(PNO) - Tình yêu của mọi người đối với Hội An vẫn còn đó. Kể cả trong những lời góp ý, những phản ánh điều chưa hay, cũng ngầm chứa tình yêu, mong Hội An luôn đẹp, luôn hiền hòa, hiếu khách.

< Vẻ đẹp của Hội An quyến rũ nhiều du khách đến, nhưng cách đón khách ở một số nơi tại Hội An lại xua du khách đi.

Câu chuyện thành phố di sản Hội An xua đuổi khách Việt không phải là chuyện mới. Nó thực sự đã xảy ra lâu nay mà ngay cả người dân phố Hội cũng phải thừa nhận. Có điều, dường như những người có trách nhiệm lại không muốn nhận hoặc như trong câu hát của Mỹ Tâm - ‘Thôi em giấu cho riêng em biết’.

Liên quan đến chuyện quán Cyclo’s Road Café ở Hội An xua đuổi nhóm du khách từ Sài Gòn, đã được Báo Phụ Nữ TP.HCM phản ánh, ông Nguyễn Văn Lanh - Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin TP.Hội An khẳng định: “Chính quyền và người dân Hội An rất cầu thị, sẵn sàng nhận cái dở, cái sai để điều chỉnh, tự hoàn thiện mình hơn, cố gắng ‘vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi’ làm cho hình ảnh Hội An ngày càng thân thiện, gần gũi hơn trong tình cảm của bè bạn khắp và du khách”.

< Quán cà phê "Con đường xích lô" đón cả khách Tây và khách Việt trước sự kiện được cho là "đuổi khách Việt, tiếp khách Tây" vào ngày 8.9.2019 (Ảnh: Facebook Trương Nguyên Ngã - Báo Thanh Niên).
Dulichgo
Rất tiếc, sự cầu thị từ Hội An, thông qua văn bản phản hồi cho Báo Phụ Nữ TP.HCM, đồng gởi cho các cơ quan báo chí, cho rằng các bài phản ánh của phóng viên chúng tôi là chưa khách quan, khi phóng viên chưa tìm hiểu bản chất vụ việc, cho rằng trong số rất nhiều du khách đến Hội An có không ít người có thái độ và hành vi trịch thượng.

Thêm một lần rất tiếc nữa, việc xác minh sự thật của Phòng Văn hóa - Thông tin TP.Hội An chỉ dựa trên buổi “gặp gỡ trao đổi trực tiếp với ông Nguyễn Trương Thế Kha là con trai chủ quán Con đường xích lô” và là người trực tiếp xua đuổi nhóm du khách mà Phòng Văn hóa - Thông tin TP.Hội An xác nhận là có thật. Ngoài ra, việc tìm các căn cứ đối chứng, nhân chứng thì dù đã có sự “phối hợp với các ngành chức năng của thành phố” thì đến nay vẫn chưa có kết quả.

Theo lời chị Phương Thanh, sau khi chị gởi e-mail đến Trung tâm Hỗ trợ du khách Quảng Nam, chị đã nhận được điện thoại trả lời, nhưng người trả lời chị lại cho rằng đó là “văn hóa kinh doanh riêng của một quán nên không thể xử lý mà chỉ có thể nhắc nhở”.

Sự thật thì, chị Phương Thanh không phải là du khách duy nhất bị xua đuổi. Như trong bài báo Cyclo’s Road Café không chỉ đuổi khách Việt, không chỉ một lần, không phải mới đây chúng tôi đã nêu một loạt các trường hợp khác, đã được các du khách phản ánh trên trang đánh giá du lịch. Nếu Phòng Văn hóa - Thông tin TP.Hội An chịu khó xác minh ngay trên fanpage của quán Cyclo’s Road Café, hẳn sẽ thấy nội dung người giữ tài khoản của quán chửi khách “Vô học”, “Ai cũng nói tốt về tao, mày nói xấu. Đ… mẹ mày không ngượng hả thằng điên” khi du khách phản đối chuyện bị quán xua đuổi.Dulichgo


< Chị Lê Thị Qui bị mời khỏi quán ở Hội An chỉ vì chị là người Việt.

Sự thật thì, chị Phương Thanh không phải là trường hợp cá biệt. Câu chuyện nhà văn N. - một trí thức có tiếng trong giới học thuật - cũng từng bị mời khỏi một nhà hàng ở Hội An, dù khi đó ông đang đi với người bạn nước ngoài, vẫn được chính những người Hội An kể với nhau.

Chị Lê Thị Qui - một du khách khác từ Sài Gòn - kể lại trải nghiệm tủi hờn của mình trong chuyến du lịch đến phố cổ hồi tháng 4/2019: “Nhóm tôi vừa vào quán, ngồi xuống ghế. Tiếp viên người nước ngoài nhìn chúng tôi cười cười, kiểu như khinh bỉ, xong tiến ra hỏi chúng tôi (bằng tiếng Anh) xem chúng tôi là người nước nào. Tôi bảo chúng tôi người Việt, từ Sài Gòn ra. Người tiếp viên liền giơ tay mời chúng tôi ra ngoài, bảo không tiếp”.

Nhiếp ảnh gia Đỗ Ngọc có một trải nghiệm khác. Trong lúc chị đang say sưa chụp ảnh phố cổ thì nhân viên của một nhà hàng bên đường tiến ra, ngăn không cho chị chụp ảnh. Chị đã giải thích rằng chị đang chụp ảnh cả con phố chứ không chụp nhà hàng, nhưng vẫn bị xua tay ngăn cản, không cho chị hướng ống kính về phía nhà hàng. Đương nhiên, Đỗ Ngọc không thể chụp ảnh một con phố mà trừ một căn nhà, nên chị đành bỏ buổi chụp ảnh. Một góc phố đẹp của Hội An đã không được lưu vào ống kính của một nhiếp ảnh gia.

< Nhiếp ảnh gia Đỗ Ngọc cũng từng bị xua đuổi ở Hội An, dù chị chỉ đứng chụp ảnh ngoài đường và không vào bất cứ quán nào.
Dulichgo
Kể lại trên trang cá nhân, nhà báo E. - hiện sống và làm việc tại Đà Nẵng - xác nhận chính chị cũng bị phân biệt đối xử hai lần, nhưng chỉ gọi điện phản ánh với người có trách nhiệm. Nữ du khách Cù Thị Thanh Huyền phản ánh chuyện ở chợ đêm, chị chứng kiến người bán bánh mì bán cho khách nước ngoài ổ bánh mì nhỏ xíu với giá 40.000 đồng. Khi chị thắc mắc sao lấy tiền khách Tây mắc vậy, người bán chỉ cười và bán cũng ổ bánh mì như thế cho chị với giá 30.000 đồng - ổ bánh mà theo chị, nếu mua tại Sài Gòn, giá chỉ chừng 15.000 đồng.

Nữ du khách Jin Jeon từ Hàn Quốc tường thuật rằng chị vào quán, nhưng không ai buồn để ý đến chị. Trong lúc chờ đợi chị lấy menu, chụp một tấm ảnh kỷ niệm. Bất ngờ, người phục vụ quán xuất hiện, yêu cầu chị không được chụp ảnh thực đơn và mời chị ra ngoài. Trước sự giận dữ của người phục vụ quán và ánh mắt của những người da trắng xung quanh, chị Jin Jeon đã bật khóc và rời đi.
Dulichgo
Những nỗ lực của chính quyền và người dân Hội An để giữ gìn hình ảnh một thành phố hiếu khách, hiền hòa, giữ gìn những giá trị nhân văn, sinh thái… sẽ vô nghĩa khi những trải nghiệm xấu được du khách kể lại cho nhau. Đương nhiên, Hội An sẽ khó khắc phục được “cách hành xử thô lỗ, gian lận, lừa phỉnh, chặt chém giá cả… của các hàng quán” nếu vẫn chỉ mới “cầu thị” trên văn bản và mong “sự cảm thông, chia sẻ, lòng khoan dung nếu không may có những vụ việc, sự cố đáng tiếc xảy ra”.

Tình yêu của mọi người đối với Hội An vẫn còn đó, qua những bình luận, thậm chí cả lời xin lỗi của người dân Hội An ngay bên dưới các phản ánh của du khách. Giữ được tình yêu đó hay không nằm ở chính chính quyền và người dân Hội An.

Theo Phạm Thành Nhân (Phụ Nữ Online)
Du lịch, GO!