(TNO) - Cách thành phố Đông Hưng (Quảng Tây, Trung Quốc) chừng 20 km có một ngôi làng của người Kinh, dù trải qua hơn 500 năm lưu lạc nhưng ở đây vẫn gìn giữ được bản sắc văn hóa Việt.
Sau khi nhập cảnh vào Trung Quốc, từ cửa khẩu Đông Hưng, chúng tôi thuê taxi 2 chiều khoảng 200 nhân dân tệ (hơn 600.000 đồng) để đến thôn Vạn Vĩ, nơi có hàng ngàn người gốc Việt đang sinh sống.

Ngôi làng của những ngư dân Việt

Đã lâu không trở lại, dọc đường đi, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước sự phát triển của thành phố Đông Hưng với những dãy nhà cao tầng, trung tâm thương mại sầm uất mọc lên san sát. Thật may, chuyến đi này tôi chọn đúng bác tài taxi nói được tiếng Việt và giới thiệu về thành phố này như một hướng dẫn viên du lịch thực thụ.

Ông Lương Mã Trung (50 tuổi) cho biết học tiếng Việt từ vợ mình. “Bà nhà tôi cũng là dân Vạn Vĩ nhưng quê gốc từ 4 đời trước là người Thái Bình của Việt Nam. Chúng tôi lấy nhau được 22 năm rồi. Ba đứa con của tôi đều biết tiếng Việt, trong đó 1 cháu đang làm thông dịch viên”, ông Trung kể.

Sau khoảng 30 phút, thôn Vạn Vĩ dần hiện ra trước mắt. Lúc gần đến cổng chào, chỉ về phía dòng chữ Trung Quốc, ông Lương Mã Trung nói: “Dòng chữ trên cổng chào nghĩa là người Kinh đảo kính chào quý khách đấy!”. Bước qua cổng chào Vạn Vĩ là một khung cảnh khác hẳn với trung tâm thành phố Đông Hưng ồn ào. Nơi này không gian yên bình tựa như làng quê Việt Nam.

Đi sâu vào trong làng, chúng tôi ngỡ như đang ở một vùng nông thôn Bắc bộ với đình làng, giếng nước, lũy tre và văng vẳng đâu đó tiếng đàn bầu. Nhiều đoạn đường làng trên bờ tường tranh cổ động có cả chữ Trung Quốc và tiếng Việt.

Hôm tôi đến, đúng dịp cả làng đang sinh hoạt cộng đồng trong nhà văn hóa. Có nhóm các cụ ngồi quây quần giao lưu hát giao duyên, một số bô lão khác thì ngồi đánh mạt chược. Thấy tôi đang lúng túng toan chào hỏi bằng một câu tiếng Trung thì mọi người cười phá lên. “Chúng ta cùng người Kinh cả đấy, cứ nói chuyện bằng tiếng Việt đi cho tiện”, một cụ cao tuổi nói.

Ngồi trò chuyện, hỏi thăm một hồi lâu, ông Tô Minh Thành (64 tuổi) kể rằng, theo gia phả họ Tô của ông cùng 11 dòng họ khác, với khoảng 200 người vốn là dân chài đánh bắt xa bờ, từ thị trấn Đồ Sơn (huyện Cát Hải, thành phố Hải Phòng, Việt Nam) sang thị trấn Giang Bình (thành phố Đông Hưng, Trung Quốc) lập nghiệp từ hơn 500 năm trước.

Theo ông Thành, tất cả các dòng họ đều gốc dân biển Đồ Sơn, vì theo luồng cá mà phiêu dạt đến đây. Ngày xưa, các cụ kiếm chỗ nghỉ ngơi sau những ngày đi biển, thấy vùng đất này có bờ tre, khóm trúc đoán rằng có nước ngọt để sinh sống. Vì thế, 7 cụ tổ mới quyết định lên bờ chọn vùng này để định cư, về sau có thêm 5 dòng họ khác nữa cũng đến. Thế rồi, đời này đời khác, nơi đây sinh sôi thành làng xóm.

“12 dòng họ tổ chúng tôi sống ở 3 hòn đảo hoang lập nên 3 làng: Vạn Vĩ, Sơn Tâm và Vu Đầu, gọi chung là Tam Đảo. Sau này, người Trung Quốc gọi bộ phận người dân gốc Việt ở đây là Kinh tộc và là 1 trong 56 dân tộc ở đất nước họ”, ông Thành cho biết.

Theo ông Tô Minh Phương, Trưởng thôn Vạn Vĩ, hiện nay 12 dòng họ người Kinh ở Vạn Vĩ có hơn 10.000 người, ngoài ra còn hơn 1.000 người gốc Việt ở thôn Vu Đầu và thôn Sơn Tâm…

Đến nay, sau nửa thiên niên kỷ lưu lạc trên mảnh đất Đông Hưng, nhiều người Kinh ở đây trở nên giàu có nhờ làm ăn buôn bán ở vùng biên. Ngoài ra, người dân phần lớn vẫn theo nghề truyền thống là đánh bắt, nuôi trồng hải sản và làm dịch vụ du lịch biển. Nhờ đó, đời sống của người dân thôn Vạn Vĩ ngày càng khá lên. Việc đi lại của cư dân biên giới hai bên dễ dàng hơn trước.

Văn hóa Việt luôn chảy trong máu

Ông Tô Minh Phương cho biết, hầu như người Kinh ở đây từ cụ già đến trẻ con vẫn nói tiếng Việt. Thậm chí, chính quyền còn hỗ trợ người dân học tiếng Việt bởi nhờ truyền thống gia đình nên người dân học nhanh, thuận lợi hơn. Ngoài ra, sau này họ còn là nguồn thông dịch viên dồi dào trong việc giao thương giữa thành phố Móng Cái (Quảng Ninh) và thành phố Đông Hưng.

Không chỉ giữ và dạy tiếng Việt, nhắc về văn hóa của người Kinh ở đây, các lão niên đều tự hào rằng, họ là một trong những dân tộc giàu bản sắc trên đất Trung Quốc. Cuộc sống hiện đại khiến vùng đất này thay da đổi thịt nhưng nét văn hóa Việt vẫn chảy trong mỗi người dân ở Vạn Vĩ và được truyền qua nhiều thế hệ.

Ông Tô Minh Trung (75 tuổi, thôn Vạn Vĩ) chia sẻ: “Nói đến văn hóa thì chúng ta không khác xa nhiều đâu vì cùng chung tổ tiên cả. Người dân ở đây vẫn tổ chức ngày giỗ 10.10 âm lịch để tổ chức Lễ gạo mới. Đây là một ngày hội lớn, người dân mang xôi, gà, thịt… ra đình để cúng tổ tiên và giao lưu văn nghệ”.

Trước khi chia tay chúng tôi, Trưởng thôn Tô Minh Phương siết chặt tay nhắn nhủ: “Yên tâm nhé, mọi người ở nơi này luôn thương nhớ cố hương, cùng nhau nương tựa làm ăn. Nguồn cội không bao giờ thay đổi được, nên nếu sau này có dịp về Hải Phòng nhớ cùng tôi qua Đồ Sơn chơi nhé”.

Hằng năm, người dân hai thôn - khu biên giới Tràng Vĩ (phường Trà Cổ, thành phố Móng Cái, Quảng Ninh, Việt Nam) và Vạn Vĩ (thị trấn Giang Bình, thành phố Đông Hưng, Trung Quốc) vẫn duy trì giao lưu văn hóa, gặp gỡ, đặc biệt là dịp lễ hội đình của mỗi bên. Đình làng của hai bên đều thờ 12 vị thành hoàng người gốc Đồ Sơn (Hải Phòng, Việt Nam), những bậc tiền nhân đặt dấu ấn đầu tiên trên vùng đất địa đầu Tổ quốc. Để tạo điều kiện cho nhân dân hai bên đều được tham dự hội đình của nhau, lễ hội các bên được tổ chức lệch ngày. Nếu như ở Tràng Vĩ hội đình bắt đầu từ 1.6 âm lịch thì các đình làng ở Vạn Vĩ được tổ chức lần lượt: Đình Vạn Vĩ (9.6 âm lịch), Vu Đầu (1.8 âm lịch) và Sơn Tâm (10.8 âm lịch).

Theo Lã Nghĩa Hiếu (Thanh Niên)
Du lịch, GO!