(NĐT) - Nam Du mê hoặc lữ khách không chỉ vì lịch sử và những huyền tích hư thực mà bởi sự khác biệt đáng yêu.

Nam du, là du hành phương Nam, hướng xuất hành tốt lành đầu năm của nhiều người Việt. Đây cũng là hướng cha ông  mở cõi. Cổng đền thờ các anh hùng dân tộc thường quay về Bắc thì cổng đền Hùng chếch Nam. Tổ tiên mình cứ “ý tại ngôn ngoại”. Có dịp, đứng trước đền Sóc Sơn, tôi hỏi các cụ già: Sao những cổng đền thường quay về hướng Bắc? Các cụ cười rung chòm râu, đáp: Phía ấy, ngày xưa thường… có giặc!. Lên đền Hùng, lại đem thắc mắc ra hỏi các bậc cao niên, vì sao cổng đền lại chếch phương Nam? Người giữ đền cười  phúc hậu, đáp: Hướng tổ tiên mở rộng biên cương!.

Nam Du còn là địa danh du lịch khá nổi tiếng. Quần đảo Nam Du với 21 đảo thuộc hai xã An Sơn và Nam Du (huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang), nằm phía Đông Nam đảo Phú Quốc. Nam Du là “Đảo phía Nam”, đọc trệch từ “Nam Dự” với những tên đảo dân dã như: Móng Tay, Khô, Nồm (Trong, Giữa, Ngoài), Ông, Tre, Đụng (Lớn, Nhỏ), Ngang, Bỏ Áo, Mấu…

< Bãi hòn Mấu.

Nam Du, đảo lớn nhất, tức hòn Củ Tron hay hòn Lớn thuộc xã An Sơn. Quần đảo có diện tích 4,4km2; dân số hiện nay gần 9.000 người (gấp đôi năm 2000),  mật độ dân số gấp 8 lần Kiên Giang và Việt Nam.

Trong Hương rừng Cà Mau, nhà văn Sơn Nam (1926 – 2008), có truyện Hòn Củ Tron, kể về ông Từ Thông, sống một mình trên đảo. Tình cờ giúp quan Tây tìm trái cây ở Củ Tron, được quan cấp giấy thông hành vào đất liền thăm người thân. Nhưng vào đất liền, vì không có giấy tờ tùy thân nên bị giam lỏng. Do nhớ Củ Tron nên sau nhiều phen lận đận, ông lại tìm về lại đảo hoang sơ, kỳ bí.

Tích cũ, dấu xưa

Nhiều tên gọi ở Nam bộ gắn liền cuộc đời bôn tẩu của Nguyễn Ánh (vua Gia Long) như: cá linh, cá cơm, cây trung quân, bãi ngự, giếng tiên… Trong đó có Củ Tron. Gia Long là người thống nhất đất nước, đặt quốc hiệu là Việt Nam. Thời gian ông sống ở đảo gắn với những sự kiện nhuốm đầy huyền thoại.

< Xe gắn máy, phương tiện di chuyển phổ biến trên đảo. Trong ảnh là hai vợ chồng dù thuộc độ tuổi U80 vẫn thích tự "cưỡi" honda khám phá đảo.

Sự tích kể rằng, khi bị quân Tây Sơn truy đuổi ráo riết, Nguyễn Ánh và quân lính dạt vào vùng đảo hoang này. Giữa lúc kiệt quệ, đói khát quân lính tìm được loại dây leo có củ nằm sát đất, to bằng nắm tay trở lên. Đem nướng hay luộc thử thì ăn thấy ngon. Chẳng ai biết loại củ này tên gì, chỉ dựa vào hình dáng, nên gọi là củ tròn. Sau khi lên ngôi, biết ơn loài cây đã cứu tinh, nuôi sống mình thuở đói khổ, Nguyễn Ánh ra chiếu dụ đặt tên cho đảo là “Củ Tròn”, lâu ngày gọi trại thành Củ Tron.

Các địa danh bãi Ngự, bãi Chệt, bãi Cây Mến, bãi Giếng… đều gắn với những truyền thuyết làm nên bề dày lịch sử Củ Tron. Bãi Chệt với bến tàu khách, xưa là nơi người Hoa (còn gọi là Chệt) làm nghề thương thuyền, thường đi lại vùng biển này để kinh doanh, mua bán. Thuở nạn cướp biển hoành hành, chúng giết sạch nhóm thương buôn người Hoa để cướp tài sản. Xác người trôi vào bãi ở hòn Củ Tron. Người trong làng gọi bãi này là bãi Chệt.


< Khủng long đá ơ Nam Du.

Bãi Cù Dậy, còn gọi là mũi Đá Lở, tương truyền nơi từng xảy ra trận mưa giông 3 ngày 3 đêm, trời đất cuồng phong, sấm rền đất dậy. Một cột khói từ lòng đất bay thẳng lên không trung, uốn lượn như rồng bay, rồi trời quang mây tạnh. Thấy khối đá lớn chình ình nên gọi là mũi Đá Lở. Có người lý giải cột khói đen, chính là con Cù đắc đạo, hóa rồng bay về thiên nhan, đem may mắn đến nên gọi là bãi Cù Dậy.

Bãi Ngự tương truyền là nơi Nguyễn Ánh, mỗi chiều thường ra ngồi ngắm cảnh hoàng hôn, nghĩ thế sự. Trong lúc rối trí vì không có nước ngọt cho quân sĩ, ông đã dậm chân kêu trời, trách đất. Lạ thay, nơi ông vừa dậm chân, bỗng dâng trào mạch nước. Lấy tay bụm uống, thấy ngọt lành, khoan khoái. Ông liền cho quân lính đào thành giếng, nay gọi là giếng Tiên hay giếng Gia Long…

Đảo đẹp và “độc”


< Một đoạn đường quốc phòng quanh đảo, chỉ có thể đi xe gắn máy.

Nam Du mê hoặc lữ khách không chỉ vì lịch sử và những huyền tích hư thực mà bởi sự khác biệt đáng yêu. Đảo toàn đá macma. Dân hai xã chỉ làm nghề duy nhất là đánh cá và nuôi hải sản. Gần đây có thêm các dịch vụ du lịch. Không có đất nông nghiệp. Loại cây ăn trái nhiều nhất là dừa. Có cây cả trăm tuổi, gọi là dừa ngửa cổ, vì phải ngửa hết cổ, mới nhìn thấy ngọn. Ngoại trừ sản vật từ biển, các loại thực phẩm khác đều phải mua từ đất liền.

Đảo nhỏ, nhà nhỏ và đường cũng nhỏ. 440 ha, chỉ bằng mấy dự án vừa vừa của các đại gia trên đất liền. Nhà nào cũng san sát, chen chúc cạnh các vách đá nên không có vườn. Chưa thấy nhà cao tầng. Đường dốc, khúc khuỷu, rộng nhất chỉ vừa hai xe 16 chỗ tránh nhau. Nhiều đoạn bề ngang chưa đầy 1m nên xe gắn máy là lựa chọn tối ưu. Đi các đảo thì có tàu du lịch. Chưa có lưới điện quốc gia nhưng các máy diesel của xã và tư nhân, đủ sức phục vụ du khách. Nước giếng khoan tha hồ xài. Đảo đá nhưng mùa mưa có suối và thác nhỏ.


< Trai tai tượng, đặc sản Nam Du.

Cây toàn mọc từ đá, lách đá vươn lên ; kiên cường, mạnh mẽ. Nam Du là kho dược liệu quí. Theo nghiên cứu sơ bộ của trường đại học Cần Thơ 2018, cây thuốc trên đảo có 443 loài, 316 chi, 128 họ, có 9 loài trong sách đỏ Việt Nam 2007. Có thể kể: dứa dại, huyết rồng, đỗ trọng, núc nác, lốp bốp, làm bàm, thành ngạnh, củ rối, ổ kiến, trầm hương, xích đồng, hương bài, hà thủ ô, lạc tiên, quế, tắc kè đá lá sồi… Dân đất liền, tùy theo mùa, thường ra đảo thu hái dược liệu về cho các phòng chẩn trị Đông Y.

Những bãi tắm trên các đảo đa phần còn hoang sơ, dịch vụ tối giản. Bù lại nước biển trong xanh và cảnh đẹp đến nao lòng. Đảo không có nhà máy, các bãi tắm xa khu dân cư nên biển sạch đến ngỡ ngàng. Đến Nam Du là để “rửa” phổi và “rửa” mắt. 150 phút trên tàu cao tốc, mắc mới gì ngồi bẹp dí trong khoang, bí rị phòng lạnh. Hãy ra ngoài hành lang, no nê hít thở không khí trong lành mà biển cả hào phóng dâng tặng. Thi thoảng gặp từng đàn cá chuồn bay lươn như làm xiếc chào khách lạ.


< Chuẩn bị BBQ hải sản với hào, sò điệp, ốc, cá, mực, tôm...

Dù xa bờ gần trăm km nhưng giá cả ăn uống ở Nam Du rẻ không ngờ. Tôi khoái nhất là hào, trai tai tượng, sò điệp, tôm hùm, tôm mũ ni, tôm tít, cá xương xanh, cá bớp, mực nháy (nháy mắt)… Món nào cũng ngon “điếc” mũi. Ăn mấy ngày chưa hết món vì có nhiều cách chế biến. Không hề có trái cây nhưng món gỏi xoài Nam Du bá cháy. Món me đá là đặc sản, chất lượng ăn đứt các nơi khác dù nguyên liệu nhập từ đất liền.

Từ Nam Du, tôi càng lo “hương đồng gió nội bay đi”. Bãi Ngự, bãi tắm đẹp nhất của đảo năm xưa giờ kín đặc nhà cửa. Giếng Gia Long lọt thỏm giữa thị trấn xô bồ, nắp bê tông vô hồn dù nguồn nước vẫn trong mát, dồi dào. Một số nơi đang hối hả đào núi, san lấp với những dự án cao tầng của đại gia nghe đâu ở Hà Nội, Hải Phòng. Đáng lo nhất là rác thải. Gặp mùa gió ngược, bến tàu ngập ngụa rác. Dọc đường quanh hòn Lớn, gần 500m là bãi rác lộ thiên, đốt nham nhở, khét lẹt và nồng nặc mùi hỗn hợp.


< Đặc sản đá me Gia Mẫn ở Nam Du.

Nếu không có qui hoạch, không phân loại rác và xử lý khoa học, ngày Nam Du bị lãng quên trên bản đồ du lịch sẽ không xa lắm. Tôi chỉ biết mượn lời thơ Nguyễn Bính (1918 -1966) mà cầu khẩn “Van em, em hãy giữ yên quê mùa”. Nam Du chỉ có giá trị khi giữ được những nét quê chân thực. Thay cho các nhà nghỉ bí rị là những bulgalow thoáng mát, bốn bề lộng gió trăng, ven biển. Hạn chế tối đa việc bê tông hóa, đắt gấp ba bốn lần đất liền, lại phá hỏng cảnh quan vốn có. Nếu cần, qui định lượng khách ra đảo để đảm bảo chất lượng dịch vụ và phục vụ.

“Nhất chạng vạng, nhì rạng đông” là thời khắc vàng của ngư dân nhưng cũng là của dân du lịch. Tắm biển hay chạy xe quanh đảo vào thời điểm này là lý thú nhất. Xem vạn vật đổi màu, thiên nhiên khoe áo mới. Thích nhất là những đêm lênh láng vàng trăng, tản bộ dọc biển, nghe thiên nhiên hòa tấu kể chuyện hồng hoang, phiêu bồng hồi tưởng về đoạn văn mà Sơn Nam đặc tả:

“Hoàng hôn tràn tới chính là lúc cảnh vật dưới biển ngời lên, bóng mây phản chiếu lấp lánh như gấm. Đêm về, trăng mọc. Nơi thủy cung rộn rịp nào kém chốn trần gian! Từng đợt rong chìm lững lờ mơn trớn, khoác thêm lớp xiêm lụa mỏng cho bầy cá hường”.


< Bãi Mến với hàng dừa ngửa cổ.

Thông tin thêm

- Mỗi ngày có 20 chuyến tàu cao tốc khứ hồi, từ 6g - 12g15 (Rạch Giá); từ 8g50 - 15g15 (Nam Du). Tàu chạy mất 2g30 phút (khoảng 100km). Giá vé 210.000 đồng, lượt, người lớn; 150.000 đồng, trẻ em. Tàu Phú Quốc Express giá 250.000 đồng người lớn và 200.000 đồng trẻ em nhưng rút ngắn thời gian được 30 phút.

- Phương tiện di chuyển trên đảo là xe 16 chỗ (nhóm khách gia đình) và xe gắn máy. Ra các đảo khác là thuyền du lịch.

- Dịch vụ trên đảo khá đa dạng, từ ngủ, ăn, đi lại đến khám phá các đảo, câu cá, lặn ngắm san hô, quà dặc sản… Giá rẻ hơn nhiều so với các vùng đảo khác.

Theo Nguyễn Văn Mỹ (Người Đô Thị)
Du lịch, GO!