(BTH) - Từ thế kỷ 19 cho tới những năm 80, 90 của thế kỷ 20, làng nghề gốm Lò Chum là một nét đặc trưng của thị xã Thanh Hóa (nay là TP Thanh Hóa), vang danh khắp nơi và đã gắn bó với biết bao thế hệ những người con xứ Thanh.
< Những dấu tích còn sót lại của làng nghề làm gốm, sứ mang tên Lò Chum của xứ Thanh đã từng vang bóng một thời.
Dù làng nghề gốm Lò Chum đã không còn nhưng những dấu tích còn sót lại đã gợi lại niềm tự hào về một thời vang bóng xưa.
< Những sản phẩm gốm, sành như: chum, vại trong quá trình sản xuất (nung) nếu bị lỗi như sứt, méo sẽ không bị vứt đi, mà được người dân làng nghề Lò Chum ở làng Cốc Hạ (phường Đông Hương) tận dụng làm vật liệu xây nhà. Đến nay những ngôi nhà vẫn còn tồn tại với những sản phẩm như vậy.
Dulichgo
Theo tài liệu lịch sử còn ghi lại, nghề gốm ở đây do các thợ thủ công từ các làng: Thổ Hà (Hà Bắc cũ), Đanh Xá (Hà Nam), Hương Canh (Vĩnh Phú cũ), Bát Tràng (Hà Nội) di cư đem đến, được nhân dân tỉnh Thanh Hóa tiếp nhận và phát triển mạnh ở hai làng Đức Thọ Vạn và Cốc Hạ dọc đôi bờ sông Bến Ngự.
< Tiểu sành cũng là sản phẩm gốm đặc trưng của làng nghề Lò Chum. Người dân vẫn tận dụng để xây nhà, ốp lên phần mái.
Nơi đây đã hình thành một sự phân công tự nhiên: Đức Thọ Vạn (Lò Chum) chuyên sản xuất chum, vại, chậu..., Cốc Hạ chuyên sản xuất tiểu sành.
Gốm sành Lò Chum nổi tiếng cả nước bởi vừa bền, vừa đẹp. Các sản phẩm đã có mặt không chỉ trong tỉnh mà còn vượt ra cả các tỉnh, như: Ninh Bình, Nam Định, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Nam... và xuất bán cả sang nước bạn Lào với số lượng lớn. Tìm đến nhà bà Lê Thị Khuê, một nghệ nhân đã sinh ra và lớn lên ở đây từ đầu những năm 50 của thế kỷ trước, chúng tôi có dịp tâm sự với người phụ nữ đã bạc trắng mái đầu.
< Những sản phẩm gốm được tận dụng vừa làm tường rào chắc chắc, lại vẫn có thể trồng cây, hoa.
Khi nhắc đến làng nghề gốm, trong đôi mắt đã in hằn dấu vết thời gian của người phụ nữ cao tuổi như ánh lên niềm vui, sự hào hứng. Dường như những ký ức, hoài niệm cũ ùa về, bà chia sẻ:
Dulichgo
Khi tôi còn trẻ, cách đây khoảng 40 năm trở về trước, cảnh làm ăn ở khu vực này rất sôi động, tấp nập kẻ ra, người vào lấy hàng chuyển xuống thuyền đi bán, hoặc mua về sử dụng diễn ra suốt ngày đêm.
< Các sản phẩm gốm sứ bị hỏng, vỡ được xếp thành những bức tường rào rất đặc trưng và phổ biến ở làng nghề Lò Chum ở 2 bên bờ sông Nhà Lê (thuộc Cốc Hạ, Đông Hương) và phố Lò Chum (Trường Thi).
Chợ Lò Chum (chợ Lò) cũng xuất hiện từ đó. Các thương lái khắp nơi vào mua gốm ở Lò Chum bằng đường sông Mã, rồi theo con sông đào vào Bến Ngự lấy hàng chở ra các tỉnh bán hoặc trao đổi hàng hóa.
Bản thân gia đình tôi có 6 người cũng theo nghề nên tôi hiểu, nghề này không chỉ vất vả, nặng nhọc mà còn đòi hỏi sự kỳ công, tỉ mỉ. Một sản phẩm hoàn thiện phải trải qua nhiều công đoạn.
< Những bức tường mang nét đặc trưng của làng nghề Lò Chum với rêu phong thời gian còn sót lại rất ít.
Khi đất được mua về, người thợ phải vẩy 1 lượng nước thích hợp để ủ mềm đất rồi dùng lực của đôi chân để đánh cho tơi, cho dẻo, sau đó mới nhào nặn và đưa lên bộ quay. Lúc này người thợ dùng thao tác vần, chuốt để tạo hình rồi ve cho mịn bề mặt sản phẩm.
Dulichgo
Khi những khối đất thô đã thành hình, trước khi cho vào lò nung, người thợ còn thực hiện công đoạn đưa sản phẩm ra phơi nắng cho thật khô để tránh sức nóng từ lò nung làm nứt vỡ. Thời gian nung trong lò kéo dài khoảng 3 ngày là kết thúc. Mỗi lô hàng được ra lò có thể tới hàng nghìn sản phẩm.
< Những chiếc chum, vại bị thủng, được một hộ dân ở Cốc Hạ dùng làm vật liệu ốp phía sau gian bếp và đã tồn tại từ khá lâu rồi.
Trước đây, nếu so sánh thì các sản phẩm gốm Lò Chum không thua kém sản phẩm của bất cứ làng nghề nào trên cả nước. Tiểu sành Cốc Hạ đạt chất lượng cao bởi ngoài kỹ thuật truyền thống, điều cơ bản là ở nguyên liệu đất làm gốm tốt, có độ mịn nên khi ghép tiểu và đóng dấu trang trí rồng, phượng sau phơi khô rất dễ dàng và khi nung ở nhiệt độ cao không bị nứt, rạn. Tiểu sành được nung ở nhiệt độ cao sẽ không thấm nước, không bị nhũn vỡ, rất bảo đảm cho việc cải táng.
< Ngoài các sản phẩm như chum, vại, tiểu sành..., người dân còn sản xuất gạch. Những viên gạch nấu quá lửa, bị cháy, hoặc không đạt về thẩm mỹ được sử dụng để tạo ra những bức tường được xây dựng với lối xếp gạch chéo, tạo sự vững chắc lâu dài.
Sản phẩm gốm Lò Chum nổi tiếng như vậy bởi có nhiều yếu tố quyết định. Đó là kỹ thuật được đúc rút lâu đời ở những người thợ gốm gốc Thổ Hà, Đanh Xá...
Các điều kiện khác như giao thông thuận lợi, chất đốt, thị trường, nhân công... cũng tạo cho nghề gốm nơi đây xưa kia phát triển. Song, cái quyết định cho chất lượng vẫn là nguyên liệu đất để sản xuất gốm ở Lò Chum là loại đất thịt tốt, không ở nơi nào so sánh được.
< Ô cửa sổ, con ngõ nhỏ mamg đậm dấu ấn thời gian vẫn còn sót lại ở làng nghề Lò Chum.
Có thể nói, từ thập kỷ 80 của thế kỷ XX trở về trước là thời kỳ hoàng kim của gốm tỉnh Thanh Hóa với nhiều HTX lớn đóng tại khu vực Lò Chum như: Quyết Thắng, Tân Hương, Xí nghiệp Gốm 48...
Dulichgo
Các nghệ nhân làm gốm nơi đây đã làm ra nhiều sản phẩm từ: Bát, đĩa, lọ hoa, chậu cảnh đến các loại vại, thùng, tiểu... với đủ mọi kích cỡ, kiểu dáng, màu sắc khác nhau, đáp ứng được nhu cầu sử dụng của người tiêu dùng.
< Ngày nay, còn rất hiếm những ngôi nhà, con ngõ vẫn sót lại những dấu tích xưa của làng nghề gốm Lò Chum vang bóng một thời của xứ Thanh.
Bước vào thời kỳ mở cửa, hội nhập, những sản phẩm gốm làm bằng thủ công của tỉnh Thanh Hóa tuy chất lượng cao nhưng không cạnh tranh được với sản phẩm đến từ các địa phương khác. Nguyên nhân chính là dây chuyền sản xuất thủ công lạc hậu, các mẫu mã, hình thức sản phẩm không theo kịp các sản phẩm được nhập từ các tỉnh ngoài cũng như không thể cạnh tranh với hàng xuất xứ từ Trung Quốc. Một loạt các HTX bị giải thể, các cơ sở nhỏ lẻ của nhà dân cũng đóng cửa và chuyển sang nghề khác, khép lại thời kỳ hoàng kim của một làng nghề nổi tiếng xứ Thanh.
< Những sản phẩm đặc trưng, truyền thống của làng nghề Lò Chum nay đã không còn được sản xuất.
Dulichgo
Hiện nay, trên các tuyến phố Trường Thi, Trần Hưng Đạo (phường Trường Thi)... các cửa hàng bán đồ sành sứ vẫn còn sôi động, nhưng hàng hóa bày bán ở đây phần lớn được nhập từ các nơi khác chứ không còn sản phẩm truyền thống của làng nghề Lò Chum.
Còn nhớ, những năm 90 của thế kỷ trước, tuy làng gốm Lò Chum không còn ở thời kỳ đỉnh cao nhưng cả một con phố dài vẫn nhộn nhịp cảnh trao đổi, mua bán của người dân địa phương.
< Trên phố Lò Chum (phường Trường Thi, TP Thanh Hóa) ngày nay vẫn còn một số ít cửa hàng bán các loại mặt hàng sành, sứ nhưng đây là hàng được nhập từ nơi khác về. Người dân khi cần vẫn tìm đến con đường Lò Chum dọc sông nhà Lê để mua các sản phẩm.
Những nếp nhà san sát nhau được phân định bởi những bức tường ghép bằng những sản phẩm sành, sứ bị lỗi hỏng màu nâu xám, tạo nên nét đặc trưng của các con ngõ nhỏ sâu hun hút.
Giờ đây, phố Lò Chum, Bến Ngự vẫn tấp nập nhưng là tấp nập của những quán hàng ăn sáng, ăn vặt dành cho giới trẻ. Hệ thống đường giao thông, nhà cửa đã mở rộng, khang trang và hiện đại. Với những nghệ nhân gắn bó với nghề gốm xứ hay những người con sinh ra và lớn lên ở mảnh đất này, gốm Lò Chum chỉ còn trong hoài niệm, để lại trong họ ký ức về một thời kỳ hưng thịnh.
Theo Báo Thanh Hóa
Du lịch, GO!
0 Comments
Đăng nhận xét
Du lịch, GO! là một blog quảng bá du lịch trong nước với tiêu chí chia sẻ thông tin, bất vụ lợi - Bạn có thể nhận xét, bổ sung hay yêu cầu hướng dẫn liên quan đến bài viết mà không cần đăng ký. Bạn cũng có thể yêu cầu xoá bài, sửa đổi, phê phán.... bất kỳ.
Tuy nhiên, rất mong bà kon không post link quảng cáo vào đây vì mình sẽ xoá thẳng, xin thông cảm vì Dũng này chỉ muốn an toàn cho mọi người.