(VHVN) - Chùa Võng Thị tên chữ là Vĩnh Khánh tự. Địa chỉ: phố Võng Thị, phường Bưởi, quận Tây Hồ, tp Hà Nội. Chùa cách Hồ Gươm hơn 6km về hướng tây-bắc; gần các bến dừng xe bus tuyến 13, 25, 55 trên phố Lạc Long Quân và tuyến 45 trên phố Thuỵ Khuê. Chùa ra đời vào cuối thời Lý; gần đây đã được xây lại hoàn toàn và công nhận Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia.

Lược sử

Khuôn viên chùa rộng chừng 5.000m2, nằm ở góc tây-nam ven bờ hồ Tây. Đất này thuộc về một ngôi làng cổ của Hà Nội. Trước kia, dân làng chủ yếu sinh sống bằng nghề đánh cá và "seo" giấy. Nơi đây từng có một chợ bán lưới cho những ngư phủ quanh hồ Tây nên làng có tên là Võng Thị (chợ lưới).

Chùa Võng Thị khởi dựng dưới đời vua Lý Nhân Tông (1072-1128). Đến những năm kháng chiến chống Pháp, chùa từng bị san phẳng, toàn bộ tượng Phật bị đốt.

Dưới sân chùa này, một hầm trú ẩn của Thành ủy Hà Nội đã được xây dựng và là nơi chỉ huy quân dân thủ đô trong cuộc chiến tranh chống Mỹ. Hầm được xây bằng đá hộc, mỗi bề rộng 12m, nửa chìm nửa nổi, phần chìm thông với hệ thống địa đạo.

Trong quá trình đô thị hoá, dọc con đường làng được gắn biển “phố Võng Thị” vào năm 2001 nay đã mọc lên san sát các biệt thự. Phố này chạy từ phố Thuỵ Khuê đến bờ Hồ Tây, nơi có chùa và đình Võng Thị với ngôi đền cổ được dựng vào cuối thế kỷ 11.

Đình Võng Thị có điện thờ Mục Thận, theo văn bia còn lưu, ông là người đánh cá nổi tiếng trong “Vụ án hồ Dâm Đàm” vào tháng Ba năm Bính Tý (1096).

Truyền thuyết

Người xưa kể rằng Mục Thận khi chèo thuyền đánh cá trên hồ Tây đã quăng lưới bắt được “hổ” là thái sư Lê Văn Thịnh đang áp lại gần vua Lý Nhân Tông trong sương mù.

Theo chính sử, các quan đại thần kết tội Lê Văn Thịnh mưu sát vua; nhưng rất lạ là thái sư không phải chịu án tử hình mà chỉ bị đày đi Thao Giang (Phú Thọ). Mục Thận được phong hàm Đô úy và ban đất ở vùng Dâm Đàm làm thực ấp.

Mục Thận là một ngư phủ từng cứu được nhiều người bị nạn trên sóng nước. Dân làng góp tiền xây đền thờ sống ông, gọi là Mục Thận từ.

Ngày giỗ ông (14/2 âm lịch) đã trở thành dịp hội hàng năm của các làng Võng Thị, Trích Sài, Hồ Khẩu, trong đó có lễ rước kiệu về đình Võng Thị từ đền Dục Khánh và đền Vệ Quốc - nơi thờ hai con trai của Mục Thận có công dẹp giặc.

Kiến trúc

Trải qua hơn 9 thế kỷ, chùa từng được trùng tu và tôn tạo nhiều lần, diện mạo bị thay đổi gần hết. Nghe nói từ trước những năm 1990, cửa chùa đã được đặt hướng theo các kiểu khác nhau. Lúc đầu mở về hướng đông-bắc, sau lại xoay sang hướng tây. Ni sư Đàm Đạo trụ trì hơn 20 năm gần đây đã tổ chức quyên góp để dựng lại nhiều hạng mục kiến trúc của chùa Võng Thị từ những phế tích đổ nát.

Hiện nay chùa mở cửa đón gió đông-nam. Sau dãy tường dài, ở phía trái toà Tam bảo có hồ nước và xung quanh chùa là vườn cây mát mẻ.

Tam quan to rộng với gác chuông rất cao được xây sát mặt phố. Qua khoảng sân lát đá là các bậc thềm cao dẫn lên hiên toà Tam bảo. Tiền đường và hậu cung có hình khối đồ sộ kết cấu theo kiểu truyền thống Bắc tông. Bên trái Chính điện là phủ thờ Tam tòa Thánh Mẫu, còn ở phía sau là lầu Địa Tạng vương.

Các ban thờ

Chính điện được bài trí tôn nghiêm, bộ tượng Phật Tam Thế ngự ở tầng trên cùng. Mỗi tượng cao 0,9m, kể cả tòa sen là 1,2m, ngang gối 0,54m, tạc bằng gỗ vào thời Mạc. Bộ cổ vật quý này vốn bị kẻ gian lấy từ đâu không rõ, sau được công an thu giữ lại và nhà chùa cung kính thỉnh rước về.

Phía dưới bộ Tam Thế đặt tượng Thích Ca, tượng tôn giả A Nan và Ca Diếp, tượng Quán Thế Âm thiên thủ thiên nhãn, bộ Thất Phật Thế Tôn và tòa Cửu Long.

Trong chùa treo một quả chuông đúc từ thời Tây Sơn. Các ban thờ được trang hoàng lộng lẫy, có nhiều hoành phi, câu đối và những cửa võng chạm khắc tinh tế.

Với bề dày thời gian đáng kính và địa thế đẹp đẽ của mình, chùa Võng Thị đã được Bộ Văn hóa công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia và trở thành một điểm đến trong quần thể du lịch Tây Hồ đang hấp dẫn nhiều viễn khách từ thập phương.

Theo Đông Tỉnh (Văn Hiến VN)
Du lịch, GO!