(DVO) - Là một trong những điểm tham quan du lịch khá nổi tiếng ở Thủ đô, nhà ga Long Biên (Hà Nội) vừa trải qua một cuộc trùng tu toàn diện sau hơn 20 năm khiến nhiều hành khách cả trong và ngoài nước đến đây phải ngỡ ngàng.

Ga Long Biên đi vào hoạt động từ năm 1902, trải qua 117 năm mỗi ngày ga đón khoảng 28 chuyến tàu qua lại. Từ năm 1997 đến nay, ga Long Biên chưa từng được sửa chữa, trùng tu. Và đây là đợt trùng tu lớn nhất của nhà ga này sau hơn 20 năm.

Ga Long Biên bắt đầu được cải tạo từ ngày 28/2/2019 đến cuối tháng 8/2019 chính thức đưa vào sử dụng.

Ga Long Biên được cải tạo mặt đứng phía đường bộ và đường sắt theo phong cách kiến trúc tân cổ điển xu hướng Pháp.
Dulichgo
Về nội thất bên trong, nhà ga được thay toàn bộ cửa đi, cửa sổ có kích thước phù hợp, lắp đặt mới hệ thống trần, đèn chiếu sáng... Hệ thống biển báo chỉ dẫn, tên ga, bảng thông báo LED điện tử cũng được trang bị cho ga sau khi cải tạo.

Các quầy bán vé cũng được ốp gỗ để tạo không gian thân thiện và sang trọng hơn.
Dulichgo
Do địa hình hẹp nên cửa ra vào ga Long Biên dành cho hành khách đi tàu rất độc đáo. Cửa chính được gắn biển ga Long Biên quay ra đường dẫn lên cầu theo hướng thuận từ phía Gia Lâm vào Hà Nội và nằm về phía tay phải của đường sắt theo hướng đi về phía ga Hà Nội.

Còn cửa phụ là một cầu thang với 23 bậc được xây bằng đá xẻ, hiện vẫn còn nguyên hiện trạng.
Dulichgo
Ga Long Biên là nơi của các chuyến tàu xuất phát từ Hà Nội đi Hải Phòng, Thái Nguyên, Lào Cai, Đồng Đăng (Lạng Sơn).

Khu vực bên trong ga sau khi được cải tạo trở nên rộng rãi hơn đáp ứng tốt cho nhu cầu đi lại của hành khách.

Khu vực đường tàu thu hút nhiều du khách đến chụp hình với cây cầu Long Biên lịch sử, tuy nhiên do khu vực vẫn có tàu qua lại, mất an toàn, ban quản lý đã lắp biển cấm quay phim, chụp ảnh trên đường sắt và cầu Long Biên.
Dulichgo
Sau lần trùng tu này, ga Long Biên được kỳ vọng sẽ là điểm đến đầy hấp dẫn cho du khách muốn khám phá một góc nhìn vừa lạ mà quen của Hà Nội.

Theo Nguyễn Tiến (Dân Việt)
Du lịch, GO!