(NĐT) - Nhượng không phải là sang nhượng mà là Cẩm Nhượng, tên một xã vùng biển huyện Cẩm Xuyên, phía Nam Hà Tĩnh.

Nhượng là cách gọi tắt. Gọi là chợ Cá để phân biệt với chợ Hôm (buổi chiều), chợ Mai (buổi sáng) Cẩm Nhượng. Chợ mang tên một xã nhưng phục vụ luôn mấy xã lân cận.

Chợ Cá Nhượng còn gọi là chợ Gò vì họp chợ trên gò đất của sông Cửa Nhượng, cách chân cầu Nhượng Lĩnh (xã Cẩm Nhượng và xã Cẩm Lĩnh) chừng 500m. Cầu dài hơn 1.800m, dài nhất vùng Bắc Trung bộ.

Chợ cá đầu mối thường họp từ sáng tinh mơ, khi những thuyền cá cặp bờ sau một ngày đêm đánh bắt. Từ khoảng 4 giờ sáng, bạn hàng đã í ới gọi nhau ra chợ. Xe gắn máy, xe đạp, xe lôi, xe đẩy lỉnh kỉnh thùng, thau, sọt, gánh… nườm rượp ra chợ như trẩy hội.

Tôi ghé chợ lúc 4g30, trời còn tối mịt, mà chợ đã ồn ào nhộn nhịp như họp từ nửa đêm. Xe gắn máy, xe đạp ngổn ngang với thùng hàng. Những ánh đèn pin loang loáng. Có cả đèn đội đầu của thợ săn. Nhiều nhất là đèn của điện thoại iphone, cũng là máy tính đa dụng.

Chợ là phải ồn ào đông đúc. Chợ nào cũng ồn, mà ồn nhất là chợ cá. Kẻ mua, người bán săm soi, trả giá náo động cả một vùng. Cứ như đang cố đuổi bóng đêm và gọi bình minh đến sớm. Có đến mấy trăm người họp chợ. Có người bán hoặc mua thuần túy. Có người vừa mua vừa bán. Âm thanh líu lo, gắt gỏng 'lạ tai' đặc trưng Hà Tĩnh. Khách du lịch phải có dân địa phương phiên dịch mới hiểu được.

Người bán cá thuần túy là các chủ ghe. Người mua thuần túy là các bà, các em nội trợ hoặc khách vãng lai, du lịch. Người vừa mua vừa bán cũng có thứ bậc. Nhỏ thì vài trăm ký, lớn thì cả tấn. Họ mua từ chủ ghe, bán lại cho các vựa nhỏ hoặc đóng thùng chở ra Bắc, vào Trung.

Người mua, bán phải có quá trình, kinh nghiệm, vốn liếng và cả quan hệ. Giá bán sỉ từ ghe qua thương lái, tới vựa nhỏ, chỉ sang tay là chênh lệc tối thiểu 20%. Ra tới người mua lẻ hoặc chợ thêm 20% nữa. Khi các thuyền đánh cá tấp nập cập bến, đèn lung linh chớp tắt như hội hoa đăng; là trên bờ rộn ràng nghênh đón. Các thuyền thúng trung chuyển sản vật biển lên bờ là bạn hàng ào xuống bì bõm đón từng thùng khay nhựa với kính thưa các loại tôm, cua, cá, mực, ốc…

Mua sỉ thì sa cạ cả thùng. Mua lẻ tì lựa theo hạng cân. Chợ không quá lớn cũng không quá nhỏ, chỉ vừa đủ đầy không gian, văn hóa chợ và sản vật vùng biển.

Hải sản không nhiều, cũng không rẻ so với những nơi khác, nhưng được cái tươi, chỉ ướp lạnh chứ không ướp đá. Đa phần là cá, tôm, mực… “vị thành niên” và cả “nhi đồng”. Loại cá trên chục ký là hàng hiếm, Điều này cũng dễ hiểu vì các tàu thuyền đều đánh bắt ven bờ, qua đêm. Nghề đánh bắt xa bờ không phát triển vì rủi ro và thiếu lao động bởi nhiều lý do. Giá đắt nhưng đảm bảo sạch, không ngâm tẩm phân đạm hay hóa chất.

Tiếng lành đồn xa, nhiều du khách trực tiếp mua hoặc thông qua các mối quen biết đóng thùng xốp gởi vào Phú Yên, Đà Nẵng. Có khi chuyển ra tận Hà Nội và các tỉnh phía Bắc. Khi bình minh ló dạng, chợ thưa dần và tan chợ khi nắng sớm bắt đầu gây khó chịu. Những ngư dân rời thuyền về nhà nghỉ ngơi sau một đêm lao động cật lực giữa biển khơi để xế chiều lại dong thuyền tìm bãi cá.

“Nhất chạng vạng” là thời điểm tốt nhất để đánh bắt. Khuya sáng hôm sau, thuyền no sản vật, lại tất bật vào bờ nhả hàng, bắt đầu một ngày mới.
Vòng xoay cuộc sống ngư dân cứ như ngày và đêm, vận hành đáng yêu và mặc định.

Theo Nguyễn Văn Mỹ, Nguyễn Vũ Mộc Thiêng (Người Đô Thị)
Du lịch, GO!

Chợ cá buổi bình minh nơi làng chài Cửa Nhượng
Đi về phía mặt trời Cửa Nhượng