làm và trưng bày ở đây. Chạy vào sâu một xíu, tôi thấy có một xưởng đóng tàu, bạo dạn đi vào trong để xem xét, thì có một chú đang làm việc với 2 chiếc tàu nhỏ, mới làm xong phần thô. Bên ngoài, ngay mép bờ sông có một bãi tập kết những con tàu lớn đánh cá lớn hơn. Có vẻ chúng đang được các thợ tàu ở đây sơn sửa lại để chuẩn bị cho mùa đánh bắt mới.

Ở Cẩm Kim vẫn còn nhiều những cánh đồng lúa. Lúc tôi đi thì nơi đây đang vào mùa gặt. Mùi lúa chín thơm phức, những người nông dân đang cắt lúa. Một vài cánh đồng đã gặt xong thì nghi ngút khói đốt rơm. Những hình ảnh rất đỗi bình yên, nằm cạnh một phố cổ luôn tấp nập du khách.

Nếu bạn đang có dự định đi Hội An, khi tới đây, hãy thuê một chiếc xe đạp và dạo quanh Cẩm Kim nhé.

Theo Samderlust - Sangdibui
Du lịch, GO!

Cẩm Kim là xã cù lao nằm bên bờ Nam hạ lưu sông Thu Bồn thuộc vùng đệm của Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An, có hệ động thực vật, hệ sinh thái phong phú. Hệ thống sông rạch, mặt tiếp xúc sông khá lớn, cộng với các đặc trưng của mô hình làng quê sông nước như cồn bãi, công trình kiến trúc cổ, đường làng, rặng tre, đồng lúa… còn tương đối nguyên vẹn – là giá trị tài nguyên vô cùng lớn để Cẩm Kim có thể khai thác, phát triển du lịch sinh thái, phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững.

Bảo tồn và phát triển xã Cẩm Kim cũng chính là bảo tồn và phát triển Hội An. Đồng thời, trong chiến lược phát triển du lịch của Quảng Nam, TP.Hội An được xác định là trọng điểm của vùng Đông Bắc tỉnh, trong đó Cẩm Kim có vai trò là cầu nối giữa Di sản văn hóa đô thị cổ Hội An với các vùng phía Nam sông Thu Bồn như Bàn Thạch, Trà Nhiêu, di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn… Do vậy Cẩm Kim có sức hút và lan tỏa sâu rộng trong tương lai. Rồi sẽ có một làng quê – làng nghề sinh thái ven sông hiền hòa, thơ mộng và quyến rũ du khách gần xa.