(QTTV) - Nói đến vùng đất hạ lưu về phía Bắc của dòng Ô Lâu chảy qua địa bàn huyện Hải Lăng là nói đến cảnh sắc và con người mang nét đặc thù riêng nơi miền quê sông nước. Trong đó những xóm nhỏ yên bình giữa cánh đồng bao la được gọi là “Càng” luôn có sức cuốn hút đến kỳ lạ.

Vùng hạ lưu của dòng Ô Lâu và Ô Giang có tất cả 7 xóm “Càng” lớn nhỏ. Vị trí của mỗi càng thường cách xa làng gốc ước chừng ít nhất là 3 và xa nhất khoảng hơn 5 cây số cây số. Trong đó riêng càng Mỹ Chánh, cách làng Mỹ Chánh hơn 6 cây số tính theo đường chim bay.

Có dịp về với vùng càng của Hải Lăng, chúng tôi không khỏi băn khoăn vì sao người xưa lại gọi những xóm nhỏ là “Càng” mà không gọi là làng?

“Càng” là gì? Thực tế có nhiều cách giải thích khác nhau. Có người cho rằng Càng được thành lập là do truyền thống nghề nông của vùng này. Từ xa xưa, khi đến vùng đất ven dòng Ô Lâu để cư trú, những vị khai canh đã khi chọn vùng đất cao hơn về phía tây để làm nhà, sau đó tiến về vùng đồng bằng bao la phía đông để khai khẩn làm ruộng nước.

Mỗi năm vùng đất gọi là “Càng” ngày nay xưa kia chỉ trồng được một vụ lúa Xuân Hè, vì thế sau gặt xong thì nhà nông rút quân về làng. Tuy nhiên trong thời gian mùa vụ, mỗi làng đã cử một vài người ở lại để canh giữ lúa. Hết mùa lúa cũng phải có người ở lại để giữ đất. Lâu dần họ biết cách sinh tồn với lũ nên đã đưa gia đình vợ con đến để sinh sống lâu dài. Theo đó, sự mở rộng và vươn xa của làng tựa như cái càng cua vươn ra từ thân con cua nên người ta gọi những xóm nhỏ giữa đồng ấy là “Càng” chăng?.
Dulichgo
Thật khó để giải thích thấu đáo về tên gọi “Càng” như ngày nay, chỉ biết rằng sau mấy trăm năm, từ Càng gần đến Càng xa, trên cánh đồng cò bay thẳng cánh, người nông dân vẫn gắn bó với quê nhà, sống hòa mình cùng thiên nhiên, mưu sinh thuận theo lẽ tự nhiên nên ít phải tranh đua.

Vùng Càng nói chung là vùng đất thấp trũng và thường thấp hơn mực nước biển khoảng từ  0,30m đến 1m. Hàng năm mùa mưa thường kéo dài từ tháng 7 đến tháng 11. Vào mùa mưa, cả cánh đồng thẳng cánh cò bay là một biển nước mênh mông tưởng chừng như không bờ không bến. Trong làn hơi nước mờ đục, thấp thoáng là những ốc đảo nhấp nhô như đang bềnh bồng theo từng con sóng, đó là “Càng” - Những xóm nhỏ giữa chốn đồng không mông quạnh.

Vào mỗi buổi chiều, từ những ốc đảo được bao quanh là những rặng tre xác xơ vì gió Bấc, những vệt khói bốc lên ngoằn ngèo như muốn xua đi cái lạnh và cất tiếng gọi những ngư phủ đang còn mãi mê chài lưới thôi hãy trở về nhà! So với những cù lao ở đồng bằng sông Cửu Long thì “Càng” Hải Lăng nhỏ bé hơn nhiều, nhưng không vì thế mà cuộc sống ở đây  lại kém phần thú vị.

Từ thôn Câu Nhi của xã Hải Tân, xuôi thuyền theo dòng Ô Giang ngược ra phía Bắc, nhìn từ xa cầu cây Da bắc qua dòng Ô Giang như một cung đàn vẫn ngân dài tiếng gió của đồng nội. Ngay cạnh cầu cây da là Nhà thờ Cây Da gắn với càng cây Da đã bao nhiêu năm rồi cứ trầm mặc soi mình xuống dòng sông để cho tiếng chuông cứ lan đi trên mặt nước, vọng mãi cùng thời gian như cầu mong cho quê hương xứ sở nơi đây luôn được bình yên và hồn hậu.

Bên này dòng Ô Giang là Càng Hội Điền thuộc xã Hải Hòa. Càng Hội Điền có gần 40 hộ dân, dân cư từ bao đời sống dựa vào ruộng đồng và phù sa sông nước. Ngoài nghề trồng lúa mỗi năm một vụ, người dân vùng Càng còn có thêm nghề nuôi vịt và đánh bắt cá mỗi khi mùa lũ về.
Dulichgo
Suốt mùa mưa khoảng 5 tháng, đồng ruộng và xung quanh nhà đều ngập nước, mọi sinh hoạt của con người hầu như gói gọn trong ngôi nhà, lúc này  phương tiện di chuyển duy nhất là những chiếc thuyền nhỏ còn gọi là xuồng. Từ đời này sang đời khác, mùa lũ về cũng là mùa để mọi nhà giăng câu, thả lưới kiếm thêm thu nhập bù đắp cho những tháng mùa Đông.  Cá đồng mùa lũ, con lớn thì  bán cho thương lái về mua tận nhà để tỏa đi các chợ, cá nhỏ thì chế biến thành các món ăn trong bữa cơm gia đình  và giữ lại để làm mắm hoặc làm thức ăn cho đàn gia cầm.

Mùa nước nổi, trên cánh đồng giữa các Càng thi thoảng chúng tôi bắt gặp những túp lều nhỏ nép mình bên mô đất cao thường gọi là lều vịt, vì là nơi trú ngụ tạm của những người chăn vịt. Có dịp gặp gỡ chúng tôi mới hay có không ít người người chăn vịt nhưng tâm hồn đầy mơ mộng. Anh Nguyễn Văn Cại, quê ở Xuân Viên, Hải Dương, một tay chăn vịt và đánh cá cự phách mấy chục năm trong nghề chia sẻ, vì trót yêu nghề, yêu cảnh sắc hoang sơ nơi vùng đất của gió và nước mà anh đã có mấy chục mùa Đông loanh quanh giữa đồng bãi. 

Mùa nước nổi, gió Bấc về mang theo cái rét căm căm, cây cối xác xơ. Cảm nhận với khách lạ cuộc sống vào mùa Đông ở Càng thật khác nghiệt, nhưng với cư dân ở Càng, giữa mênh mông trời nước, mùa nước nổi lại mang trong mình một vẻ đẹp riêng có, không thể lẫn với bất cứ nơi nào. Chợt nghĩ, phải chăng với người ở Càng, tình yêu quê hương là sự chấp nhận những gì đang có ngay trên quê hương xứ sở của mình!
Dulichgo
Sống ở Càng, nhà nào cũng có ít nhất một chiếc thuyền nhỏ neo đậu bến quê! Những chiếc thuyền mà mỗi đứa bé sinh ra đã sớm làm quen để đến trường, thăm bà con ở các Càng lân cận…và đến khi cuối đời, lúc về với tổ tiên nếu vào mùa Đông nước lũ về thì cũng lại đành phải cậy nhờ con thuyền nhỏ thêm lần cuối!

Hai châu Ô, Rí vuông nghìn dặm
Một gái Huyền Trân của mấy mươi

Những làng mạc vùng hạ lưu bên dòng  Ô Lâu này sau khi trở thành lãnh thổ nước Đại Việt, đến nay đã ngót hơn 700 năm. Những vị khai canh dễ chừng đã truyền được trên 20 đời con cháu. Hơn 700 năm chịu đựng cuộc sống khó khăn này chắc phải có cái gì cuốn hút, thôi thúc để các lớp tiền nhiên và các thế hệ con cháu không bỏ đất ra đi. “Tiền nhân khai phá ma lâm xứ - Hậu thế bảo tồn Vĩnh Hưng thôn”, đại ý là: Người đi trước khai khẩn chốn rừng thiêng - Thế hệ cháu con gìn giữ mảnh đất Vĩnh Hưng. Thiển nghĩ một trong những lý do của những người ở lại là theo lời dặn dò của tiền nhân như câu đối tương truyền từng được thờ trong ngôi miếu ở càng Hưng Nhơn.

Về Hưng Nhơn, xã Hải Hòa chúng tôi lại được nghe câu chuyện một cụ bà xắn váy, bưng đá để được chia ruộng đã thành giai thoại cho lễ hội truyền thống của làng. Chuyện rằng, thời xưa việc tranh chấp ruộng đất giữa các vùng giáp ranh diễn ra rất phổ biến. Trong quá trình khai hoang lập làng đã xảy ra vụ tranh chấp mốc giới đất ruộng giữa hai làng Hưng Nhơn và An Thơ, sự việc không thể giải quyết nội bộ và phải trình quan huyện. Vị quan bèn chỉ vào trống đá và lệnh rằng: “Tảng đá kia nếu ai bưng nổi và di dời đến vị trí nào đó thì mốc giới xác định tại vị trí đó!”.

Một bà lão làng Hưng Nhơn xin bưng trước. Mọi người thấp thỏm lo lắng không biết bà có bưng nổi hay không? Nhưng rồi họ thở phào nhẹ nhõm vì bà đã bưng nổi và đi được 10 thước. Tuy nhiên do viên đá vừa to vừa nặng cọ xát vào người làm váy bà bật tung ra, hoảng quá bà thả hòn đá để chỉnh váy lại. Và nơi hòn rơi xuống đã trở thành mốc giới của địa phận làng Hưng Nhơn. Sau khi bà mất, để tưởng nhớ công ơn của bà, dân làng đã lập miếu thờ, gọi là miếu Bà Giàng. Hằng năm đến ngày mùng 8 tháng 5 Âm lịch, dân làng Hưng Nhơn đều tổ chức lễ cúng tươm tất tại miếu Bà Giàng bằng lễ vật được trích từ 3 sào ruộng công, còn gọi là “ruộng miếu”.
Dulichgo
Con người nơi vùng Càng nói chung gắn bó với đất đai, ruộng đồng như một mối tình chung thuỷ vô điều kiện. Không chỉ thế, qua đằng đẵng thời gian là những chiêm nghiệm, nghĩ suy về lẽ đời hưng phế, là kí ức của đời người, là sự neo đậu của những tâm tình cùng bổn tộc, họ phái. Và như những rặng tre kia dẫu xác xơ trong mưa bão thì vẫn bền bĩ kiêu sa để chở che, giữ ấm cho những Càng vào mỗi mùa Đông giá. Về với vùng đất 7 Càng, chúng tôi thầm nghĩ, phải chăng chính tình yêu gia đình, xứ sở đã neo giữ mãi hình ảnh quê hương trong trái tim của mỗi con người!


Theo Phan Tân Lâm (Quảng Trị TV)
Du lịch, GO!