(BDL) - Cồn Sơn xanh biếc với không gian yên tĩnh là địa chỉ hấp dẫn khách du lịch trong và ngoài nước mỗi khi đến Cần Thơ. Đến với đất cồn để hòa mình vào thiên nhiên với vườn cây, ao cá cùng những món ăn đặc trưng của người Nam bộ…

Trên cồn có 2 nghề chính đó là làm ruộng, sau này thêm làm vườn, còn dưới sông thì có nghề đánh bắt cá.

Bà con tận dụng nguồn cá tự nhiên trên sông Mekong theo mùa đổ về để chất chà dẫn dụ cá. Giáp Tết hàng năm, du khách thường về Cồn Sơn trải nghiệm cùng nông dân dỡ chà bắt cá.

Ông Hai Hải, một nông dân cố cựu ở Cồn Sơn kể, hồi xưa ở đây cá nhiều nên người dân chất chà để dụ cá, đến khoảng hơn tháng sau là bắt đầu dỡ chà. Vật dụng thường dùng để chất là cây bần (vì ở cồn này bần mọc nhiều vô kể). Người dân cùng với nhau chất chà, trải nhánh bần xuống sông, mỗi đống có chu vi vài trăm mét, thậm chí người có mặt nước rộng thì chất lên đến hơn nghìn mét vuông.

Lúc bắt đầu làm, 2 xuồng kề lại mới kéo chà lên trên xuồng, rồi chở đến cái nền chà, chất đống chà chỗ nào là chỗ đó đã được dọn trước đúng vị trí. Hầu như ven mé cồn đều có đống chà, nhiều đến nỗi trên cồn có đến mấy chục đống.

Ở Cồn Sơn dỡ chà bắt cá quanh năm nhưng vui nhất là đợt dỡ chà những ngày cận Tết Nguyên đán.

Theo ông Hải, điều đặc biệt ở cồn là không có chuyện tự ý dỡ chà mà người dân họ tự quy ước với nhau là từ dưới hạ nguồn dỡ trước, rồi dần dần lên đầu cồn. Bởi nếu trên đầu nước dỡ trước thì bùn trôi xuống, làm động cá ở phía dưới sẽ đi hết, chính vì thế phải dỡ từ dưới trước.

Chưa kể, dỡ chà còn phải thuận theo con nước, đợi con nước ròng dài mới dỡ kịp đống chà, còn nước ròng ngắn dỡ chưa xong là nước lớn thì không bắt được cá.

Dỡ chà vui nhất là khi bao lưới. Nước động là cá phóng ra, con nào bay cao qua lưới sẽ thoát ra sông. Chính vì thế, cần phụ nữ phụ giúp bằng cách kìm xuồng ở vòng ngoài hứng cá nhảy. Xuồng đậu kín quanh đống chà, hễ con nào phóng ra ngoài là nhảy vô lòng xuồng. Lúc đó, có một người phụ nữ ở ngoài gom lại và chuyển những con cá ấy về nhà trước, để chế biến. Khi dỡ chà xong, ai thích loại gì thì lấy như: tôm, cá trạch lấu, cá leo…

Khi mọi việc xong xuôi, đàn ông về tắm rửa và nhậu lai rai đến tối với ánh đèn dầu leo lét, kể chuyện đời, chuyện nghề... Trong khi cánh đàn ông nhậu thì phụ nữ bắt đầu làm cá, có người thì ủ mắm, người thì muối làm khô, những phụ nữ giỏi bếp núc thì chế biến đủ các món cá để đãi khách trong ba ngày Tết.

Theo Nguyễn Tuấn, Hòa Hội (Báo Du lịch)
Du lịch, GO!