(BTH) - Núi Đèn gắn với hồ Đèn tạo thành thế tiền thủy, hậu sơn, sớm tối bình an trong tiếng chim kêu, vượn hót. Phong cảnh nơi đây non nước hữu tình, nên thơ và êm ả. Núi Đèn sừng sững ôm lấy lòng hồ như một vị thần che chở, bảo vệ cho sự bình an của người dân nơi đây giống như cách mà tiền nhân đã làm từ thuở khai thiên, lập đất.

Vùng đất nhuốm màu tâm linh

Từ trung tâm TP Thanh Hóa, theo Quốc lộ 45 và 217 qua huyện Cẩm Thủy, chúng tôi đến làng Đèn, xã Điền Hạ (Bá Thước) vào những ngày cuối tháng 5. Nằm cách hồ Thạch Minh và hồ Đèn (được đánh giá là hồ nước ngọt có diện tích lớn và cảnh đẹp của tỉnh Thanh Hóa) không xa, men theo những lối mòn chạy lẫn khuất dưới bóng râm bạt ngàn của cây rừng, núi Đèn hiện ra giống như một cái đèn khổng lồ.

Theo lời của các cụ cao niên trong làng, trước đây, vùng này rất hoang sơ nhưng người dân quanh năm sống no ấm. Thế nhưng, bỗng một năm trời đổ mưa không ngớt khiến mùa màng thất bát, cây lúa không đơm bông, bệnh dịch hoành hành. Dân làng sợ hãi đến hỏi thầy mo thì được phán, phía Tây núi Đèn có một ngôi chùa bị lãng quên, người dân lên đó cầu khấn thì sẽ tai qua nạn khỏi. Lần tìm theo lời phán của thầy mo, dân làng tìm thấy hang Nước rồi hang Bụt. Sau khi làm lễ tại hang Bụt, mưa tạnh, cây cối sinh sôi, bệnh dịch bỗng dưng cũng biến mất.
Dulichgo
Trải qua hàng ngàn năm, dấu tích trên ngọn núi này đã bị xóa mờ theo thời gian, nhưng những câu chuyện về đèn thần, hang Bụt, hang Nước... vẫn còn được kể và lưu truyền đến tận ngày nay. Các cụ cao niên kể lại truyền thuyết xưa rằng: Ngày xưa có 2 vợ chồng nhà nọ thương cảm trước cảnh loạn lạc, cướp bóc đã đứng lên triệu tập nhân dân chống lại những kẻ cầm quyền độc ác. Một hôm quân giặc kéo đến, bà vợ chạy lên núi Đèn cầu xin thần đèn giúp đỡ. Ngay lập tức, đèn thần được thắp sáng. Đèn càng sáng, khí thế nghĩa quân càng lớn. Khiếp sợ trước sức mạnh của đèn thần, quân giặc tháo chạy tán loạn. Tuy nhiên, trong nghĩa quân có một người phản bội đã chạy về phía núi Đèn, nơi bà vợ đang cầu xin thần đèn nói rằng, chồng bà đã thua trận. Tưởng thật, bà vợ bực tức đạp đổ thần đèn rồi chạy xuống núi tìm chồng. Ánh đèn vụt tắt, chí khí nghĩa quân không còn, người chồng bị giết ngay sau đó. Chứng kiến cái chết của chồng, người vợ đau đớn. Không còn mặt mũi nào để gặp dân làng, bà chạy về phía Đông núi Đèn (thuộc xã Cẩm Liên, huyện Cẩm Thủy) sống ẩn dật cho đến lúc chết.
Dulichgo
Cuối giờ chiều nhưng nắng vẫn chói chang, ông Phạm Văn Tống là thầy mo làng Đèn đi trước dẫn đường sải những bước chân gấp gáp và luôn miệng giục chúng tôi: “Đi nhanh nào! Trời nắng thế này chỉ vào trong hang mới mát được”. Vừa đi, ông vừa kể những câu chuyện kỳ bí về núi Đèn, hang Bụt, hang Nước. “Tại sao ông lại say mê với những câu chuyện về thần đèn như vậy?”... Chúng tôi đặt câu hỏi. Không vội vàng trả lời, ông chỉ mỉm cười: “Cứ tiếp tục đi, các bạn vào hang sẽ rõ”.

Con dốc thoai thoải với những bậc thang ẩm ướt men sườn núi là con đường dẫn chúng tôi lên hang Bụt, hang Nước nằm trong lòng núi Đèn. Trên con đường vào hang, thỉnh thoảng chúng tôi còn bắt gặp những cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Thân cây thẳng đứng, xanh tốt đứng lặng im bên vách núi. Đang mải mê với câu chuyện về rừng ma, cây độc..., chúng tôi dừng lại trước một miệng hang nhỏ, sâu. Chỉ tay vào bên trong, ông Tống nói: “Hang là nguồn cơn của những câu chuyện liêu trai, kỳ bí được người dân địa phương truyền tai nhau kể lại đến tận bây giờ”.

Từ miệng hang đi dốc xuống dưới, càng vào sâu, lòng hang càng rộng lớn, nhiều lớp cao – thấp khác nhau. Bên trên là mái trần hình vòng cung giống một chiếc bát khổng lồ úp xuống. Bên dưới mái vòng cung là một nhũ đá mang hình dáng của những búp sen chúc xuống. Mặt nền bên dưới khá phẳng và nhẵn. Đặc biệt, hang có rất nhiều đụn nhũ thạch với nhiều màu sắc và hình thù khác nhau. Nhũ thạch màu vàng giống như những thỏi vàng được gọi là “kho vàng”, nhũ thạch nhỏ hơn có màu trắng được gọi là “kho bạc”. Ngoài ra còn có nhũ thạch hình mâm xôi, thủ lợn... Đặc biệt, ngay chính giữa có một nhũ thạch hình ông Bụt với chiếc trán cao và bộ râu dài. Có lẽ, đây là lý do mà người dân gọi là hang Bụt. Theo lời ông Tống, cứ đều đặn một tháng vài ba lần, ông Tống đều đi bộ lên hang để hương hoa cho chùa. Gọi là chùa nhưng thực tế đó chỉ là một bàn thờ nhỏ được cất trên tảng đá, nằm trong hang. Từ đời ông nội, rồi bố ông và giờ là ông đã thay nhau trông coi vùng đất thiêng này.
Dulichgo
Hang Nước nằm cách hang Bụt khoảng 30m về phía Tây. Để đi vào bên trong, chúng tôi phải cúi thấp người qua một đường hầm dài khoảng 15m. Lòng hang Nước có cấu trúc uốn lượn, quanh co. Nơi rộng nhất khoảng hơn 30m, nơi hẹp nhất khoảng 3m. Nước trong hang có độ sâu từ 0,1m đến 0,8m. Nền hang bằng phẳng với rừng măng đá, nhũ đá và nước. Trần hang có nhiều vòm cuốn khác nhau, đứng dưới vòm hang ta có cảm giác như đang đứng dưới một tòa lâu đài cổ kính, đồ sộ và hùng vĩ với những chùm hoa đá lúc ẩn, lúc hiện. Đặc biệt, nước trong hang chảy ra con suối nhỏ trong lòng hang lúc nào cũng trong xanh, mát lịm. Vì vậy vào mùa khô, những người đi lên rừng đốn củi, trồng rẫy thường tạt qua đây để xin nước uống, rửa mặt... Người dân bản Mường quan niệm rằng, khi tưới dòng nước này lên cơ thể là sẽ có sức khỏe, tránh được tai ương, cuộc sống no ấm, đủ đầy.

Điểm nhấn phát triển du lịch

Theo tìm hiểu của phóng viên, điểm hấp dẫn của núi Đèn, hang Bụt, hang Nước phần là những câu chuyện lịch sử hào hùng thời loạn lạc, phần là chuyện cây đèn thần, song hơn cả là thông tin truyền miệng rằng ở trong lòng núi có hang Bụt linh thiêng cầu gì được nấy, có hang Nước huyền bí là nơi nhiều người mắc các chứng bệnh nan y gửi gắm niềm tin được sơn thần trục bệnh. Cùng đó là vô số những lời “tiếp thị” của dân bản địa về món thảo dược cao sơn, linh thạch có tác dụng trấn quỷ trừ tà, tiêu bệnh tăng sức.
Dulichgo
Hằng năm cứ vào mùng 7 tháng giêng, dân làng Đèn lại mang lễ vật tinh sạch lên ban thờ để cảm tạ thần linh, đèn thần và đôi vợ chồng có công với làng Đèn mong cầu cho mưa thuận, gió hòa, dân làng bình yên, làm ăn khấm khá. Ông Tống chia sẻ: “Chùa này đã có từ lâu lắm rồi, hầu như gia đình nào có con cái làm điều không tốt là họ lại dẫn lên đây để sám hối, hứa sẽ không tái phạm những thói hư tật xấu; kể cả các trường hợp mâu thuẫn gia đình cũng thế...

Có lẽ những câu chuyện về sự linh nghiệm của hang Bụt, hang Nước có phần nhuốm màu tâm linh. Song, đó cũng chính là “kim chỉ nam” để người dân giáo dục con cái, uốn nắn người đời không vi phạm pháp luật. Thông qua những câu chuyện này, họ còn muốn truyền đạt đến các thế hệ bằng những việc làm hợp với “thuần phong mỹ tục”. Vì đối với người Việt, đi lễ bái cũng là lúc mà họ muốn gửi gắm niềm tin vào cuộc sống.
Dulichgo
Trước những giá trị về tâm linh cũng như cảnh quan thiên nhiên, tháng 1-2019, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định số 410/QĐ-UBND về việc công nhận hang Nước và hang Bụt là di tích danh thắng cấp tỉnh. Đây là cơ sở để hang Bụt và hang Nước cùng với các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh khác trên địa bàn huyện Bá Thước trở thành những điểm nhấn quan trọng để phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, khám phá cảnh quan cũng như tìm hiểu văn hóa bản địa.

Theo Tăng Thúy (Báo Thanh Hóa)
Du lịch, GO!