(TH) - Ít ai biết rằng, có một nơi thâm sơn cùng cốc quanh năm chìm trong sương mù ở miền núi Bắc Trà My. Đó là nóc (làng) Xơ Rơ thuộc xã Trà Bui, huyện Bắc Trà My, Quảng Nam.

Từ đập chính thủy điện Sông Tranh 2, để vào đến nóc Xơ Rơ phải chạy hơn một giờ xe máy theo con đường đất đá quanh co, ôm theo những sườn núi cao. Theo tuyến đường nhựa liên xã Trà Đốc - Trà Bui, khi đến Km20, rẽ phải chạy xe máy ngược con dốc dựng đứng một đoạn nữa là đến nóc Xơ Rơ.
Ở độ cao hơn 1.000m so với mặt nước biển nên nóc Xơ Rơ quanh năm chìm trong sương mù. Nhà ở của dân làng nằm sát cạnh nhau và hầu hết đều làm theo kiểu nhà sàn truyền thống của đồng bào người Ca Dong bám vào sườn dốc. Trông xa, nóc Xơ Rơ như một bức tranh giữa miền sơn cước.

< Đường lên nóc Xơ Rơ.

Tháng 10, chúng tôi đến nóc (làng) Xơ Rơ - cách trung tâm huyện Bắc Trà My khoảng 40km, chừng 1 giờ chạy xe máy. Nóc Xơ Rơ dường như cách biệt với thế giới bên ngoài, ngôi làng hiện ra trước mắt khách lạ với vẻ hoang dã, mộc mạc, độc đáo.

Nóc nằm trên một ngọn núi cao. Những ngôi nhà san sát nhau trải dài từ đỉnh núi xuống lưng đồi, từ xa trông như những mái ngói được lợp trên một ngôi nhà khổng lồ...

Đây là ngôi làng mà người dân tộc Ca Dong tập trung đông nhất, được hình thành lâu đời nhất còn tồn tại đến nay.

Lúc mới lập làng, Xơ Rơ chỉ có vài hộ dân, tuy nhiên đến nay nóc Xơ Rơ có đến 119 hộ với hơn 600 khẩu. Ở nơi “thâm sơn cùng cốc”, song cuộc sống người dân khá sung túc.

Hiện toàn nóc có gần 100 con trâu, hơn 100 con bò. Để đàn gia cầm có nguồn thức ăn và không gây ô nhiễm nơi ở của người dân, làng cho xây dựng một khu chăn nuôi tập trung cách nóc gần 2 giờ đi bộ. Do vậy cảnh quan môi trường của nóc Xơ Rơ tương đối được đảm bảo, sạch sẽ.

Nóc khá nhiều chó. Thấy người lạ, chó sủa hung xen lẫn tiếng chủ nạt. Heo, gà, dê… lang thang kiếm ăn bên những ngôi nhà hướng vào sườn dốc, hầu như không thấy hàng rào. Vào trong những ngôi nhà, khắp nơi đều có khu dự trữ lương thực. Những bồ lúa đầy ắp, những xâu bắp treo lủng lẳng trên giàn bếp..., chừng đó cũng đủ nói lên sự no đủ của người dân nơi đây.

Những đứa trẻ nhút nhát, có đứa khóc khi thấy người lạ vai mang túi xách, tay cầm máy ảnh xuất hiện. Nhưng bọn trẻ dần quen cũng quen với những nụ cười làm thân, hoặc thỉnh thoảng lánh mặt, không muốn nhìn người lạ. Nhiều thanh thiếu niên vừa nhai cau vừa cười, người già cũng cười và mỏm mẻm ăn trầu.

Người dân trong nóc có tính tự lập rất cao và hăng say lao động. Thanh niên trong nóc cũng rất ít uống rượu. Đặc biệt, người dân biết dự trữ nguồn lương thực nên những khi đến mùa giáp hạt họ cũng không đói.

Với địa hình lạ của nóc, chỉ sau hơn 30 phút dạo quanh, người đã đẫm mồ hôi. Chạnh lòng khi thấy đời sống của người dân nơi đây còn khó, vui vì biết được một vài điều lạ. Đôi mắt trong vắt của những đứa trẻ, nụ cười lạc quan, thân thiện của đồng bào người Ca Dong thật chẳng khác gì những món quà cho người khách phương xa.

Đường đi đến nóc Xơ Rơ

Từ thị trấn Trà My (Bắc Trà My) theo hướng đi Nam Trà My 7km, đến ngã ba rẽ phải một đoạn sẽ gặp cầu Sông Tranh. Từ cầu Sông Tranh đi chừng 3 km theo hướng vào nhà máy thủy điện Sông Tranh 2, sẽ gặp ngã 3 có bản chỉ dẫn rẽ trái về hướng xã Trà Bui.

Từ đây, đi trên con đường liên xã men bên lòng hồ thủy điện thêm chừng 20 km nữa sẽ tới một ngã ba, đường dốc bên phải bằng bê tông là lối vào nóc Xơ Rơ.

Đường từ trung tâm huyện Bắc Trà My đến nóc Xơ Rơ (xã Trà Bui) khoảng 30 km. Nếu đi từ TP Tam Kỳ đến nóc Xơ Rơ, xã Trà Bui, huyện Bắc Trà My, quãng đường là 80 km.

Nơi đây rất phù hợp với những “phượt thủ” ưa thích mạo hiểm chinh phục những cung đường quanh co, khúc khuỷu, có thể đi thăm và tìm hiểu cuộc sống người dân bản địa, tắm suối, ngắm nhìn những ruộng bậc thang vàng rộm giữa mùa gặt. Đến Xơ Rơ, bạn có cơ hội để “săn mây”, khi đứng trên đỉnh núi, xung quanh bốn bề là mây trắng, cảm tưởng như khua tay ra là có thể chạm đến tầng mây. Những mái nhà nóc Xơ Rơ cũng chìm trong thung lũng mây mù chỉ còn thấy những chấm  nhỏ xíu...

Du lịch, GO! tổng hợp từ Tuổi Trẻ, Quảng Nam online, CA Đà Nẵng...