(BNĐT) - Halloween của xóm đạo vùng quê mang đầy ý nghĩa nhân văn. Lễ hội tại nghĩa trang mới được tổ chức khoảng chục năm đổ lại và ngày mỗi cách tân.

Những ngày cuối tháng 10, khắp các đô thị rộn ràng chuẩn bị cho ngày hội Halloween. Từ trẻ con cho tới những người không còn trẻ nhưng chưa già, đều náo nức với những bộ trang phục ma mị cho ngày hội hóa trang và các hoạt động vui chơi. Hỏi các bạn trẻ ở những xóm đạo vùng quê, ít ai biết về Halloween nhưng họ sẽ kể về ngày lễ Các Linh Hồn vào ngày 2.11 hàng năm. Lễ kéo dài suốt tháng 11 và có nguồn gốc từ Halloween.

Lễ hội Halloween bắt nguồn từ ngày lễ “The Celtic Festival of Samhain” của dân tộc Celts cách đây khoảng 2.000 năm ở nước Anh và phía Bắc nước Pháp. Lễ “The Celtic Festival of Samhain” để tưởng nhớ và vinh danh Thánh Samhain, chúa tể những linh hồn người chết vào đêm 31.10. Thánh Samhain sẽ cho phép các linh hồn về thăm gia đình. Dịp này người Celts dâng cúng lễ vật cảm ơn những gì thiên nhiên đã ban tặng, cầu xin năm mới thịnh vượng và mùa màng bội thu. Họ thường đốt những đống lửa lớn để tỏ lòng tôn kính tới các vị thần và xua đuổi tà ma.

Mỗi người lấy than hồng từ đống lửa, đặt trong củ cải hoặc những quả bầu, quả bí và mang về nhà. Để không bị những linh hồn lang thang quấy phá, họ hoá trang và khắc những khuôn mặt kinh dị lên những quả bầu, quả bí đó. Năm 43 (sau Công nguyên), dân tộc Celts bị người La Mã cai trị đến thế kỷ V. Ngày hội Mùa Thu của người La Mã được tổ chức liền với ngày hội kỷ niệm Thánh Samhain của dân tộc Celts. Một trong hai ngày này có tên là Feralia để tưởng nhớ người quá cố.

Ngày hội thứ hai dùng để vinh danh Thần Pomona, tức là Nữ Thần Hoa Quả và Cây Cối. Có thể đây là nguyên nhân của tục lệ đoán vận mệnh tương lai được sử dụng trong trò chơi thi cắn quả táo treo ở đầu một sợi dây vào ngày lễ Halloween. Sau Công nguyên, đạo Thiên chúa phát triển mạnh ở châu Âu, các vị thánh nhiều nên số ngày trong năm không đủ tôn kính từng vị. Vì vậy, Nhà thờ Thiên Chúa giáo lập ra Ngày Các Chư Thánh (All Saints’Day) để để vinh danh các Thánh của đạo Thiên Chúa, đặc biệt đối với những Chư Thánh không có ngày dành riêng để kỷ niệm.

Thời gian đầu, ngày này được tổ chức vào 13.5 hàng năm, sau đó đã được chuyển vào ngày 1.11, trước Ngày lễ các linh hồn (All Soul’s Day vào ngày 2.11). Halloween có tên gốc là All Hallows’Eve, có nghĩa là đêm trước Ngày Các Chư Thánh. “Hallow” là một từ tiếng Anh cổ có nghĩa là “thánh” và cuối cùng đổi là Halloween như ngày nay. Halloween không còn mang ý nghĩa tôn giáo mà là lễ hội vui chơi với những quả táo, mèo đen; với những hình hóa trang “con ma”, “bộ xương”… của Ngày lễ các Thánh và Ngày lễ các linh hồn

Với những người theo đạo Thiên Chúa. Halloween mở đầu tháng các Linh hồn; cầu nguyện cho người quá cố, khơi dậy tâm tình hiếu thảo, biết ơn đối với các bậc tổ tiên, ông bà, cha mẹ, người thân đã ra đi trước. Trước chừng tuần lễ, từng đoàn người nô nức tảo mộ, làm đẹp “nhà” của những người đã khuất với tất cả tình yêu thương, kính nhớ. Thân nhân những người đã khuất biến nghĩa trang im lìm thành những ngày hội nhộn nhịp. Tháng các linh hồn không mang màu đen buồn thảm, chết chóc mà tràn ngập hoa và màu sơn mới hy vọng.

Con người có sinh có tử. Đó là quy luật tự nhiên. Không ai biết được mình sẽ chết lúc nào. Con người không chọn và không định được ngày giờ ra đi của mình. Chưa ai có kinh nghiệm bản thân về sự chết, dẫu đã nhiều lần chứng kiến sự ra đi của nhiều người.

Tất cả vẫn là người ngoài cuộc vì chứng kiến chưa phải là kinh nghiệm. Sự chết không hẹn ngày, chỉ giờ cho ai cả; không ấn định năm tháng, cũng chẳng đếm xỉa tuổi tác; lúc nào cũng bất ngờ. Sự sống và sự chết là hai khía cạnh của một thực tại con người.

“Con người có tổ có tông
Như cây có cội, như sông có nguồn”.

Ai cũng có ông bà, cha mẹ, những người thân yêu đã ra đi trước mình? Tháng linh hồn như là tháng giỗ của người theo đạo Thiên Chúa. Thánh lễ được cử hành tại nghĩa trang của giáo xứ. Trời chưa sáng nhưng dòng người lũ lượt, trang phục chỉnh tề, cầm hoa, nhang và nến đổ về nghĩa trang.

Cả làng dậy sớm, í ới gọi nhau và gọi cả bình minh. Trời Bình Thuận lúc nào cũng hửng sáng vì đèn thanh long, càng ửng hồng sắc màu. Nghĩa trang như bừng tỉnh, các ngôi mộ lung linh ánh nến, rực rỡ hương sắc. Hàng ngàn người trật tự, sâu lắng cầu kinh tưởng nhớ người đã mất.

Đây cũng là dịp để con cháu nhìn lại mình, không hổ thẹn với tổ tiên và những người đã khuất.

Lễ tan khi bình minh ló dạng. Nắng hồng mặc thêm áo mới cho từng ngôi mộ. Nghĩa trang sáng bừng chào ngày mới. Halloween của xóm đạo vùng quê mang đầy ý nghĩa nhân văn. Bạn tôi bảo: “Ngày này năm sau, phải rủ thêm nhiều bạn bè ra Phan Thiết du lịch, về dự Halloween xóm đạo vùng quê, để trải nghiệm và hiểu hơn những nét đẹp truyền thống cả đạo lẫn đời”.

Lễ hội tại nghĩa trang mới được tổ chức khoảng chục năm đổ lại và ngày mỗi cách tân.

Theo Nguyễn Vũ Mộc Thiêng (Báo Người Đô Thị)
Du lịch, GO!