(VHĐS) - Nằm trên đường thiên lý Bắc - Nam nối đồng bằng châu thổ sông Hồng và đồng bằng sông Mã cách thành phố Thanh Hóa về phía tây khoảng 40km, theo Quốc lộ 45, Khu di tích Núi và đền Đồng Cổ thuộc xã Yên Thọ, huyện Yên Định, từ xa xưa cho đến hôm nay không chỉ được xem là một danh sơn độc đáo với hình dáng núi giống ba ngôi sao thanh tú như nét vẽ nhấp nhô trên nền trời xanh thẳm, mà nơi đây còn là một trung tâm tín ngưỡng lớn thờ thần Đồng Cổ Đại vương nổi tiếng của đất nước, đã đi vào thi ca “Non thai sông Mã nước in mây, Hun đúc vẻ thiêng khoảnh đất này; Lồng lộng cao đài hồn quỷ trốn; Vang lừng không phận, khách man bay”.

Một vùng non nước hữu tình

Lần giở lại những trang sử cũ, cho biết Núi và đền Đồng Cổ thờ vị thần Đồng Cổ Đại Vương, thuộc thôn Khả Lao, xã Đan Nê, tổng Đan Nê, phủ Thiệu Thiên (nay là xã Yên Thọ, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa). Đây là vùng đất nổi tiếng đẹp đẽ bởi cảnh vật và sông núi hữu tình, sách Đại Nam nhất thống chí chép: “Núi Đồng Cổ có tên nữa là Khả Lao ở cách huyện Yên Định 16 dặm về phía tây; núi nổi lên ba ngọn đá cao thấp liền nhau, như hình dáng ba vì sao, nên gọi là núi Tam Thai. Phía tả núi có đền thần, trong đền có một cái trống bằng đồng, nặng chừng 100 cân, đường kính phỏng 2 thước 1 tấc, chiều cao phỏng 1 thước 5 tấc, một mặt trống rỗng, một mặt có chín vòng tròn, ở giữa mặt trống có cái rốn tròn, chung quanh lưng trống là hình hồi văn chữ “vạn”, bên cạnh có văn chữ như hình văn tự khoa đẩu.Dulichgo

Tương truyền cái trống này chế từ thời Hùng Vương”(1). Sách Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú thì chép kỹ hơn về lịch sử: “Núi Đồng Cổ ở xã Đan Nê, huyện Yên Định, thần núi rất thiêng. Thời Lý Thái Tông đi đánh Chiêm Thành, đậu thuyền ngủ tại bãi Trường Châu, thần núi báo mộng xin theo đi để lập công. Đến khi đánh được nước Chiêm về, Thái Tông sai lập miếu ở kinh sư. Khi Thái Tông lên ngôi, lại báo mộng cho biết việc ba vương mưu làm phản. Khi đã dẹp yên nạn ấy rồi, ban chiếu phong làm “Thiên hạ minh chủ thần”, tước vương”(2).

Còn sách Thanh Hoá tỉnh chí lại chép rằng: “Đền thần núi Đồng Cổ ở xã Đan Nê, huyện Yên Định. Truyền rằng vua Lê Đại Hành đi đánh Chiêm Thành đóng quân ở dưới núi Khả Lao. Đêm nằm mộng thấy người thần mình mặc áo giáp đội mũ, nói xin cho được trống đồng dùi đồng để trợ chiến. Vua ban cho. Đến khi đánh nhau với giặc nghe trên không mơ hồ có tiếng kiếm kích. Quả nhiên thắng địch hoàn toàn, mới đổi tên núi ấy là núi Đồng Cổ (trống đồng) và phong thần ấy làm sơn thần”(3).
Dulichgo
Về cảnh trí và sự tích của núi Đồng Cổ, sách Tam Thai sơn linh tích (sự tích núi Tam Thai - tức núi Đồng Cổ) của Lam Kiều Nguyễn Dật Sáng (giữa thế kỷ XVIII đến đầu thế kỷ XIX) đã mô tả khá đầy đủ, chi tiết và thú vị:

...“Núi có ba ngọn, giống như sao Tam Thai nên gọi là Tam Thai (gồm núi Xuân, núi Nghễ và núi Đổng), còn gọi là núi Đồng Cổ (trống đồng) nữa. Ngọn bên tả... hơi dài mà thấp. Miếu thờ nhân gò núi mà đắp nền, dựa đá mà làm vách, óng ánh kéo dài, trông đến rợn người. Trước miếu có cây tùng, cây bách xanh biếc lâu đời, cao chót vót lưng trời, có nhiều hoa quả lạ kỳ, thơm ngát. Đi xa cách hơn trăm bước, thấy hai ngọn núi đứng sững hai bên. Tầng cửa thứ ba ở giữa theo bên trái cửa đi xiên đường đá, qua hòn đá âm dương, lên từng bước, từng bậc lên ngọn giữa lưng chừng. Ngọn núi giữa có chùa Thanh Nguyên, còn gọi là chùa Dớng.

Phía bắc chùa có bậc đá cheo leo, túm dây cỏ đi lên, phía trên đá ngày xưa có quán Triều Thiên, nền cũ hãy còn. Đứng đây cúi nhìn xuống dưới thấy có dòng sông quấn quýt chạy quanh co ôm lấy núi. Tiếng hát câu ca vọng tới đỉnh núi. Bóng người hái củi dọi xuống đến dòng sông, thường thường có chiếc thuyền nhẹ buông câu, khi ẩn khi hiện giữa khoảng sóng nước và khơi mù. Đặt mắt bốn bề thấy cảnh sắc như vẽ.

Trong từng cửa thứ hai, có hồ bán nguyệt. Hồ dựa vách núi làm bờ. Mùa hè, mùa thu đầy những cỏ phù cừ, hãm hãm. Đứng xa trông đẹp như gấm. Hồ có lỗ hổng, nước chảy thông qua chân núi ra đến sông. Sông về mùa thu, nước lụt cùng mực nước trong hồ ngang bằng nhau. Sóng ánh lấp lánh, bóng mặt trời, mặt trăng khi ẩn khi hiện trong đó. Trước cửa tầng thứ ba có chợ buổi sáng, còn chợ buổi chiều thì ở đằng sau miếu. Ở dưới có bến đò cổ, người buôn bán tấp nập, thuyền bè đậu như rừng. Đây cũng là một nơi đô hội của Ái Châu. Cổ nhân nói “Núi Đồng Cổ là một nơi tai mắt của nước non huyện nhà”, với 10 cảnh đẹp:

1. Xuân sơn tiên động (Động tiên non xuân);
2. Ngực lĩnh vân nham (Chùm mây núi thẳm);
3. Cổ miếu lâu đài (Lâu đài miếu cổ);
4. Phạm lâm chung cổ (Chuông trống rừng thuyền);
5. Sơn lộc nguyệt trì (Hồ trăng bên núi);
6. Thôn tiền cổ độ (Bến cổ trước làng);
7. Hoành giang mục phố (Vũng nghé ngang sông);
8. Cách ngạn ngư châu (Thuyền chài cách bến);
9. Thướng há thương phàm (Mảnh buồm cao thấp);
10. Hiểu tịch thôn thị (Chợ xóm sớm chiều).

Cho đến hôm nay, trải qua biết bao biến động của thời gian, lịch sử, sự tàn phá của chiến tranh và thiên nhiên ác liệt, di tích và thắng cảnh Đồng Cổ không còn được nguyên vẹn như xưa. Đặc biệt là các công trình kiến trúc cổ đẹp đẽ được xây dựng từ thời Lý - Trần - Lê - Nguyễn mà bia ký, sử sách xưa mô tả  chỉ còn trong ký ức. Nhưng ở đây cảnh sắc núi non, cây cối, làng mạc, mây trời và sông nước của Đồng Cổ - Tam Thai thì vẫn còn nguyên những sắc hình thơ mộng và hấp dẫn hòa vào những xóm làng Việt cổ trù mật trong vùng.
Dulichgo
Đến với Đồng Cổ hôm nay, chúng ta vẫn còn thấy dấu tích của quán Triều Thiên trên đỉnh núi, hồ bán nguyệt và cổng Nghinh môn bằng đá cùng với những hang động được nối thông từ hồ ra sông Mã. Cũng trên đỉnh Triều Thiên, chúng ta như bị lạc vào thế giới của bồng lai tiên cảnh; từ đây nhìn xuống dòng sông xanh, thấy nhiều phiến đá lô nhô dựng lên thành vô số những hình thù kỳ dị, hòa vào cảnh sắc thuyền bè ngược xuôi dập dìu. Cũng từ đỉnh cao Triều Thiên, dõi nhìn bốn hướng, du khách có thể cảm nhận được cả một vùng đất trời, làng mạc, núi sông ở quanh đây như một bức tranh vẽ hoàn hảo, lung linh với đủ mọi sắc màu, trong lúc ban mai, hay lúc chiều tà.

Nhìn chung, Núi và đền Đồng Cổ là một thắng cảnh nổi tiếng của đất nước với vẻ đẹp sơn thủy hữu tình đã làm rung động lòng người với một tinh thần "Cố quốc anh minh sơn hữu chủ, Tràng châu hiển mộng thủy vô ba".

Một điện thờ có lịch sử hàng nghìn năm

Trong một tấm bia thời Tây Sơn do Nguyễn Quang Bàn (con trai của vua Quang Trung) soạn năm 1802 cho rằng: Núi và Đền Đồng Cổ là "Một di tích thiêng liêng hiển hách vào bậc nhất tỉnh Thanh Hóa". Đặc biệt, ông cũng đánh giá cao trống Đồng là di vật điển hình nhất của nền văn hóa Đông Sơn - buổi bình minh của dân tộc, nó là vật thiêng biểu trưng cho linh hồn dân tộc, phản ánh đời sống vật chất cũng như sức mạnh tinh thần của dân tộc ta trong lịch sử dựng nước và giữ nước. Thần Đồng Cổ là vị thần có công lớn đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước từ thời các vua Hùng.
Dulichgo
Tương truyền: ngày xưa vua Hùng đi đánh Chiêm Thành trú quân ở dưới núi, đêm mộng thấy thần hiện lên xin cho đem trống đồng theo quân trợ chiến. Khi lâm trận vua Hùng nghe như có tiếng trống vang trên không trung. Thắng trận trở về vua Hùng phong cho thần là Đồng Cổ Đại Vương. Vào năm 956 Thập Đạo tướng quân Lê Hoàn đi dẹp giặc Chiêm Thành ở phương Nam, khi đến sông Bà Hoà, Tĩnh Gia gặp mưa to, gió lớn thuyền bè không đi được. Thần Đồng Cổ hiện lên báo mộng và giúp sức, Lê Hoàn chắp tay tế lạy, trời liền quang mây, gió liền ngưng thổi. Đoàn thuyền tiếp tục Nam tiến, thắng trận trở về. Sau khi lên làm vua, Lê Hoàn đã đến đền tạ lễ và đề thơ:

Long Đình tích hiển Tam Thai lĩnh,
Mã thuỷ Thanh lai Bán nguyệt hồ.

Khi Lý Thái Tổ mất, thái tử Phật Mã chưa kịp lên ngôi thì ba vương Vũ Đức, Đông Chinh, Duệ Thánh mưu khởi loạn để giành ngôi. Âm mưu bại lộ, thái tử được Lê Phụng Hiểu giúp sức dẹp yên ngay được.  Phật Mã lên ngôi (tức Lê Thái Tông) nhận rằng trước đó một hôm đã được thần núi Đồng Cổ báo mộng cho biết. Nhân đó sai rước bài vị ở chân núi Đồng Cổ thuộc xã Đan Nê - Thanh Hóa về Kinh đô, sai dựng đền ở sau chùa Thánh Thọ (phường Yên Thái) để phụng thờ.

Trải qua các triều đại đền thờ thần Đồng Cổ xã Đan Nê được coi là đền Chính. Mùa xuân hàng năm và những lúc xuất quân, tướng sĩ tập hợp đội ngũ trước đền làm lễ thề, bày tỏ lòng trung thành với vua. Năm Canh Thân niên hiệu Cảnh Thịnh thứ 8 (1800) triều Tây Sơn, hoàng đệ Tuyên Công (em vua Nguyễn Quang Toản) làm Trấn thủ Thanh Hóa tìm được chiếc trống đồng cổ ở bờ sông đem trả về thờ trong đền.Dulichgo

Việc tế lễ thần núi ở làng Đan Nê theo sử cũ ghi chép thì việc tế lễ ở đây không nhiều, mỗi năm chỉ có một lần lễ lớn tại đền Đồng Cổ vào ngày 15 tháng 3 Âm lịch. Theo lệ cũ ở làng Đan Nê hàng năm tế xuân các xã trong tổng dâng lễ Thái Lao gồm 2 bàn dê, lợn, bò để cúng tế vào đền.

Vào năm Nhâm Tuất (1682) thời Lê Hy Tông, quan huyện cũ không theo lệ cũ mà phân cho các xã thôn tế riêng ở các đền, chỉ lưu 3 xã làm lễ tế nhỏ ở đền Đồng Cổ. Sau này, ông Trịnh Minh Lương làm giám sát ngự sử đạo Lạng Sơn, vốn là người Đan Nê đã bẩm tấu lên chúa Trịnh Tạc về việc thay đổi việc cúng lễ ở đền. Tham chính sử Thanh Hóa là Nguyễn Viết Dương và tham nghị Nguyễn Xuân Bính xem xét là đúng bẩm lên, chúa cho theo lệ cũ.

Khi tế xong, các bô lão trong làng lại rước kiệu về đình Phúc vào hội làm lễ tất. Kết thúc cuộc đại lễ.

Như vậy, trước đây ở đền Đồng Cổ việc tế tự chỉ diễn ra có một lần đại lễ trong một năm vào ngày 15 tháng 3 Âm lịch. Nghi thức tế thần ở nhà Tiền đường của đền thờ. Lễ vật tế thần dâng lễ Thái Lao (dê, lợn, bò), tức là tế theo quy định của vương giả và có tổ chức rước kiệu từ Đình Phúc về đền.
Dulichgo
Tóm lại, đền Đồng Cổ đã có lịch sử xây dựng và tồn tại hàng nghìn năm. Trải qua những thăng trầm của lịch sử, hầu hết các hạng mục công trình đã bị đổ nát. Các vua từ thời Lê đến Quang Trung đều đã bỏ sức để tu bổ, tôn tạo nhiều lần. Tuy nhiên đến nay, chỉ còn cổng Nghinh môn có niên đại vào cuối triều Lê đầu thời Nguyễn, kiến trúc theo kiểu tò vò bằng đá được bảo tồn tương đối nguyên vẹn. Năm 2008, hạng mục Đền Chính của đền Đồng Cổ cùng với một số hạng mục khác của khu di tích đã được phục hồi, tôn tạo lại, đáp ứng được lòng ngưỡng mộ của du khách xa gần. Và thần Đồng Cổ đại vương (Trống Đồng) vẫn được người dân muôn nơi coi là linh vật quý: "Trống đồng dội tới, Núi sông dậy sấm anh hùng! Trống đồng vang lên, Trời đất ngút ngàn linh khí"(4).

Chú thích:
(1) Đại Nam nhất thống chí, tập II, S.đ.d, tr. 297.
(2) Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, NXB Sử học, Hà Nội, 1960, tr. 14.
(3)  Thanh Hoá tỉnh chí, tập III, S.đ.d, tr. 14.
(4) GS. Vũ Khiêu.

Theo TS. Phạm Văn Tuấn (Văn Hóa & Đời Sống)
Du lịch, GO!

Đền Đồng Cổ - Yên Định