(BKH) - Cứ từ tháng 9 năm trước đến tháng 2 năm sau, rác từ khắp nơi lại trôi về tấp đầy bờ biển đảo Bình Ba (xã đảo Cam Bình, TP. Cam Ranh, Khánh Hòa), bốc mùi hôi thối. Chính quyền và người dân đang nỗ lực vớt rác để tránh ô nhiễm môi trường.

Huy động người dân vớt rác

Mấy ngày nay, những ai đến đảo Bình Ba cũng không khỏi khó chịu khi thấy cả vùng bờ biển, xung quanh cầu tàu ngập tràn rác thải. Bao bì, túi ni-lông, thùng xốp, hộp thức ăn… nổi lềnh bềnh, dày đặc, trong đó có lẫn cả xác động vật, cây dại, lục bình… bốc mùi hôi thối. Nhiều nhất là túi ni-lông đựng thức ăn tôm hùm, đóng thành từng lớp dày đặc.

< Xem ảnh vệ tinh: Những dải trắng trôi dật dờ trên biển chính là rác đó.

Bà Nguyễn Thị Ly ở thôn Bình Ba Đông, đang vớt rác ở đây cho biết: “Cứ đến mùa gió bấc, không hiểu từ đâu mà rác thải dạt vào đảo Bình Ba rất nhiều, bốc mùi khó chịu. UBND xã đã thông báo hỗ trợ cho người dân vớt rác 5.000 đồng/bao. Từ sáng đến giờ, tôi vớt mới được vài chục bao mà đã thấm mệt, do phải kéo, xả các bịch ni-lông chứa đầy nước từ dưới biển lên bờ”. Bà Võ Thị Tuyết ở thôn Bình Ba Đông cũng cho hay: “Chúng tôi vớt rác thấy hộp xốp thì ít mà bịch ni-lông đựng thức ăn tôm hùm thì nhiều. Khổ nhất là trong rác thỉnh thoảng còn lẫn cả xác động vật từ đất liền trôi ra, vì người dân trên đảo không nuôi động vật”.

Ông Nguyễn Ân - Chủ tịch UBND xã đảo Cam Bình cho biết, từ tháng 9 năm trước đến tháng 2 năm sau, đảo Bình Ba như cái túi hứng rác từ thượng nguồn và các địa phương khác ở đất liền đổ ra. Ngoài ra, còn có cả lượng rác tại chỗ của người dân xả ra, trong đó có rác từ các hộ nuôi tôm trên đảo. Qua hết tháng 2 năm sau, hiện tượng tấp rác sẽ hết, biển sạch sẽ, trong xanh trở lại. “Thời gian qua, chính quyền đã rất cố gắng, liên tục tuyên truyền, vận động các hộ nuôi tôm hùm không vứt túi đựng thức ăn nuôi tôm xuống biển; nên đặt 1 thùng rác trên bè tôm để gom rác chở vào đất liền xử lý. Tuy nhiên, một số chủ bè và những người làm thuê trên bè không phải lúc nào cũng có ý thức bảo vệ môi trường. Vì vậy, vẫn có tình trạng ném túi ni-lông xuống biển sau khi cho tôm ăn”, ông Ân nói.

Cần thay đổi nhận thức cộng đồng nuôi tôm hùm

< Tại sao người ta có thể giết thiên nhiên nơi chính mình đang sống như thế này?

Thời gian qua, chính quyền ra sức vận động người dân và các đoàn thể vớt rác nhưng không xuể. Vì vậy, phải thuê người dân vớt rác với giá 5.000 đồng/bao. Mỗi tháng vớt từ 3 đến 4 đợt. Lượng rác gom được khoảng 3 tấn/ngày, sau đó thuê xe chở đến lò xử lý. Kinh phí hỗ trợ vớt rác được trích từ nguồn thu phí rác thải của người dân, cũng như các cơ sở kinh doanh trên đảo Bình Ba. Ngoài việc vớt rác, xã đã trích kinh phí để thu gom rác ở từng bè tôm, do tổ thu gom rác tự quản trên đảo phụ trách (6 thành viên), sau đó đưa vào đất liền xử lý. Tuy nhiên, do lượng bè tôm quá nhiều nên việc thu gom rác trên bè gặp khó khăn. Thời gian gần đây, xã đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến các hộ nuôi tôm để chuyển đổi từ túi ni-lông đựng thức ăn tôm hùm sử dụng 1 lần sang sử dụng túi lưới, sau khi cho tôm ăn, giặt lại, sử dụng nhiều lần. Người dân dần dần cũng thay đổi nhận thức. Hiện nay, tại đảo Bình Hưng, 90% số hộ nuôi tôm hùm chuyển sang dùng túi lưới. Tại Bình Ba, các hộ cũng bắt đầu ý thức, đã dần chuyển sang đựng túi lưới.

< Rác nilon phải 100 năm mới phân hủy, tức là cả cuộc đời bạn, đời tôi cũng chưa đủ để nó biến đi. Điều khủng khiếp hơn là nhựa khi phân hủy rồi nó trở thành hạt vi nhựa: hạt này nhiễm vào cá, tôm, sò... và cuối cùng thì vào cơ thể con người theo đường tiêu hóa rồi tồn tại mãi mãi ở đó!

Tuy người dân Bình Ba đã dần thay đổi nhận thức nhưng giải quyết việc rác tấp vào đảo vẫn còn là vấn đề đau đầu. Theo đánh giá của chính quyền địa phương, lượng rác tấp vào đảo hàng năm chẳng những không giảm mà còn tăng lên. Nguyên nhân chính là do rác từ thượng nguồn, từ các lồng, bè nuôi trồng trong đất liền theo gió bấc tràn qua. “Cứ đến mùa này, lãnh đạo xã chúng tôi nhiều lần bị người dân phản ứng, cấp trên phê bình. Tôi đã đích thân đến một số khu vực khác có nuôi tôm ở Cam Ranh xem tình hình và nhận thấy các hộ nuôi tôm cũng vứt rác xuống biển rất nhiều. Hậu quả là người dân Bình Ba gánh chịu. Vì vậy, chúng tôi mong muốn cấp trên cần có những giải pháp đồng bộ, thay đổi nhận thức, hành động của cả cộng đồng nuôi tôm trên vùng biển Cam Ranh thì mới có thể cải thiện được tình trạng tấp rác ở Bình Ba”, ông Ân nói.

Theo Minh Thiết (Báo Khánh Hòa)
Du lịch, GO!

Nhìn vịnh Cam Ranh thấy sợ!