(BAĐM) - Thuộc vùng cực Nam của tỉnh Cà Mau, huyện Năm Căn có vị trí địa lý khá lý tưởng, ngoài đường bộ nằm trên tuyến đường Hồ Chí Minh còn có sông Cửa Lớn nối thông với biển Đông và biển Tây, thuận lợi cho nuôi trồng thủy sản và phát triển du lịch sinh thái.

Trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Năm Căn tập trung mọi nguồn lực xây dựng và phát triển thị trấn Năm Căn theo định hướng và quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ. Từ đó, thị trấn đã có những bước phát triển mạnh mẽ về đầu tư xây dựng hệ thống các công trình hạ tầng, chất lượng sống của dân cư đô thị được nâng lên nhiều mặt.

Trong cơ cấu phân khu chức năng Khu Du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau, Năm Căn là trung tâm kinh tế của tiểu vùng Nam Cà Mau, với tam giác động lực là Năm Căn - Tân Ân - Đất Mũi.
Dulichgo
Bên cạnh thế mạnh nuôi trồng, chế biến thủy, hải sản và các hoạt động dịch vụ hậu cần nghề cá..., du lịch sinh thái cũng là một thế mạnh trong tương lai của Năm Căn khi hạ tầng phát triển đồng bộ.

Trong các điểm du lịch vệ tinh, du lịch dịch vụ phụ trợ cho Khu Du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau, thị trấn Năm Căn là trung tâm cung cấp các dịch vụ lưu trú, ăn uống, mua sắm, thông tin du lịch, dịch vụ đầu mối, thương mại...

Năm Căn có khu sinh thái rừng đước (thuộc địa bàn xã Tam Giang) là khu bảo tồn đa dạng sinh học với nhiều động, thực vật quý hiếm; là “ngôi nhà” của 44 loài thực vật, trong đó có hơn 30 loài chỉ được tìm thấy ở môi trường rừng ngập mặn. Hiện, địa phương từng bước xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm: Cua, bánh phồng tôm, ba khía... góp phần nâng cao giá trị đặc sản địa phương.
Dulichgo
Hướng tới mục tiêu là đô thị loại IV, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Năm Căn nói chung và thị trấn Năm Căn nói riêng luôn phát huy nội lực, đoàn kết xây dựng thị trấn vươn lên, khẳng định vị trí trung tâm vùng phía Nam của tỉnh, đồng thời là đầu mối giao thông, giao lưu trong tỉnh, liên tỉnh; có vai trò quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đối với Cà Mau và vùng ĐBSCL.

Theo Huỳnh Lâm (Báo Ảnh Đất Mũi)
Du lịch, GO!