(BQN) - Mùa cầu gai ở Minh Châu có từ khoảng tháng 3 đến tháng 6 âm lịch. Cầu gai ở Minh Châu số lượng không có nhiều, nhưng cũng đủ tạo ấn tượng với những ai đã đến Minh Châu và thưởng thức nó.

Nhớ buổi tối mùa hè vừa qua khi tôi đến Minh Châu, anh bạn quen đưa tôi thưởng thức món ăn mà theo anh “Chỉ ngoài đảo mới có”. Quả thật với tôi đây là món ăn lạ, tôi mới thưởng thức lần đầu. Anh bạn bảo: Món cầu gai đấy, ngay ở Minh Châu, cầu gai không có nhiều, vì chúng chỉ xuất hiện theo mùa. Hiện cầu gai chỉ có trong tự nhiên, mà chưa có ai nuôi được.

Nơi mà chúng tôi đến thưởng thức món cầu gai là Nhà hàng Bình Minh, nằm ở thôn Ninh Hải. Chủ nhà hàng là anh Trần Văn Đanh, dân gốc xã Minh Châu. Khi du lịch chưa được đưa vào Minh Châu thì anh Đanh làm đủ nghề, có cả nghề đi bắt cầu gai, để cải thiện bữa ăn trong gia đình, nếu nhiều thì bán hoặc mời bạn bè cùng nâng với nhau chén rượu. Do có nhiều mối quan hệ lại hay giao du, nên anh Đanh học được khá nhiều cách chế biến cầu gai.

Cầu gai là loài hải sản có vỏ  tương tự như ngao, sò… nhưng mềm hơn, như lớp vỏ con sam. Hình thù bên ngoài, cầu gai trông gần giống quả chôm chôm, nhưng có màu đen thẫm pha chút đỏ. Cầu gai còn có các tên gọi khác như cà ghim, nhum biển, nhím biển, nhưng cái tên cầu gai thì nhiều người gọi hơn, vì chúng hình quả cầu lại có gai nhọn dài tua tủa vòng xung quanh thân.

Khi tách lớp vỏ cầu gai ra bên trong là thớ thịt cấu tạo thành hình sao 5-6 cánh màu vàng cam bám dọc theo vỏ. Cầu gai được ví như sâm biển vì có độ dinh dưỡng cao. Nhiều thực khách nam rất thích món đặc sản này, tăng cường sinh lực cho phái mạnh và nhiều canxi giúp chắc xương.

Hiện tại giá cầu gai ở Minh Châu khá đắt, giá thịt cầu gai khi đã bỏ phần vỏ mua vào cũng đã từ 800.000 đến 1 triệu đồng/kg, còn nếu người muốn mua cầu gai sống cả vỏ thì bán theo con với giá 25.000 đồng/con. Cầu gai không đủ phục vụ trên đảo nên cũng không có để đưa vào đất liền.

Cầu gai thường sống ở các hốc đá ngầm dưới biển, thế nhưng nhiều vùng biển trong tỉnh ta có bãi đá ngầm cũng không có cầu gai, mà chỉ thấy có nhiều ở Minh Châu, Quan Lạn (Vân Đồn) và ở vùng biển ở huyện Cô Tô.

Người chế biến cầu gai, ngoài có chuyên môn còn phải có dụng cụ chuyên nghiệp, là 2 thanh tre nhỏ đầu có gắn miếng sắt dẹt có cạnh sắc, rồi tách phần vỏ cầu gai ra để lấy phần ruột giống như ta tách vỏ quả óc chó, chứ không dùng dao như tách ngao, ngán được. Ruột cầu gai rất bé so với thân, phải tách vỏ hàng chục cân cầu gai mới thu được khoảng 1 cân ruột.

Chúng tôi thật ấn tượng với món cầu gai nướng nước mỡ hành. Anh Đanh chọn những con cầu gai tươi, cắt cụt gai, tách ra làm đôi cho một ít nước mỡ hành vào đó, rồi đem nướng chúng trên bếp than hồng. Thịt cầu gai chín dậy mùi thơm béo ngậy của lớp mỡ hành, thật thú vị khi ăn với một chút muối tiêu chanh.

Có người lại thích món cầu gai ăn sống, món này không phải nướng nấu gì nhưng phải chọn những con cầu gai tươi ngon, tách ra lấy thịt cầu gai vào bát, thêm một ít chanh muối và mù tạt trộn lẫn. Món này ăn với rau sống, có rau cải xanh rất hợp vì vị hăng hăng của cải xanh cùng với gia vị khác đánh bay mùi tanh, ta thưởng thức thật tuyệt.

Sau khi thưởng thức cầu gai nướng, ăn sống, thì món cầu gai nấu cháo được đưa ra. Cách chế biến món này cũng đơn giản, cầu gai tươi được tách ra ướp với gia vị tiêu hành, bột nêm rồi đổ vào chảo dầu đảo sơ qua. Cháo được nấu nhừ từ trước múc ra bát rồi đổ cầu gai vào.

Món này rất ngon bổ dưỡng cho người sau khi ốm. Tuy cầu gai có thể săn ở biển Minh Châu, thế nhưng cung thường không đủ cầu. Cả xã Minh Châu chỉ có độ chục người đi bắt cầu gai do số lượng không được nhiều.
Minh Châu rất tạo ấn tượng với khách du lịch về bãi biển và món sá sùng khô hiếm nơi nào có được. Cầu gai cũng là món ăn khó quên với những ai đã được thưởng thức nó.

Theo Anh Vũ (Báo Quảng Ninh)
Du lịch, GO!