(TH) - Men theo con đường độc đạo từ Nam Long qua dốc Ba Nang, sông Rào Đá…, thung lũng Rào Trù hiện ra ngát xanh trong trời thu tháng Tám lịch sử. Nơi đây, chiến khu Rào Trù-khu căn cứ kháng chiến lâu dài của quân và dân huyện Quảng Ninh trong những ngày đầu bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp trường kỳ giờ đã lên xanh màu của ấm no, hạnh phúc…

Trong những câu chuyện kể của các cụ cao niên ở xã miền núi Trường Xuân (huyện Quảng Ninh), Rào Trù vốn là vùng thung lũng rộng lớn, bốn bề được bao bọc bởi rừng, núi đá dựng đứng; xung quanh có nhiều hang động nằm dưới các dãy núi đá vôi kiên cố.

Đứng trên dốc Mà Nắng, thung lũng Rào Trù thu vào tầm mắt, xem ra đã trù phú lắm rồi với một màu xanh non ngát mắt. Đồng bào Vân Kiều xã Trường Xuân định cư ở các bản giữa thung lũng Rào Trù gồm Khe Dây, Khe Ngang, Hang Chuồn. Riêng bản Khe Dây chính thức ổn định cuộc sống từ những năm 1982, đến nay đã 34 năm.
Dulichgo
Con đường dẫn vào thung lũng Rào Trù trải nhựa êm đềm, hai bên chân núi, bản làng đồng bào dân tộc Vân Kiều định cư trù phú, no ấm với những cánh đồng lúa nước xanh non. Không còn cảnh rừng núi thâm u, hiểm trở, phương tiện đi lại là thuyền nan ngược dòng Đại Giang như mấy chục năm về trước.
Dẫn chúng tôi theo con đường độc đạo vào thung lũng Rào Trù, Chủ tịch UBND xã Trường Xuân Phạm Văn Quang hồ hởi chia sẻ: “Rào Trù vẫn kiên trung trong lòng dân. Chiến khu xưa giờ chính là nơi định cư của người Kinh, người Vân Kiều anh em các bản Khe Dây, Khe Ngang, Hang Chuồn và thôn Rào Trù. Năm 1990, Nhà nước đầu tư xây dựng hồ thủy lợi Lòng Đèn dẫn nước phục vụ sản xuất, bà con thôn Rào Trù, bản Khe Dây và Khe Ngang đã mạnh dạn sản xuất, cầm chắc 2 vụ lúa nước."

Ông Trần Hữu Duyết, Trưởng thôn Rào Trù chia sẻ: thôn có 87 hộ với 357 nhân khẩu. Hàng chục năm gắn bó cùng cây lúa, dẫu không ít lần “chông chênh” vì thời tiết nhưng người dân nơi đây vẫn bám chắc ruộng đồng. Ngoài sản xuất nông nghiệp với 17ha lúa hàng năm, hiện người dân thôn Rào Trù đã phát triển thêm chăn nuôi tổng hợp theo quy mô gia trại; làm dịch vụ cho các công ty khai thác đá.
Dulichgo
Điều đặc biệt là từ năm 2016 trở lại đây, xã Trường Xuân thực hiện giải pháp giảm nghèo bằng hình thức hỗ trợ xuất khẩu lao động. Nhờ đó, nhiều người dân thôn Rào Trù và bà con Vân Kiều ở các bản đã mạnh dạn xuất khẩu lao động ở các nước Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan… với mức thu nhập 18-20 triệu đồng/người/tháng, góp phần tăng thu nhập, phát triển kinh tế và làm giàu quê hương.

Chúng tôi tìm đến bản Khe Dây. Từ thôn Rào Trù theo con đường bê tông kiên cố, phẳng lì, bản Khe Dây hiện ra với những ngôi nhà còn nguyên màu ngói mới. Nhấp ngụm nước chè ngọt mát, già Hồ Thành, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ban công tác Mặt trận bản Khe Dây phấn khởi cho biết, không chỉ trồng lúa, đồng bào Vân Kiều nơi đây còn trồng thêm tiêu, sắn, ngô, lạc.

Từ khi Nhà nước có chủ trương giao đất, giao rừng cho đồng bào dân tộc thiểu số đến nay, 40/40 hộ dân ở bản Khe Dây đều được nhận đất, trồng rừng. Đây chính là giải pháp quan trọng để bà con ổn định đời sống và thoát nghèo bền vững; cũng là cách để dân bản quan tâm chăm sóc rừng, phát triển rừng tốt hơn.
Dulichgo
Theo tính toán của già Hồ Thành, bình quân mỗi ha keo, tràm sau khi thu hoạch sẽ cho khoản lãi từ 32-35 triệu đồng; đây là khoản thu nhập không hề nhỏ đối với đồng bào dân tộc thiểu số nơi thung lũng Rào Trù này. Bên cạnh đó, từ nhiều nguồn hỗ trợ khác nhau về vốn, nguồn giống cây trồng và kỹ thuật, bà con dân bản đã kết hợp trồng các loại cây keo, tràm với chăn nuôi trâu, bò, phát triển kinh tế; đời sống nhờ đó dần khá lên, thoát được đói nghèo.
Dulichgo
Kinh tế ổn định, con em bản Khe Dây đều được bố mẹ cho đến trường học chữ. Đến nay, tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi huy động vào mầm non đạt 100%; nhiều học sinh của bản đang theo học ở các trường nội trú của tỉnh, huyện. Các thiết chế văn hóa ngày càng được đầu tư, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của cộng đồng dân cư.

Vào những dịp lễ tết, cưới hỏi... đội văn nghệ dân gian mà hạt nhân chủ yếu là bà con trong gia đình già Hồ Văn Thương tổ chức hát múa. Giai điệu đàn Tính-tùng, sáo Pi réo rắt hòa âm cùng những bản tình ca ngọt ngào vang xa từ đầu làng đến cuối bản.

Du lịch, GO! tổng hợp từ Báo Quảng Bình