(ĐĐK) - Không chỉ là công trình hạ tầng phục vụ giao thông bình thường, những cây cầu vùng châu thổ Đồng bằng sông Cửu Long còn có ý nghĩa vô cùng đặc biệt, là ước mơ và khát vọng chinh phục thiên nhiên từ hàng trăm năm qua kể từ khi những người Việt đầu tiên “mang gươm đi mở cõi”.

< Cầu Rạch Miễu, một trong những cây cầu đặc biệt nhất ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Và, chỉ có những ai từng sống, từng gắn bó, trải qua một phần đời mình trên những chuyến đò ngang, chuyến phà mới hiểu rõ ý nghĩa của những cây cầu. Cuộc sống luôn luôn thay đổi từng ngày nên người ta cần những cột mốc để đánh dấu thời gian. Với người dân vùng đồng bằng sông Cửu Long, không có gì xứng đáng hơn thời điểm hoàn thành những cây cầu.

Tôi đã từng chứng kiến một đôi vợ chồng già đi bộ, dắt chiếc xe đạp cũ kỹ vượt lên dốc cầu Mỹ Lợi vắt ngang sông Vàm Cỏ từ phía Gò Công (tỉnh Tiền Giang) để qua bên Cần Đước (tỉnh Long An). Cây cầu dài gần tới ba cây số, cao gần sáu mươi mét không phải là một thử thách dễ dàng với họ. Thế nhưng trong ánh mắt họ vẫn ánh lên những niềm vui. Ông lão bảo, ông quê bên phía Cần Đước nhưng hồi trẻ đi biển thuê cho mấy ghe đóng đáy xứ Vàm Láng, Gò Công rồi đem lòng yêu, và kết nghĩa vợ chồng cùng người con gái bên kia sông Vàm Cỏ cho tới tận bây giờ.

< Cầu Mỹ Thuận.
Dulichgo
Cuộc sống khó khan, ông lênh đênh trên biển phần lớn thời gian đời mình trong khi bà cũng sinh nở, chăm sóc nên người cả thảy năm người con. Thoắt một cái thời gian đã trùm hết cả đời người. Đôi vợ chồng trẻ ấy bây giờ đã là ông lão, bà lão nhưng dòng Vàm Cỏ, dòng sông êm đềm từng đi cả vào thơ nhạc vẫn chia cắt hai miệt Gò Công, Cần Đước cũng như ông lão với quê hương, xứ sở. Những chuyến phà Mỹ Lợi trước kia vẫn ngày ngày đưa đón khách qua sông nhưng không thể xoá bỏ thực tế rằng, con sông vẫn là thứ mà người ta không thể vượt qua. Đó là lý do, từ khi cầu Mỹ Lợi được hoàn thành, gần như mỗi ngày đôi vợ chồng già ấy đều đạp xe từ bên Gò Công để về Cần Đước thăm gia đình, họ hàng.

Có lẽ, niềm vui cuối đời của những người như ông lão nghề biển ấy chỉ đơn giản là hàng ngày có thể trở lại ngôi nhà thơ ấu của mình. Nhưng hai bên bờ con sông được hợp nhất từ Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây lại có hàng trăm lớp người không được may mắn như ông lão kia. Họ đã sinh ra, lớn lên và tan vào cát bụi mà đôi bờ sông vẫn là hai thế giới cách biệt. Chinh phục dòng sông là một điều không hề dễ dàng với bao lớp người vùng đồng bằng châu thổ này bởi một lý do đơn giản: nó quá rộng lớn. Và còn đáng buồn hơn nữa khi đồng bằng châu thổ lại có quá nhiều sông ngòi, kênh rạch.
Dulichgo
Khoảng gần chục năm trở lại đây, khi đời sống xã hội được cải thiện, bộ mặt đồng bằng châu thổ đã thay đổi rõ rệt với hàng chục cây cầu mang tầm cỡ quốc gia đã được hoàn thành. Đó là những cầu Rạch Miễu, Mỹ Thuận, Cần Thơ, Cao Lãnh, Vàm Cống, Cổ Chiên… Tất cả đều là những dấu mốc để đời của hàng triệu người dân nơi đây. Thậm chí, cách đây đúng mười năm, khi khánh thành cầu Rạch Miễu, cây cầu đã xoá đi tên gọi “ốc đảo” của tỉnh Bến Tre, dòng người đổ về chiêm ngưỡng cây cầu này ken đặc, cứ kéo dài tới cả tháng trời.

< Cầu Cần Thơ.

Người dân tỉnh Bến Tre có lẽ đã mất cả năm trời chỉ để nói về cây cầu này. Lý do cũng rất đơn giản bởi trước khi có cầu Rạch Miễu, tất cả người dân tỉnh Bến Tre đi ra khỏi địa phương mình đều buộc phải lên một chuyến đò hoặc phà nào đó. Thật khó tin khi trước thời điểm đó (năm 2009), một địa giới hành chính cấp tỉnh là vựa dừa lớn nhất cả nước vẫn không có đường bộ nối liền với địa phương khác. Nói vậy để thấy, cầu Rạch Miễu quan trọng thế nào với người dân Bến Tre. Mà sau khi hoàn thành, người dân ở các địa phương như Trà Vinh, Vĩnh Long hay Sóc Trăng cũng được hưởng lợi, có thể di chuyển qua tuyến đường này, thay vì đi lòng vòng về phía Cần Thơ xa xôi để đến trung tâm TP HCM.

Và tôi cũng nhớ có lần buổi chiều chừng dăm năm trước, cũng vào mùa mưa như hiện nay. Mưa miền châu thổ thì ầm ầm ào ào, như bao trùm tất thảy con người và trời đất. Lúc đó tôi mới đang chạy xe máy tới Càng Long (tỉnh Trà Vinh), một vùng đất hoang vắng nằm phía Nam bờ sông Cổ Chiên. Mưa thì tấp xối xả vào mặt buốt lạnh. Trời đã tối đen, phía đối diện thi thoảng có cặp đèn pha ô tô đi ngược chiều xoẹt lướt qua mặt. Nhưng điều tôi lo lắng nhất là mình sẽ không kịp chuyến phà đi về phía tỉnh Bến Tre, bởi lúc ấy, không dễ dàng để tìm được một nhà nghỉ qua đêm trên tuyến đường này. Mà quay ngược lại thành phố Trà Vinh thì cũng rất xa, và lỡ nhiều việc.
Dulichgo
Sau đó, khi đã ngồi trên chuyến phà cuối cùng trong ngày giữa mịt mù mưa gió, tôi mới thấm thía cái tình cảnh ngăn sông cách trở bao đời qua của người dân vùng châu thổ này. Không chỉ một buổi chiều như tôi vừa trải qua, bao đời người cha nối tiếp con cháu ở mảnh đất này, những con sông đã ngăn cách họ. Tất cả chỉ được kết nối bằng những chuyến phà, một phương tiện giao thông cũng khá phiền hà. Thậm chí mùa mưa, những chuyến phà cuối nguồn, nơi dòng sông gần phía biển rộng mênh mông tới mấy cây số có thể không hoạt động nước vì sóng gió vượt ngưỡng cho phép. Bị thiên nhiên giam hãm là một cảm giác không hề dễ dàng gì. Đó là lý do nhiều người dân nơi đây đã khóc khi đi trên những cầu Mỹ Thuận, Rạch Miễu, Cổ Chiên, Cao Lãnh…

Trong lịch sử hơn ba trăm năm in dấu chân người Việt ở vùng châu thổ Cửu Long Giang, người ta thường chia ra thành hai giai đoạn: khẩn hoang và chinh phục. Nếu như khai hoang, mở mang bờ cõi được chúa Nguyễn cùng lưu dân lần đầu tiến về phương Nam hoàn thành nhanh chóng, thì công cuộc chinh phục đã kéo dài tới mấy trăm năm sau. Và nó vẫn còn tiếp tục ở những thế hệ con cháu sau này với dấu mốc chính là những cây cầu chứ không phải những vương triều, đền đài, thành luỹ…

< Cầu Vàm Cống.
Dulichgo
Từ những cây cầu khỉ mong manh in dấu bước chân cha ông lần đầu tìm tới đây cho tới những cây cầu cầu gỗ, cầu cứng bằng sắt thép rồi tới những cây cầu bê-tông. Đỉnh cao nhất không gì khác ngoài những cây cầu dây văng vào loại hiện đại nhất thế giới hiện nay đã chinh phục những dòng sông lớn như cầu Mỹ Thuận, Cần Thơ, Vàm Cống, Cao Lãnh... Đó không chỉ là công trình giao thông, dự án hạ tầng mà đó còn là kỳ quan với người dân châu thổ, để họ tự hào và hãnh diện.

Những lần gặp gỡ, trò chuyện với mấy người bạn quê miền Tây, hầu như ai cũng có thể kể ra vanh vách những dấu mốc thời gian hoàn thành những cây cầu ở xứ sở này. Từ cầu Cần Thơ đau thương, cầu Vàm Cống, Rạch Miễu nhiều thăng trầm cho tới những cầu Cao Lãnh, Mỹ Thuận, Cổ Chiên… nhiều thuận lợi. Với những người dân vùng châu thổ, họ có thể đi xa nhưng tình cảm và nỗi mong ngóng về vùng đất này thì vẫn luôn còn. Thế nên mới có chuyện một cậu em đồng nghiệp làm báo với tôi giờ chuyển qua làm kênh Youtube để kiếm tiền ngày nào cũng đi quay các cây cầu miền Tây. Cậu em bảo clip quay những cây cầu, dù nhỏ hay lớn đều có rất đông người coi. Họ là dân gốc miền Tây nhưng vì sinh kế nên đã đi tứ tán khắp nơi, chủ yếu là ra nước ngoài như Hàn Quốc, Đài Loan, Mỹ…

< Cầu Cổ Chiên.

Có nhiều người trẻ và có nhiều người già. Và mặc dầu đã đi xa nhưng nỗi nhớ về quê hương và những khắc khoải cầu, phà vẫn ám ảnh họ. Đó là lý do cậu em chỉ quay về những cây cầu khắp miền châu thổ tới mấy năm nay cũng chưa hết việc. Bởi vì từ những cây cầu khỉ lắt lẻo cách đây hơn ba trăm năm cha ông đi mở cõi, hiện nay vùng châu thổ này có tới hàng chục ngàn cây cầu lớn nhỏ, với đủ thứ nguyên vật liệu từ sắt, bê-tông, dây văng… dọc ngang. Nói vậy để thấy, không chỉ với những người đang ngày ngày hưởng lợi, sử dụng những cây cầu, mà với cư dân miền Tây, những cây cầu đã trở thành một thứ gì đó thiêng liêng, quan trọng và rất đỗi tự hào mỗi khi chinh phục được. Ở đó, những cây cầu là một công trình trong cả cuộc sống và tâm hồn.
Dulichgo
Nhìn trên bản đồ, dải đất châu thổ như những miếng ghép rời rạc, bị 9 nhánh sông Mê Kông chia tách thành những “miếng” nhỏ. Nhưng từng ngày, những cây cầu đã hình thành, nối liền những ốc đảo nhỏ bé ấy. Cũng nhìn trên bản đồ, những công trình kỳ vĩ mang tên cầu Mỹ Lợi, Cần Thơ, Cao Lãnh… chỉ như những chiếc gạch nối nhỏ nhoi nhưng thực tế, đó lại là cả một quá trình với bao khát khao, trăn trở để hoàn thành được chúng.

Theo Đoàn Đại Trí (Đại Đoàn Kết)
Du lịch, GO!