(TH) - Nằm trên độ cao từ 1.200 – 1.500m, xã Măng Ri được mệnh danh như một “xứ sở sương mù”. Đặc biệt, tháng 10 hàng năm, lòng chảo Măng Ri được phủ vàng bởi đồng ruộng bậc thang khiến lòng người mê mẫn.

< Xã Măng Ri hiện mờ ảo sau lớp sương mù trên dãy núi Ngọc Linh.

Măng Ri là một xã thuộc huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum. Xã Măng Ri có diện tích 34,97 km². Xã Măng Ri có 6 thôn, làng, với gần 100% dân số là đồng bào dân tộc Xơ Đăng. Theo những già làng ở xã Măng Ri cho biết, xã được lấy tên Măng Ri theo tiếng Xơ Đăng có ý nghĩa là từ ghép tên của cây đa và cây măng sâm lũ, một trong những loại cây có nhiều trên địa bàn xã và thường được bộ đội sử dụng làm thực phẩm trong kháng chiến chống Mỹ.

< Lòng chảo được phủ bởi màu vàng của lúa, được người Xê - Đăng trồng trên ruộng bậc thang.

Xét về đặc điểm địa hình, xã Măng Ri được xem là vùng thuận lợi nhất để phát triển cây lúa nước và các loại cây dược liệu. Địa hình xã Măng Ri như hình một chiếc chảo lớn, 4 bề được bao quanh bởi dãy núi Ngọc Linh cao trên 1.500m.

< Chính vẻ đẹp mê hồn khiến những tay săn ảnh vượt cả trăm cây số để đến ghi lại cảnh mùa lúa chín.

< Những ruộng bậc thang và ngôi nhà tranh, tựa bức tranh "họa đồ".

Già làng A Jon - Làng Pu Tá vui mừng: Đến nay, xã Măng Ri thay đổi rất nhiều, hệ thống điện- đường- trường- trạm được đầu tư xây dựng khang trang, con em người Xơ Đăng được học hành đầy đủ.

< Hình ảnh bà con Xê Đăng "lom khom" gặt lúa trên những cánh đồng ruộng bậc thang.

< Từ xa xưa, bà con đồng bào Xê Đăng đã biết trồng lúa 2 vụ và làm ruộng bậc thang để dẫn nước.

Khác với các vùng đồng bào dân tộc thiểu số khu vực Tây Nguyên, bà con Măng Ri đã biết làm ruộng bậc thang từ xa xưa để tận dụng nguồn nước mạch từ núi chảy ra canh tác lúa 2 vụ. Chính vì tạo được nguồn lương thực tại chỗ nên mọi gia đình đều không phải lo “cái đói” mùa giáp hạt. Đây cũng được xem là “vựa lúa” lớn nhất ở huyện Tu Mơ Rông.

< Từng thế hệ trong lòng chảo Măng Ri đều nhờ cây lúa nơi này nuôi sống. Chính vì vậy, già trẻ đều đi làm ruộng từ nhỏ.

< Niềm vui ngày mùa của bà con đồng bào Xê Đăng.

< So với năm trước, vụ mùa này bà con bị mất mùa nhưng không đáng kể.

Hầu hết lúa nước được đồng bào Xơ Đăng nơi đây canh tác theo kiểu ruộng bậc thang như người dân ở vùng Tây Bắc. Vì vậy, từ trên cao nhìn xuống những thửa ruộng bậc thang lưng chừng đồi ở Măng Ri nhìn khá đẹp. Đan xen giữa những thửa ruộng bậc thang là những ngôi làng với mái nhà rông cao vút, tạo nên một bức tranh “sơn thủy hữu tình”.

< Các em học sinh trên đường từ nhà đến trường.

< Hạt lúa vùng lòng chảo đã nuôi dưỡng bao ước mơ của lũ trẻ Xê Đăng.

Nếu có dịp đến với Măng Ri vào mùa lúa chín, nhìn cánh đồng lúa vàng rực đan xen giữa ngôi làng với những ngôi nhà sàn truyền thống của người Xơ Đăng và những khu rừng già dưới chân núi Ngọc Linh, du khách thập phương sẽ không khỏi ngẩn ngơ trước cảnh đẹp của vùng đất này.

< Lòng chảo Măng Ri nhìn từ trên cao xuống.

Người Xơ Đăng ở Măng Ri có truyền thống sản xuất lúa nước từ bao đời nay. Tuy nhiên, khoảng 20 năm về trước, người dân chỉ trồng một vụ, nhưng hiện nay, đồng bào Xơ Đăng đã sản xuất lúa theo 2 vụ. Diện tích lúa nơi đây ngoài việc đảm bảo lương thực tại chỗ cho bà con còn cung cấp ra thị trường.

Du lịch, GO! tổng hợp từ Pháp Luật Plus, Báo Kontum...

Lộc trời trên đỉnh Tu Mơ Rông
Tu Mơ Rông không xa nữa
Người Xê Đăng ở thung lũng Tu Mơ Rông