(VH&ĐS) Giữa đại ngàn Thường Xuân (Thanh Hóa) bao la xanh thẳm, quần thể thác Mù mềm mại như một giải lụa trắng toát vắt xuống từ trời cao. Đây là điểm đến đầy hứa hẹn khi du khách có dịp về miền Tây xứ Thanh.

Xuyên giữa rừng già

Tôi ngược ngàn miền Tây vào một ngày nắng nóng, mang theo lời giới thiệu của Trưởng phòng VH-TT huyện Thường Xuân Cầm Bá Huyến về một danh thắng còn hoang sơ nhưng hùng vĩ và mộng mơ. Vượt gần một giờ đồng hồ trên con đường như sợi chỉ lượn lờ nối từ tỉnh lộ 519 rồi vắt vẻo qua những sườn núi xuyên vào Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên, chúng tôi đã có thể tận hưởng sự thanh khiết của thiên nhiên hoang dã nơi danh thắng này. Đó là thác Mù nổi tiếng mà gần như người Thường Xuân nào cũng nghe danh.

Thác Mù nằm ở bản Thắm, xã Vạn Xuân thực chất là một quần thể gồm 4 thác nước nằm gối lên nhau bung nước xuống từ những đỉnh núi của dãy Pù Ta Leo hùng vĩ. Từ con thác đầu tiên, chúng tôi phải vượt hơn 500m đường rừng nữa mới lên những thác nước cao nhất, tận mắt nhìn vẻ đẹp của quần thể thác đẹp đến xốn xang.
Dulichgo
Ngay ở con thác đầu tiên, một dòng nước lớn bung xuống bào mòn cả đá núi, đục xuống lòng sâu tạo thành một hồ tắm khá lý tưởng. Đó là nơi khách xa có thể ngâm mình trong dòng nước mát, trong lành, xua tan đi những mệt nhọc sau quãng thời gian vượt đồi leo dốc. Người dân bản địa đã khéo léo đặt tên vụng nước là vụng Tiên, như một món quà của thiên nhiên và tạo hóa ban tặng cho những ai không quản đường dài, vượt núi băng rừng để đến thăm con thác.

Từ con thác thứ nhất, du khách tiếp tục vượt dốc, đi qua những gốc đại thụ u sần hàng trăm năm tuổi để đến với 3 thác nước phía trên. 3 con thác được tạo ra từ 2 dòng suối từ trên cao gần 500m bung nước xuống để tạo thành một quần thể thác xếp ngay ngắn theo hình cung tròn, trải dài gần 1km. Nhìn cảnh tượng ấy, bạn đồng nghiệp tôi đã phải thốt lên rằng, chưa bào giờ nhìn thấy thác nước nào kỳ vĩ đến thế.
Dulichgo
Ở nơi dòng suối bị đứt quãng, tách ra khỏi đỉnh núi buông xuống là vách đá dựng đứng bị nước bào mòn, chạm vẽ nhiều hình thù kỳ dị để tạo nên những bức tranh của tạo hóa. Chân thác là một bãi đá trải dài theo thung lũng với muôn hình khối, có những phiến rộng bằng phẳng đủ sức cho cả gia đình nghỉ lưng sau quãng đường dài. Mùa này, thác Mù có muôn loài hoa rừng đang thi nhau đua nở, khoe sắc thắm để dụ dỗ những đàn bướm dập dờn trong nắng.

Anh Lương Văn Quang (cán bộ bảo lâm của Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên), người dẫn chúng tôi cho biết, thác Mù đẹp nhất vào mùa mưa, lượng nước đổ về nhiều. Vì thác nằm trong Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên nên có rất nhiều loài động vật sinh sống.

Thác Mù đã hàng nghìn năm tuôn chảy, nước bào mòn những khối đá lớn. Thế nhưng, vẫn chưa một ai lý giải trọn vẹn về tên gọi và những sự tích của danh thắng này. Ngày trước, gần khu vực thác có hơn 100 hộ dân của bản Thắm, xã Vạn Xuân sinh sống.

Nhưng từ năm 2003, để nhường đất cho công trình thủy lợi, thủy điện Cửa Đặt nên hầu hết số dân này đã di rời vào Tây Nguyên sinh sống, mang theo bao sự tích về con thác kỳ vĩ. Số ít người ở lại giờ chỉ lờ mờ lý giải, do dòng thác đổ xuống quá lớn làm mù một góc trời nên mới có tên thác Mù. Có người lại giải thích là xưa kia thần tiên từ trên trời xuống hạ giới thấy cảnh nơi đây đẹp nên không muốn về trời rồi tạo nên thắng cảnh thác Mù.

Cũng có người kể, con thác là chứng tích của một mối tình trai gái bị gia đình ngăn cấm, không đến được với nhau nên đã trẫm mình xuống dòng suối, trời xanh cảm động nên đã cho người con trai làm đá núi, người con gái thành dòng thác bên nhau trọn đời…
Dulichgo
Dù chưa rõ sự tích nào về thác Mù, nhưng những câu chuyện dân gian ấy đã thổi vào quần thể thác Mù một màu kỳ bí. Để rồi, đứng dưới chân thác, người ta vẫn được nghe những âm thanh du dương của nước, của đá và muông thú như bản nhạc rừng ca ngợi tình yêu lứa đôi.

Và hứa hẹn nay mai

Thác Mù là một danh thắng đẹp, có tiềm năng khai thác du lịch sinh thái và du lịch phượt. Đến đây, du khách không những được ngắm dòng thác đẹp mà còn được trải nghiệm trong không gian thiên nhiên hoang dã của Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên với những gốc đại thụ hàng 100 năm tuổi, nghe khỉ hú, chim hót, sóc chuyền cành...

Đây là một không gian lý tưởng cho những chuyến du lịch khám phá, trải nghiệm và một thiên đường của phượt.

Cách thác Mù chưa đầy 3km là hồ thủy lợi, thủy điện Cửa Đặt mênh mông, xanh biếc như con mắt giữa đại ngàn miền Tây trùng điệp. Sau khi thăm thác, du khách có thể bơi thuyền ở hồ nước lớn nhất xứ Thanh này, rồi tiếp tục trải nghiệm với những điểm đến khác, như: Thác Trai Gái, thác Hón Yên, rừng cây Pơ Mu di sản và thăm chùa Cửa Đạt uy nghi, tĩnh lặng giữa ngã ba sông nước hiền hòa.
Dulichgo
Không chỉ có danh lam thắng cảnh nên thơ hữu tình, về Thường Xuân du khách còn được sống trong không gian văn hóa giàu sắc thái với Khua Luống, điệu Khặp, điệu Xường, cùng chất ngất bên những ché rượu cần dưới ánh trăng thanh. Và ở đây còn có một sản vật vang danh đất Việt là quế ngọc châu Thường với nhiều sản phẩm thiết thực trong cuộc sống hàng ngày.

Hiện tại, để khai thác du lịch thác Mù, UBND huyện Thường Xuân đã đầu tư hơn 1 tỷ đồng để xây dựng con đường bê tông dẫn vào từ Tỉnh lộ 519. Từ khi có con đường này, du khách đến thăm thác Mù đã nhiều hơn với hàng trăm lượt người mỗi ngày.

Rồi nay mai, khi đề án phát triển du lịch Thường Xuân với sự phong phú các sản phẩm, loại hình đi vào thực tế thì thác Mù sẽ có nhiều hơn du khách đến thăm. Thác Mù thực sự có tiềm năng lớn để trở thành một điểm đến hấp dẫn trên bản đồ du lịch Thanh Hóa.

Theo Đồng Thành (Văn Hóa & Đời Sống)
Du lịch, GO!