(BTH) - Hang Mường thuộc thôn Lùm Nưa, đất mường Trịnh Vạn, nay là xã Vạn Xuân (Thường Xuân) là một hang động đẹp với vẻ huyền bí, hoang sơ. Đặc biệt, hang Mường còn gắn liền với truyền thuyết về Nàng Han - người nữ anh hùng đã có công diệt giặc ngoại xâm, bảo vệ sự bình yên của bản làng.

Con đường dẫn vào hang Mường là khung cảnh đồng quê rất đỗi yên bình. Từ xa có thể nhìn thấy hang Mường lấp ló sau những lùm cây, trên một núi đá cao hùng vĩ. Muốn vào được cửa hang, trước tiên phải lội qua sông Nhồng, dòng nước mát khiến cho bất cứ ai cũng cảm nhận được sự khoan khoái, quên đi bao mệt nhọc của đoạn đường đi bộ vào hang. Đến sát cửa hang là một không gian khá tĩnh lặng, thu vào tầm mắt là hệ thực vật phong phú, đa dạng, cây cỏ mọc rậm rạp, um tùm, có vẻ như rất ít người đến đây.

Lực lượng thanh niên của xã đã ra quân phát hoang bụi rậm, cây dại, làm con đường bậc thang bằng bê tông, mở lối dẫn vào hang. Đi qua cửa hang, một làn gió khẽ thổi qua mang tai mát rượi. Ngay phía trong hang có một khoảng trống rộng rãi, bằng phẳng.

Càng đi sâu vào bên trong hang càng thấy nhiều nhũ thạch hiện ra với muôn hình, vạn trạng trông rất đẹp mắt. Bên trong hang Mường còn có một con đường nhỏ chỉ vừa đủ một người lọt qua. Nhưng khi đã vượt qua được đoạn đường tối và chật hẹp đó thì trước mắt mở ra là một nhũ đá rất đẹp, có nhiều giọt nước tí tách chảy xuống. Hình ảnh nhũ đá ấy làm chúng ta dễ liên tưởng đến từng giọt sữa mẹ đang cho đứa con bé bỏng của mình.

Nói về hang Mường phải nghe truyền thuyết về Nàng Han. Theo các cụ cao niên kể lại, xưa kia, trong một gia đình có hai chị em rất xinh đẹp. Cô em đẹp người, đẹp nết, có mái tóc đen dài như dòng suối, hương thơm lạ kỳ khiến trong và ngoài bản mường đâu đâu cũng nức tiếng khen ngợi. Người chị tên là Nàng Han, không chỉ đẹp người, đẹp nết mà còn rất đỗi thông minh, có tài võ nghệ. Một ngày kia, cuộc sống đang bình yên bỗng chốc bị đảo lộn bởi bọn cướp từ đâu kéo tới, cướp phá, hãm hiếp dân lành. Triều đình thông báo tìm người tài giỏi đứng ra giúp nước, Nàng Han liền giả trai gia nhập nghĩa binh. Với tinh thần quả cảm, trí tuệ hơn người, Nàng Han đã lập nhiều chiến công, đánh đuổi quân giặc ngoại xâm ra khỏi bờ cõi đất nước.

Sau khi đánh tan quân giặc, Nàng Han cả mình và ngựa phi thẳng lên núi về trời. Vì thế mà từ bấy đến nay, dòng sông Nhồng còn được người Thái gọi là sông máu, do máu giặc chảy mà thành, vẫn lặng lẽ chảy trên núi hang Mường một cách kỳ bí. Trong hang Mường có nhũ đá hình thiếu nữ đang ngồi nghỉ sức, kế bên là hình voi, ngựa, ngựa chiến hóa đá ngồi chầu, tương truyền là Nàng Han đã hóa thân vào đó. Cảm phục và biết ơn người thiếu nữ đất mường Trịnh Vạn, bà con dân tộc Thái tưng bừng mở hội, vừa tri ân công đức của nàng, vừa tạo khí thế vui vẻ cho bà con tăng gia sản xuất, những mong được mùa, ngô lúa đầy đồng.

Để tưởng nhớ công lao của Nàng Han, cứ mỗi độ xuân về, vào ngày mùng 5 tháng Giêng âm lịch, nhân dân thôn Lùm Nưa, xã Vạn Xuân lại nô nức tổ chức lễ hội Nàng Han. Lễ hội đã trở thành nét đẹp truyền thống của đồng bào dân tộc Thái, thể hiện lòng biết ơn, tôn vinh Nàng Han và những người anh hùng đã quên mình xả thân vì sự bình yên của bản làng. Trong đó, hang Mường là một chứng tích phản ánh tục lệ cổ, mang đậm tín ngưỡng phồn thực, cầu cho mùa màng tốt tươi, nhân dân no ấm, thái bình.

Lễ hội Nàng Han thường diễn ra hai phần gồm: Tế lễ trong hang Mường và phần hội. Phần tế lễ, thầy mo cùng nhân dân địa phương rước lễ vật từ thôn Lùm Nưa vào trong hang Mường để tế Nàng Han và các thần linh cai quản bản mường, cầu mong ấm no, hạnh phúc, mùa màng tốt tươi. Phần hội diễn ra ở ngoài hang Mường, trên bãi đất bằng phẳng. Mọi người vui chơi, múa hát quanh cây hoa và tham gia các trò chơi dân gian như: Đánh cồng chiêng, khua luống, nhảy sạp, kéo co, đẩy gậy, tò lẹ, tung còn... Thông qua lễ hội, nhân dân trong xã Vạn Xuân được cùng nhau giao lưu văn hóa, tăng thêm tình đoàn kết, nhân ái trong cộng đồng.

Có thể nói hang Mường là một đại diện cho tín ngưỡng, văn hóa, nơi giữ gìn bản sắc phong tục truyền thống và là niềm tự hào của người Thái thôn Lùm Nưa, xã Vạn Xuân. Hang Mường càng trở nên kỳ bí hơn với câu chuyện truyền thuyết về Nàng Han nết na, xinh đẹp và tài giỏi. Hy vọng, thời gian tới hang Mường sẽ được nhiều người biết đến để tìm hiểu, khám phá một hang động đẹp và mang nhiều ý nghĩa văn hóa truyền thống của vùng đất “Quế ngọc châu Thường”.

Theo Ngọc Anh (Báo Thanh Hóa)
Du lịch, GO!