(TCDL) - Bình Phước được biết đến là vùng đất có bề dày lịch sử, truyền thống cách mạng cùng phong cảnh thiên nhiên hoang sơ với những con thác, hồ nước thơ mộng, cùng những cánh rừng nguyên sinh bạt ngàn. Đây còn là quê hương của 41 dân tộc anh em, tạo nên bức tranh văn hóa đa sắc màu. Với nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, văn hóa truyền thống đa dạng, Bình Phước có tiềm năng to lớn để phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái và văn hóa.

+ Danh lam thắng cảnh

Bình Phước có các con sông lớn như sông Đồng Nai, sông Bé, sông Sài Gòn chảy qua kết hợp với địa hình cao nguyên, đồi núi đã tạo nên những hồ, thác hữu tình, thơ mộng (thác Đắk Mai, thác Voi, hồ Suối Cam). Nơi đây còn có nhiều cảnh quan hùng vĩ đang ẩn mình trong các khu rừng bạt ngàn như: Vườn quốc gia Bù Gia Mập, Vườn quốc gia Tây Cát Tiên, núi Bà Rá…

Vườn quốc gia Bù Gia Mập

Vườn quốc gia Bù Gia Mập thuộc xã Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập. Với diện tích 26.032ha, đây là nơi có diện tích rừng lớn nhất tỉnh Bình Phước với đỉnh núi cao nhất là 700m so với mặt biển.

Hệ thống sông suối gồm các dòng suối Đắk Huýt chảy dọc theo biên giới Việt Nam - Campuchia, Đắk Sa, Đắk Ka và Đắk K'me. Hệ thực vật ở vườn quốc gia rất đa dạng và phong phú, quy tụ nhiều loài trong vùng Ðông Nam Á với 808 loài, 396 chi, 118 họ, 59 bộ của 5 ngành thực vật. Không những vậy, Bù Gia Mập còn là khu di tích lịch sử quan trọng trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, gắn liền với các trận đánh ác liệt ở miền Ðông Nam Bộ.

Khu du lịch sinh thái Mỹ Lệ

Khu du lịch sinh thái Mỹ Lệ tọa lạc tại xã Long Hưng, huyện Phú Riêng, tỉnh Bình Phước. Với tổng diện tích 72ha được bao phủ bởi đồi chè, vườn cây ăn trái, vườn thú… Khu du lịch sinh thái Mỹ Lệ là địa điểm lý tưởng cho các hoạt động cắm trại dã ngoại, huấn luyện teambuilding, tham quan vui chơi giải trí và du lịch nghỉ dưỡng. Ngoài ra, đến với Mỹ Lệ du khách có thể thưởng thức nhiều món ăn đặc sản địa phương như cá lăng nướng lá điều, gà nướng gia vị bombo, canh thụt, cơm lam, cỗ lá heo rừng… trong bầu khí hậu thiên nhiên thoáng mát cùng đội ngũ phục vụ chuyên nghiệp.

Khu du lịch sinh thái hồ Sóc Xiêm

Thuộc xã Tân Hưng, huyện Hớn Quản, hồ Sóc Xiêm là một trong những khu du lịch sinh thái hấp dẫn. Nằm trong vùng rừng đất đỏ Trà Thanh với bề mặt rộng 30ha, có nơi sâu tới 14m, hồ Sóc Xiêm như một đóa hoa rừng tươi sắc mang vẻ đẹp nguyên sinh thơ mộng. Bao quanh hồ Sóc Xiêm có hàng trăm héc ta rừng nguyên sinh và rừng cao su trên một không gian rộng lớn. Vào mùa cao su thay lá, từng thảm lá vàng trải rộng tạo thành bức tranh mùa thu hữu tình. Đến với Khu du lịch hồ Sóc Xiêm, du khách có thể câu cá, thư giãn trên thảm lá, lắng nghe tiếng gió lao xao, tìm hiểu phong tục tập quán của dân tộc S’tiêng sinh sống ven hồ. Khu du lịch hồ Sóc Xiêm sẽ làm vừa lòng những ai đã từng đến đây, để rồi mỗi khi ra về du khách lại biết thêm những điều mới mẻ, có thêm những kỷ niệm ngọt ngào về vùng đất lịch sử hào hùng và thiên nhiên tươi đẹp này.

Thác Đắk Mai

Thác Đắk Mai (xã Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập) là một trong những thác đẹp nằm trên dòng chảy sông Bé. Đến với thác Đắk Mai, du khách như lạc vào một thế giới lãng du bồng bềnh với cỏ cây, hoa lá và làn nước xanh trong. Ở lòng thác Đắk Mai đổ xuống là vô vàn những phiến đá cuội tròn vo, trơn trượt hàng ngàn năm bị nước bào mòn thành những hình thù kỳ lạ. Dừng chân tại dòng thác Đắk Mai, du khách còn được nghe những câu chuyện huyền sử của cha ông về một thời đấu tranh chống giặc ngoại xâm oai hùng.

Khu du lịch sinh thái Bà Rá - Thác Mơ

Khu du lịch sinh thái Bà Rá - Thác Mơ được quy hoạch tại khu vực núi Bà Rá - hồ Thác Mơ, thuộc địa phận phường Sơn Giang và Thác Mơ, thị xã Phước Long, cách thành phố Hồ Chí Minh khoảng 160km về phía Tây Bắc. Đến với Khu du lịch sinh thái Bà Rá - Thác Mơ, ngoài việc chiêm ngưỡng khung cảnh thiên nhiên biển hồ trên cao nguyên vào buổi bình minh, cùng ngư dân bản địa buông lưới, thả câu vào lúc hoàng hôn hay thưởng thức đặc sản cá lăng, cá chình sông Bé vào buổi tối, du khách còn có dịp tìm hiểu về cuộc chiến đấu chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ kiên cường của quân và dân Bình Phước qua các di tích lịch sử.

Đặc biệt, nếu đến đây vào ngày 6/1 hàng năm, du khách có cơ hội tham gia giải việt dã chinh phục đỉnh núi Bà Rá mang tầm quốc tế, thu hút nhiều vận động viên đến từ các quốc gia như Lào, Campuchia, Thái Lan… Với vẻ đẹp thiên nhiên phong phú và dấu tích lịch sử hào hùng, ngày 4/10/1995, Khu du lịch sinh thái núi Bà Rá - Thác Mơ đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích Lịch sử Văn hóa cấp quốc gia.

Trảng cỏ Bàu Lạch

Trảng cỏ Bàu Lạch tọa lạc tại xã Đồng Nai, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước. Nơi đây, giữa bạt ngàn núi, rừng xuất hiện những trảng cỏ và hồ nước kết nối nhau thành một thảo nguyên rộng chừng 500ha với 20 trảng cỏ lớn nhỏ khác nhau. Có trảng rộng chỉ 5 - 10ha, cũng có trảng có diện tích rộng gần 140ha gọi là trảng lớn nằm giữa một vùng đồi núi xen giữa những cảnh rừng bao la với nhiều cây cổ thụ in nghiêng soi bóng trên mặt hồ. Đi dọc trảng cỏ, du khách sẽ bắt gặp những thác nước như thác Đứng, thác Pan Toong, thác Bù Xa, thác Voi.

Bù Lạch vào đầu mùa khô cỏ chuyển thành màu vàng úa, nhiều loại hoa dại khoe sắc tím, vàng… Cuối mùa khô, cả trảng cỏ chuyển sang màu vàng rực nhưng chỉ cần một cơn mưa đầu mùa là màu xanh mướt như ngọc lại trỗi dậy. Gần các trảng cỏ là nơi sinh sống của đồng bào các dân tộc M’nông, S’tiêng, Mạ, Châu Ro… Đến với trảng cỏ Bù Lạch ngoài thưởng ngoạn cảnh sắc tươi đẹp, du khách có thể ghé thăm và tìm hiểu các lễ hội truyền thống, thưởng thức món đặc sản của người bản địa như cơm lam, thịt nướng, rượu cần.

Vườn quốc gia Tây Cát Tiên

Tây Cát Tiên là một phần thuộc quần thể Khu dự trữ sinh quyển Vườn quốc gia Cát Tiên. Khu vực rừng nguyên sinh nằm trên địa phận tỉnh Bình Phước thuộc 2 huyện Bù Đăng và Đồng Phú. Đây là nơi bảo tồn hệ sinh thái rừng nhiệt đới lớn nhất Việt Nam. Nơi đây có cảnh quan đẹp, có hệ động, thực vật đa dạng như: bò rừng, tê giác, bò Bonten, ngan cánh trắng, gà so cổ hung…

+ Di tích Lịch sử - Văn hóa

Từ lâu, Bình Phước được biết đến là một vùng đất có nền văn hóa lâu đời. Nơi đây có nhiều di chỉ khảo cổ đã được phát hiện và nghiên cứu có niên đại cách đây 2.000 năm như: đàn đá, thành đất cổ, các công cụ bằng đá, gốm thuộc nền văn minh thời kỳ tiền sử. Bên cạnh đó, tỉnh có nhiều di tích lịch sử cách mạng gắn liền với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc như: đồn điền cao su Phú Riềng, nhà tù Bà Rá, Khu căn cứ Quân ủy Bộ tư lệnh các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam Việt Nam, sóc Bom Bo...

Căn cứ Tà Thiết

Căn cứ Bộ chỉ huy quân giải phóng miền Nam Việt Nam từ năm 1972 - 1975 hay còn gọi là “rừng Chính phủ” tọa lạc tại sóc Tà Thiết, xã Lộc Thành, huyện Lộc Ninh. Ngày 7/4/1972, Lộc Ninh được hoàn toàn giải phóng và trở thành thủ phủ của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Vùng giải phóng được mở rộng là một thuận lợi lớn cho việc xây dựng căn cứ. Để phù hợp với tình hình mới có lợi cho cách mạng miền Nam, Bộ chỉ huy Miền đã dời từ huyện Dương Minh Châu (tỉnh Tây Ninh) về Căn cứ Tà Thiết.

Căn cứ Tà Thiết được xây dựng từ năm 1973, diện tích 16km2, bao gồm: nhà ở, nhà làm việc của các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước như: Trần Văn Trà, Nguyễn Thị Định, Lê Đức Anh cùng các hạng mục: bếp Hoàng Cầm, hầm giao ban, Nhà Chính ủy, hội trường… Nhà và các hạng mục đều được xây dựng theo lối nửa chìm nửa nổi (trừ nhà ở, nhà làm việc của đồng chí Trần Văn Trà), cột, kèo làm bằng cây rừng, mái lợp lá trung quân, nép mình dưới những tán cây lớn và những bụi le đan cài chằng chịt nhưng vẫn đảm bảo thông thoáng, thuận tiện, an toàn trong sinh hoạt của các đồng chí lãnh đạo.

Tại Căn cứ Bộ chỉ huy quân giải phóng miền Nam Việt Nam đã diễn ra các sự kiện trọng đại: nơi đón tiếp các phái đoàn cao cấp của Bộ Chính trị, Bộ Tổng tham mưu, Trung ương Cục để bàn kế hoạch xây dựng lực lượng vũ trang, triển khai các phương án tác chiến, các Chỉ thị, Nghị quyết của Trung ương. Đặc biệt năm 1975, nơi đây đã thành lập Bộ chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh - một chiến dịch thần tốc, táo bạo, để giải phóng dân tộc thống nhất đất nước. Với ý nghĩa lịch sử to lớn, ngày 16/11/1988, Bộ Văn hóa (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích Căn cứ Bộ chỉ huy quân giải phóng miền Nam Việt Nam là Di tích Lịch sử quốc gia, đến ngày 23/12/2015, di tích được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận xếp hạng là Di tích quốc gia đặc biệt.

Di tích Mộ 3.000

Cách trung tâm văn hóa thị xã Bình Long không xa là khu mộ tập thể 3.000 người, nơi Mỹ Ngụy đã chôn những người dân vô tội chết trong chiến dịch Nguyễn Huệ năm 1972. Sau ngày đất nước giải phóng, chính quyền tỉnh đã xây dựng thành khu mộ khang trang và được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận Di tích Lịch sử Văn hóa ngày 1/4/1985.

Tượng đài chiến thắng Đồng Xoài

“Ai về Sông Bé - Phước Long / Còn nghe vang dội chiến công Đồng Xoài”. Có thể nói Tượng đài Chiến thắng Đồng Xoài là một trong những công trình tượng đài có quy mô lớn trong số các tượng đài hiện có của tỉnh Bình Phước. Đặc biệt, với mỗi người dân Đồng Xoài thì đây còn là biểu tượng tinh thần về truyền thống đấu tranh anh dũng gìn giữ quê hương, bảo vệ nền hòa bình của Tổ quốc. Hai bên tượng đài là 2 bức phù điêu lớn với các cụm hình ảnh khá sinh động.

Bức phù điêu bên phải là lịch sử hình thành và phát triển của tỉnh Bình Phước. Bức phù điêu phía bên trái là sự lớn mạnh không ngừng của các lực lượng cách mạng, đặc biệt là sự hoàn thiện của bộ đội chính quy, bộ đội địa phương, các lực lượng thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến… và cuối cùng là khúc khải hoàn ca chiến thắng kết thúc cuộc kháng chiến trường kỳ đầy gian khổ, hy sinh nhưng cũng vô cùng oanh liệt. Phía sau tượng đài còn có cụm tượng thanh niên xung phong. Với những giá trị lịch sử đặc sắc, Tượng đài chiến thắng Đồng Xoài đã được công nhận là Di tích Lịch sử quốc gia.

Trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam (Nhà Giao tế)

Nhà Giao tế được xây dựng từ năm 1911, tiền thân là văn phòng làm việc của Công ty cao su Xét - Xô của Pháp (dùng để quản lý việc khai thác mủ cao su ở Lộc Ninh). Nhà được xây dựng theo lối nhà sàn của đồng bào dân tộc thiểu số nên nhân dân trong vùng vẫn quen gọi là nhà “Cao Cẳng”.

Sau Hiệp định Paris được ký kết, trước nhu cầu tình hình công tác trên mặt trận ngoại giao, tháng 3/1973, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã thống nhất chọn vị trí nền ngôi nhà “Cao Cẳng” xưa (đã bị phá hủy trong chiến dịch Nguyễn Huệ năm 1972) để xây dựng trụ sở cách mạng, với đồ án thiết kế là của kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát - Chủ tịch Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Ngôi nhà được xây dựng để đón tiếp các phái đoàn ngoại giao trong nước và quốc tế nên tên gọi “Nhà Giao tế” ra đời từ đó.

Năm 1973, tại đây diễn ra hội nghị quân sự bốn bên gồm: đại diện phái đoàn Quân sự Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, đại diện phái đoàn Quân đội nhân dân Việt Nam, đại diện phái đoàn quân sự Mỹ và đại diện phái đoàn quân sự Việt Nam Cộng hòa. Hội nghị bốn bên bàn về việc thực thi các điều khoản đã được ký trong Hiệp định Paris dưới sự giám sát của Ủy ban Quốc tế (ICCS) gồm bốn nước: Ba Lan, Canada, Hungary và Indonesia. Nhà Giao tế đã được Bộ Văn hóa (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng là Di tích Lịch sử quốc gia vào ngày 12/12/1986.

Di tích chùa Sóc Lớn

Đây là ngôi chùa Khmer được xây dựng năm 1931 tại ấp Sóc Lớn, xã Lộc Khánh, huyện Lộc Ninh. Ngôi chùa Khmer gắn liền với Phật giáo Nam Tông Tiểu thừa, qua tiếng nói, chữ viết, các lễ hội truyền thống, các hình thức nghệ thuật như: kiến trúc, điêu khắc, hội họa, âm nhạc. Từ xa xưa, người Khmer đến chùa lễ Phật, trẻ em đến chùa học chữ, thanh niên vào chùa để tu học làm người. Chùa trở thành một trung tâm sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Người Khmer bảo vệ ngôi chùa như bảo vệ cuộc sống của chính mình, ngôi chùa trở thành một nơi ẩn chứa sức mạnh tinh thần, nền tảng đạo đức, luân lý...

Mỗi ngôi chùa không chỉ là một không gian văn hóa mà còn mang một không gian thiêng, con người khi bước vào ngưỡng cửa của chùa như bước vào thế giới thanh tịnh. Với người Khmer từ lúc sinh ra, trưởng thành cho đến lúc qua đời, mọi sự buồn vui đều diễn ra ở ngôi chùa. Đặc biệt ở đây chùa còn có chức năng là một ngôi trường dạy chữ, dạy đạo lý, đóng vai trò của một thiết chế giáo dục, do vậy càng làm tăng thêm sự kính trọng của nhân dân với các nhà sư và ngôi chùa Khmer.

Sóc Bom Bo

Bom Bo là một xã thuộc huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước. Những năm 1962 - 1963, quân Mỹ càn quét triền miên, dồn dân vào ấp chiến lược. Dân làng sóc Bom Bo, phần lớn thuộc dân tộc S'tiêng, kiên quyết giữ làng xóm. Hơn 100 người dân lặng lẽ băng rừng, vượt suối vào căn cứ Nửa Lon, bên dòng suối Đắk Nhau và Đắk Liêng để lập ra sóc mới cũng mang tên Bom Bo. Đến với Bom Bo, du khách có dịp ôn lại năm tháng sôi động của đồng bào S’tiêng hướng về cách mạng, được hòa mình vào âm thanh rộn ràng của tiếng chày xen lẫn tiếng cồng chiêng, uống rượu cần, thưởng thức thịt nướng, cùng thanh niên nam nữ biểu diễn các điệu múa, nghe già làng kể chuyện về sóc Bom Bo bên ánh lửa hồng…

Di tích Bệnh viện Lộc Ninh

Bệnh viện Lộc Ninh được xây dựng từ thời Pháp, thuộc xã Lộc Tấn, huyện Lộc Ninh. Nơi đây xưa kia được dùng làm bệnh viện của chế độ cũ. Đến đây, du khách sẽ được chiêm ngưỡng kiểu kiến trúc độc đáo gồm khối bê tông hình vòm, từng khối nhà nhấp nhô, đường nét kiến trúc uốn lượn.

+ Lễ hội

Bình Phước có nhiều lễ hội phong phú, độc đáo, làm giàu thêm nét đẹp truyền thống văn hóa của miền đất đỏ bazan màu mỡ, tiêu biểu là: Lễ hội miếu Bà Rá, Lễ hội Phá Bàu, Lễ hội đâm trâu, Lễ bỏ mả, Lễ cầu mưa...

Lễ hội miếu Bà Rá

Miếu Bà Rá (hay còn gọi là miếu Bà Sơn Giang) được hình thành do các tù nhân nhà tù Bà Rá cùng nhân dân địa phương lập nên từ năm 1943 để phụng thờ chúa sứ nương nương, tôn vinh những anh hùng liệt sĩ và những người có công khai phá vùng đất này. Theo thông lệ, Lễ hội vía Bà Rá diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 1 - 3/3 âm lịch. Trong lễ hội, ngoài nghi thức giỗ bà (chính lễ) còn có nghi thức cúng địa nàng, dâng bông, cúng bia tưởng niệm tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ và đồng bào tử nạn trong kháng chiến tại Bà Rá. Phần lễ trang trọng đan xen với các hoạt động văn hóa - nghệ thuật dân gian như múa lân, múa mâm ngũ quả, hát chầu văn, hầu giá, hầu đồng… Trước và trong ngày diễn ra lễ hội, đông đảo khách thập phương hành hương về đây với tấm lòng thành kính dâng lễ vật, hòa mình trong không gian tín ngưỡng để cầu phước, lộc và sự bình an, may mắn cho gia đạo và cầu quốc thái dân an.

Lễ hội Phá Bàu

Phá Bàu là lễ hội truyền thống có từ lâu đời của đồng bào dân tộc Khmer. Sau một thời gian bị lãng quên, năm 2011, lễ hội được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Phước phục dựng trong niềm hân hoan của người Khmer. Mở đầu lễ hội, Hội đồng già làng thực hiện các nghi lễ truyền thống và nghi thức cúng thần linh cầu mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, cầu cho buổi Phá Bàu được thuận lợi, bà con thu hoạch được nhiều cá, tôm… Sau đó đồng bào dân tộc Khmer với các dụng cụ truyền thống thô sơ như: nơm - rút, sneng, giỏ - t’ró, đồ xúc - kh’ne… thi nhau bắt cá. Lễ hội Phá Bàu được tổ chức hàng năm đã góp phần thực hiện tốt công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của người Khmer.

+ Ẩm thực

Đến Bình Phước, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng những cảnh đẹp, tìm hiểu văn hóa người dân nơi đây mà còn bị chinh phục bởi những món đặc sản ngon không thể chối từ.

Đọt mây nướng

Đọt mây là một món ăn không thể thiếu trong bữa cơm của người đồng bào S’tiêng và là một trong những đặc sản của Bình Phước. Ăn đọt mây, ban đầu du khách cảm thấy đăng đắng nhưng một lúc sau sẽ thấy vị ngọt, mát nơi cuống họng. Chấm đọt mây với muối ớt the nồng cộng thêm chút chanh, bạn đã tìm được ngũ vị tinh túy. Bên cạnh đó, vùng đất này còn vô vàn những ẩm thực phong phú níu chân du khách như: rượu cần, canh thụt, cơm lam và các món ăn chế biến từ heo thả rông.

Ve sầu sữa chiên giòn

Vào mùa hè, khi ve bắt đầu lột xác, người ta thường rủ nhau đi bắt ve về làm món ve sầu chiên. Những con ve vàng óng, béo ngậy, giòn tan cuốn hút và hấp dẫn thực khách.

Bánh hạt điều

Bình Phước là địa danh được biết đến như thủ phủ của cây điều. Hạt điều đã trở thành một đặc sản không thể không mua về làm quà của du khách khi đến Bình Phước. Từ hạt điều người ta có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon, hấp dẫn, bổ dưỡng, trong đó độc đáo nhất phải kể đến bánh hạt điều.

Trong thời gian tới, tỉnh Bình Phước sẽ tiếp tục xây dựng những sản phẩm du lịch theo hướng kết hợp du lịch sinh thái với du lịch văn hóa, tín ngưỡng đồng thời tập trung xây dựng các dịch vụ du lịch nhằm thu hút du khách; kêu gọi vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư vào các dự án du lịch… Với tiềm năng và định hướng nêu trên, Du lịch Bình Phước sẵn sàng hội nhập và hứa hẹn có những bước phát triển bền vững trong tương lai.

Theo TT (VTR.org)
Du lịch, GO!

Ai nói Bình Phước không có gì chơi?
Bình Phước: điểm du lịch tiềm ẩn
Hoang sơ thác Voi (Bình Phước)
Thăm lại sóc BomBo, Bình Phước
Núi Bà Rá Bình Phước
...