(BQN) - Đoạn sông Trà Khúc chảy ngang qua tổ dân phố Liên Hiệp 1C, phường Trương Quang Trọng (TP.Quảng Ngãi) từng phân lạch thành lạch bãi trước và bãi sau, rồi từ đấy chảy xuống khu vực xóm Lân, xã Tịnh Long (TP.Quảng Ngãi) thì nhập lại vào sông chính xuôi về cửa Đại. Ấy thế rồi, trải qua bao thăng trầm của thời gian, hai lạch sông này dần bị bồi lấp, trở thành ruộng đồng màu mỡ cho người dân trồng trọt.
< Những con đường bê tông băng qua lạch sông năm xưa, nối Quốc lộ 24B vào từng khu dân cư dọc sông Trà Khúc.
Ngược dòng ký ức của người dân xóm Bãi, tổ dân phổ Liên Hiệp 1C, phường Trương Quang Trọng về khoảng thời gian chỉ mươi năm trở về trước, cứ đến độ tháng 9 âm lịch hằng năm, xóm Bãi lại bị đặt vào thế “gọng kiềm” khi phía trước và phía sau đều có lạch nước sông Trà ào ạt chảy qua.
“Ngày ấy, cứ đến mùa mưa là sông Trà Khúc khi chảy đến gò T51 (tên gọi của một gò đất giữa sông nằm cách cầu Trà Khúc 2 bây giờ khoảng 100m) lại phân thành hai lạch sông lớn, chảy vào tận xóm, tận làng khiến chúng tôi khổ đủ đường”, bà Trần Thị Hoa, người đã trải qua hơn nửa đời người sống ở xóm Bãi, bùi ngùi kể.
Trong quá khứ, vào mùa mưa lũ, những ngôi làng dọc theo lạch sông từ xóm Bãi xuống đến tận xóm Lân đều phải nhờ đến những chiếc đò ngang tròng trành để lưu thông. Nước lũ sông Trà còn theo các lạch sông này len lỏi vào tận thôn, xóm gây sạt lở đất, nhà tại nhiều nơi khiến người làng phải trồng tre thành hàng, thành lũy dọc sông, xung quanh nhà để ngăn sông “ngoạm” đất...
< Lạch sông năm xưa giờ đã thành ruộng đồng cho người dân ở tổ dân phố Liên Hiệp 1C, phường Trương Quang Trọng (TP.Quảng Ngãi) trồng hoa màu.
“Làng chỉ cách Quốc lộ 24B chưa đầy 100m, nhưng ngày xưa, mỗi lần cắt rau xuống chợ Sa, xã Tịnh Châu (TP.Quảng Ngãi) để bán, chúng tôi phải chèo ghe băng qua lạch mới ra được đường lớn. Gặp đợt mưa to, nước lạch chảy xiết, thì nhà tôi đành để rau già úa chứ không cách nào qua lạch được”, ông Bùi Lẫm, ở xóm Bãi, rưng rưng kể.
Thế rồi, khi hàng loạt công trình cơ sở hạ tầng phía bờ bắc sông Trà như: Đường bờ bắc sông Trà, các khu dân cư dọc sông thi nhau mọc lên, cũng là lúc chuyện sông, chuyện người của một thời khó nhọc thoắt cái đã trở thành quá khứ.
“Đường bờ bắc sông Trà được xây dựng đã trở thành đê chắn, ngăn nước sông Trà đổ vào lạch như trước. Thế là từ năm 2015 đến nay, lạch sông trước nhà tôi dần cạn khô rồi trở thành dải đất rộng thênh thang để người dân chúng tôi trồng cỏ, trồng rau”, bà Nguyễn Thị Nhung, ở phường Trương Quang Trọng bày tỏ.
Lạch sông không còn, những ngôi làng từng một thời bị cô lập vào mùa mưa lũ, giờ trở thành những ngôi làng có vị trí “đắc địa” khi trước mặt và sau lưng đều có hai tuyến đường huyết mạch của tỉnh là Quốc lộ 24B và đường bờ bắc sông Trà chạy qua.
Lạch sông cạn khô, người dân ở những ngôi làng sống dọc theo lạch sông ngày trước nhanh chóng tận dụng đất phù sa màu mỡ dưới lòng sông để trồng rau màu vụ đông rồi mừng vui đóng góp, làm nên hàng loạt con đường dân sinh băng qua lòng lạch, nối Quốc lộ 24B với từng khu dân cư...
Nhìn màu xanh của hoa màu lần lượt phủ kín trên lòng lạch ngày xưa; chẳng ai nghĩ nơi này từng là con lạch có bề ngang mấy mươi mét, từng mang theo nước lũ làm ngập không biết bao ngôi nhà. Dấu tích duy nhất còn lại của lạch sông, có chăng chỉ là những rặng tre nằm dọc đôi bờ giờ vẫn bền bỉ bén rễ xanh um, tươi tốt.
Khung cảnh của lạch sông Trà bây giờ thật giống với dòng sông Vị Hoàng từng được nhà thơ Tế Xương mô tả trong bài Sông lấp: “Sông kia rày đã nên đồng/ Chỗ làm nhà cửa, chỗ trồng ngô khoai/ Vẳng nghe tiếng ếch bên tai/ Giật mình còn tưởng, tiếng ai gọi đò”…
Theo Đông Yên (Báo Quảng Ngãi)
Du lịch, GO!
0 Comments
Đăng nhận xét
Du lịch, GO! là một blog quảng bá du lịch trong nước với tiêu chí chia sẻ thông tin, bất vụ lợi - Bạn có thể nhận xét, bổ sung hay yêu cầu hướng dẫn liên quan đến bài viết mà không cần đăng ký. Bạn cũng có thể yêu cầu xoá bài, sửa đổi, phê phán.... bất kỳ.
Tuy nhiên, rất mong bà kon không post link quảng cáo vào đây vì mình sẽ xoá thẳng, xin thông cảm vì Dũng này chỉ muốn an toàn cho mọi người.