(TTO) - Nếu có dịp đặt chân đến Hồng Ngài - bản Mông hẻo lánh, địa danh đã trở nên quen thuộc trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài, nhiều du khách sẽ được trải nghiệm với điểm đến thú vị trong hành trình lên miền Tây Bắc.

Nằm ẩn mình giữa khung cảnh rừng núi hoang vu, Hồng Ngài hôm nay hiện ra khác hẳn tưởng tượng của chúng tôi.

Thay cho khung cảnh nghèo đói trước đó là hình ảnh những cửa hàng tạp hóa, điểm thương mại dịch vụ mọc lên san sát, sầm uất ngay ở đỉnh con dốc. Trường học, trạm y tế, trụ sở UBND, nhà văn hóa... đều được xây dựng kiên cố, khang trang, đẹp đẽ.

Bức tranh thiên nhiên hùng vĩ

Sau một đêm nghỉ ngơi tại thị trấn Bắc Yên (huyện Bắc Yên, Sơn La), chúng tôi bắt đầu men theo cung đường uốn lượn vượt đèo Chẹn để tìm đến rẻo cao Hồng Ngài. Khung cảnh hiện ra hai bên lưng chừng núi là bức tranh thiên nhiên hùng vĩ. Càng ấn tượng hơn khi cung đường đèo Chẹn chạy song song với dòng sông Đà xanh thẳm ở phía dưới.

Những nương ngô, ruộng lúa, rừng cây khi được nắng vàng chiếu xuống đã biến thành bao tấm thảm đa màu sắc lộng lẫy, giữa non cao hết sức đẹp mắt. Từ trên gần đỉnh núi, đưa tầm mắt ra phía xa xa dưới lòng thung lũng, du khách có thể nhìn thấy những bản làng đông đúc, bình yên của người Thái, người Mông. Sau khoảng 13km, chúng tôi đã đặt chân tới xã rẻo cao Hồng Ngài.

Lang thang theo những ngả đường mòn ra rìa xã Hồng Ngài, chúng tôi có dịp được ngắm nhìn những bản Mông định cư bên sườn núi từ bao đời. Như nhiều vùng cao khác, đồng bào Mông vẫn canh tác trên các thửa ruộng bậc thang xung quanh nhà mình. Ruộng bậc thang mùa lúa chín vẽ ra bức tranh vàng rực cùng với không khí vui tươi của bà con khi được mùa.

Đi vào các bản Mông như bản Đung, bản Giàng, bản Suối Tếnh..., du khách sẽ được trải nghiệm cuộc sống, sinh hoạt của người Mông nơi đây khi họ vẫn giữ nguyên nét truyền thống, hoang sơ vốn có. Những con đường quanh co, uốn lượn men theo sườn núi từ bản này sang bản kia như đưa du khách lạc vào câu chuyện của ngày xưa.

Hình ảnh những cô gái Mông gặt lúa, còn các chàng trai lên rừng kiếm củi... như gợi cho du khách về tiếng sáo Mèo văng vẳng bên tai cùng câu chuyện tình đầy bi thương của A Phủ và Mị trong tác phẩm để đời của nhà văn Tô Hoài.

Hang A Phủ - điểm tham quan thú vị

Những chàng trai, cô gái Mông ở trên quê hương của A Phủ không còn bị ràng buộc bởi những hủ tục hà khắc như xưa nữa.

Tại các phiên chợ tình, trai gái được tự do yêu đương, hẹn ước cùng nhau xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Trong các bản nhỏ, đồng bào Mông rất mến khách, những em nhỏ hồn nhiên thích thú khi được xem chiếc máy ảnh, điện thoại mới chụp hình mình.

Trên đỉnh núi tại các bản Mông còn có những bãi đất trống khá bằng phẳng với thảm cỏ xanh non, rất thích hợp để cắm trại ngủ qua đêm, chờ đến sáng hôm sau đón ánh bình minh nhô lên từ núi.

Đến Hồng Ngài vào dịp thu, lúc mùa táo mèo bắt đầu, đi ngang qua các cánh rừng, du khách sẽ cảm nhận được thoang thoảng đâu đó hương táo mèo thơm quyến rũ. Những màn sương sớm giăng khắp núi rừng hòa quyện vào hương táo, bóng hình thiếu nữ Mông thấp thoáng lên nương tạo cho chúng ta một cảm xúc khó quên.

Điểm đến ấn tượng nhất của Hồng Ngài chính là hang A Phủ, được đặt từ sau khi chuyện "Vợ chồng A Phủ" trở nên phổ biến rộng rãi, cách trung tâm xã hơn 3km. Theo người dân bản địa, trước đây hang A Phủ có tên Thẳm Cốp. Cửa hang cao rộng nhìn ra khoảng rừng núi xanh thẳm, hùng vĩ. Hang sâu khoảng 200m với hệ thống nhũ đá đẹp, nhiều hình dạng lạ mắt.

Vào năm 1961, khi quay tác phẩm điện ảnh Vợ chồng A Phủ, các nhà làm phim cũng đã lấy bối cảnh hang A Phủ để đưa lên phim.

Ngày nay, hang A Phủ đã trở thành một điểm du lịch thu hút đông đảo mọi người đến tham quan, khám phá. Với vẻ đẹp tự nhiên, hoang sơ, chưa bị sự tác động của con người, cùng với lai lịch gắn với câu chuyện tình "Vợ chồng A Phủ", hang A Phủ sẽ lôi cuốn du khách ghé thăm.

Theo anh Mùa A Chồng - chủ tịch UBND xã Hồng Ngài, du khách đến Hồng Ngài tham quan ngày một đông, có cả người nước ngoài. Phòng văn hóa - thông tin huyện Bắc Yên đang phối hợp với chính quyền xã quy hoạch, đầu tư cơ sở hạ tầng, dịch vụ để biến khu hang A Phủ và các bản Mông truyền thống trở thành điểm đến tham quan độc đáo, cuốn hút du khách.

Tại bản Hồng Ngài, gần khu trung tâm xã đã có 3-4 hộ gia đình làm dịch vụ du lịch bằng cách xây nhà trình tường đắp đất truyền thống. Ở đây khách được phục vụ ngủ nghỉ với giá bình dân cùng các món ăn bản địa như: bánh ngô, rượu táo mèo, cơm lam, gà chạy bộ...

Theo Hải Dương, Văn Huy (Tuổi Trẻ)
Du lịch, GO!

Hồng Ngài không còn 'thẩm sâu cùng cốc'
Theo dấu chân A Phủ
Bản người Mông đẹp nhất Asian