(BBĐ) - vùng Hoài Nhơn, rải rác làng nào, xóm nào cũng có lò tráng bánh mì nhưng có nơi đã hình thành một làng nghề chuyên sản xuất bánh tráng mì trắng, ngon nổi tiếng. Đó là làng nghề chợ Cát, thuộc xã Hoài Hảo huyện Hoài Nhơn (Bình Định).

Từ xa xưa cho đến bây giờ, khi ăn bánh tráng mì, người ta vẫn nhắc đến bánh chợ Cát là vậy. Từ sáng sớm, trên các con đường làng đã nhộn nhịp người gánh bánh tráng, kẻ khuân mì củ cùng về họp chợ.

Người ở các nơi xa đến chợ mua bánh tráng gánh về bán lại cho các quán hàng bán lẻ. Những chồng bánh tráng cao ngất, trải dài trắng xóa trên đường làng, cả chợ, vậy mà chỉ trong giây lát đã vơi dần và hết hẳn. Rồi họ trở lại mua luôn những gánh củ mì chất vào lút giỏ khuân gánh về nhà để chế biến tiếp.

Củ mì được nạo bỏ vỏ, đem mài, chà lấy bớt xác, rồi mới đem tráng, như vậy bánh sẽ trong, mịn hơn. Lò tráng bánh được đắp ngoài vườn trống, gần gốc cây lớn để cho có bóng mát và cần thoáng gió, đắp bằng đất thịt hay đất sét trong có sườn gạch.

Ở vùng chợ Cát, nhà nào cũng có lò tráng bánh (có nhà 2 lò) và người nào cũng có việc: người già, trẻ em lo gọt vỏ mì, mài chà mì, đàn bà con gái ngồi lò tráng hoặc bưng phơi. Tất cả coi như việc làm thường nhật nên không ai bảo ai, người nào việc ấy, trong xóm không thấy đứa nhỏ nào rong chơi ngoài đường.

Khi tráng bánh, cứ đầy vỉ phơi (5 bánh 1 vỉ) thì người ta bưng ra ngoài sào phơi. Hết vỉ này đến vỉ khác. Lúc nắng đã lên, bánh đã bắt đầu khô (chỉ vừa khô để khỏi bể), người nhà đem vào sắp bánh cho ngay thẳng, đặt một tấm ván lên trên, đè cho bánh dịu xuống.

Công việc này làm từ sáng đến xế chiều, rồi lo thu xếp để sáng mai người thì ra chợ bán cho bạn hàng, còn người khác vẫn tiếp tục công việc như mọi buổi sáng. Thế là cả một vùng xung quanh chợ Cát và cả thôn Phụng Du cạnh quốc lộ 1A cứ rộn rịp làm bánh quanh năm như những ngày giáp Tết.

Những năm trước 1945 và trong kháng chiến chống Pháp, nghề tráng bánh mì ở chợ Cát không kém phần quan trọng, vì thức ăn hằng ngày chủ yếu bấy giờ là mì củ và các chế phẩm từ mì. Trong những ngày Tết, nhà nào cũng có bánh tráng mì chợ Cát được dự trữ cả trăm bánh, cùng rau quả và thịt heo dùng để tiếp khách.

Theo Trần Xuân Toàn (Báo Bình Định), ảnh internet
Du lịch, GO!