(NSO) - Đến đỉnh đèo, miền sơn cước Nông Sơn hiện ra núi non trùng điệp. Nhìn hướng nào cũng thấy núi, nhấp nhô, lớp lớp, ngút ngàn... Qua đèo Le, đường dốc quanh co. Một bên là vách núi, bên kia là vực sâu tạo nên một bức tranh phong thủy hữu tình...

Những địa danh thường gắn liền một hay nhiều truyền thuyết, sự kiện hay nhân vật nào đó, mà ở đó mỗi khi nhắc đến hay trực tiếp đặt chân đến sẽ lắng đọng chút suy tư xen lẫn tự hào về một địa danh vùng đất. Nông Sơn là nơi hội tụ của nhiều phong tục, tập quán, phong phú về văn hóa, tín ngưỡng, tâm linh và lễ hội. Đến với nơi đây là đến Cà Tang, Hòn Kẽm - Đá Dừng, lăng bà Thu Bồn, Tí, Sé, Dùi Chiêng, làng trái cây Đại Bình, nước nóng Tây Viên, thủy điện Khe Diên, mỏ than Nông Sơn…Tất cả hợp thành điểm đến hấp dẫn và gợi lên biết bao kỳ tích về mảnh đất - con người nơi đầu nguồn sông mẹ Thu Bồn, để giữa xanh thẳm dòng nước tuôn về biển khơi đỏ quạch phù sa...

< Một đoạn đèo Le.

Theo sách Địa chí Quảng Nam Đà Nẵng: Đèo Le dài 8km, băng qua dãy núi Hòn Tàu, nối hai huyện Quế Sơn và Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam. Nguyên là một đường mòn xuyên rừng hẹp, có nhiều cây le mọc, đi lại rất vất vả. Năm 1937, các nhân sĩ ở Quế Sơn như Nguyễn Đình Hiến, Lâm Xuân Quế... đã đứng ra vận động nhân dân mở con đường đèo Le, công trình hoàn thành năm 1939 và về sau trở thành tỉnh lộ ĐT 611. Có câu chuyện khác, tên đèo Le là do ngày xưa, đường sá khó khăn, người dân hai bên muốn thăm viếng nhau phải vạch rừng, lội bộ, leo lên đến đỉnh thì mệt quá... le lưỡi thở phì phò nên đèo được đặt tên là đèo Le.Dulichgo

< Đèo Phường Rạnh.

Đến đỉnh đèo, miền sơn cước Nông Sơn hiện ra núi non trùng điệp. Nhìn hướng nào cũng thấy núi, nhấp nhô, lớp lớp, ngút ngàn... Qua đèo Le, đường dốc quanh co. Một bên là vách núi, bên kia là vực sâu tạo nên một bức tranh phong thủy hữu tình. Nếu đèo Le là cửa ngõ quan trọng tiếp nối với huyện Quế Sơn, để huyện Nông Sơn giao thương với các huyện đồng bằng, thì đèo Phường Rạnh cũng là một cửa ngõ giao thương cũng không kém phần quan trọng để huyện giao thương qua tuyến đường ĐT 610. Mấy chục năm trước, khách thương hồ xuôi ngược trên sông Thu Bồn không xa lạ với Phường Rạnh hoang vu, núi đồi trùng điệp (nay là làng Trung An, xã Quế Trung, huyện Nông Sơn). Nhưng không phải ai cũng biết Phường Rạnh được khai phá từ rất sớm, dưới triều Thái Đức nhà Tây Sơn…

< Bãi bồn ven sông Thu, ngay sát con đường đi qua đèo Phường Rạnh.
Dulichgo
Ở Trung An có 3 vị tiền hiền thuộc tộc Nguyễn, Trần và Trịnh. Các tộc đều đến lập nghiệp từ thời Tây Sơn, trong đó tộc Nguyễn đến đầu tiên. Đặc biệt, không chỉ truyền khẩu, tộc Trần ở Trung An còn giữ bản gia phả khá đầy đủ. Bản gia phả bằng chữ Hán, được lập vào năm Thành Thái thứ tư (1892). Về nguồn gốc danh xưng Trung An, có câu chuyện kể khá lý thú rằng thời trước, khi người Việt đến lập nghiệp, ở đây đã có dinh bà Phường Rạnh rất linh thiêng. Từ câu chuyện này, người dân mới lấy tên Trung An đặt tên cho làng với mong muốn bà con sống ở vùng đất này luôn là những người “trung thực” nên được hưởng sự “an lành”.

< Phường Rạnh không còn là con đường gồ ghề đá sỏi, cô lập làng Trung An như thuở trước.

Nhưng dù Trung An hay Phường Rạnh, mảnh đất này cũng bắt đầu được người Việt đặt chân lên lập nghiệp cách nay gần 250 năm, từ triều Thái Đức nhà Tây Sơn. Thế cho nên trong văn cúng tiền hiền nhằm tưởng nhớ những người đã có công khai sơn phá thạch, lập làng lập xóm, người dân làng Trung An ghi rõ: “Xưa đất Bắc dựng xây tổ nghiệp/ Nay trời Nam kiến trúc cơ ngơi/ Chí tang bồng ngang dọc bốn phương/ Tài thao lược kinh luân một cõi/ Đất Phường Rạnh thời xưa triều Thái Đức/ Ơn tiền nhân khai quốc thổ lắm công trình...”.

< Hòn Kẽm đá Dừng.
Dulichgo
Ngoài cảnh sắc thiên nhiên sông nước, những con sông bao giờ cũng gắn liền với lịch sử phát triển kinh tế và mang nặng dấu ấn bản sắc văn hoá của vùng đất nó chảy qua. Ở xứ Quảng, sông Thu Bồn còn như dòng sữa ngọt ngào từ bao đời nuôi dưỡng cư dân đôi bờ. Dòng sông Thu - người mẹ giang hà ôm ấp cả một vùng đất thiêng liêng đã viết nên những huyền thoại sử thi của đất Quảng, một dòng suối văn hoá truyền thống đậm đà màu sắc làng quê miền Trung. Hòn Kẽm – Đá Dừng là nơi khởi đầu dòng sông với tên gọi Thu Bồn theo tín ngưỡng của người Chăm ngày xưa là thần sông mẹ Ganga. Thắng cảnh này đã đi vào bài ca dao nổi tiếng của xứ Quảng:

Ngó lên hòn Kẽm đá Dừng
Thương cha nhớ mẹ quá chừng bậu ơi!
Thương cha nhớ mẹ thì về
Nhược bằng thương kiểng nhớ quê thì đừng!

Hòn Kẽm – Đá Dừng giống như một cánh cửa để dòng sông rũ bỏ những ghềnh thác chập chùng đổ về xuôi. Hòn Kẽm còn mang đầy vẻ hùng vĩ, nguyên sơ của thiên nhiên. Nơi ấy, chỉ có sông nước, mây trời và vách núi dựng đứng. Quả thật, Hòn Kẽm - Đá Dừng được xem là tặng vật của thiên nhiên dành cho đất và người Nông Sơn. Theo dân địa phương, những địa danh nằm ven đôi bờ Thu Bồn như: Đá Ngang, Đá Mài, Đá Bàn, Dùi Chiêng, Tí, Sé, Cà Tang... vốn là tên địa danh do người Chăm đặt.

< Một đoạn sông Thu Bồn.

Vùng núi hùng vĩ này còn tồn tại một tảng đá ghi ký tự Chăm nằm dưới chân Kẽm, chỉ nhìn thấy khi mùa nước cạn. Mãi tới nay, điều bí ẩn còn lưu giữ đằng sau những cổ tự này...
Dulichgo
Và bao đời nay, dòng Thu Bồn vẫn thế, miên man chảy xuôi đổ về biển cả. Có giai thoại thuật lại rằng, sinh thời Tú Quỳ - danh sĩ nổi tiếng Quảng Nam một lần lên thượng nguồn sông Thu Bồn, đến ngôi làng có tên rất lạ Dùi Chiêng. Nguyên do làng trước mặt là sông, sau lưng là núi, có hình thể như cái dùi và cái chiêng. Vốn tính tinh nghịch, khi ra về, ông  hát vài câu chủ ý ghẹo mấy cô thôn nữ trong làng.

Thời khắc nào trong ngày cũng đẹp, nhất là lúc bình minh lên, thung lũng Nông Sơn được đánh thức bằng ánh nắng lấp lánh đổ xuống mặt sông. Ngước mặt là núi Cà Tang sừng sững, sương khói ở trọ tự ngàn đời bay lên càng tăng thêm phần bí ẩn về những câu chuyện vùng đất đầu nguồn sông mẹ. Bỗng đâu đây trong tâm tưởng chợt vang lên câu thơ của nhà thơ Tường Linh vọng về trong tiếng sóng vỗ giữa ban mai sông nước: “Non cao chờ gỗ hóa trầm/ Giấu tâm trên đỉnh, giấu tình trong tim”...

Rong ruổi cùng với sông núi, rồi lại trở về Trung Phước, bây giờ là khu trung tâm huyện mới Nông Sơn. Theo cái nhìn phong thủy nhiều bậc cao niên cho rằng thế đất Trung Phước là thế rồng cuộn. Đầu rồng gác bến gành, sống lưng là con đất Gò Đồn, còn đuôi rồng thả dài ở Hũng Bà Xù. Câu chuyện ở đất “rồng cuộn” Trung Phước dằng dặc kể từ thời lập ấp, xây đình và trải qua chiến tranh loạn lạc để rồi thức dậy sau giấc ngủ dài

Người xưa quả tinh đời, bởi vì không gì bằng: “Nhất cận thị, nhị cận giang”. Và theo dấu chân xưa, Trung Phước bây giờ là một trong những mảnh đất phồn thịnh nhất phía thượng nguồn sông Thu.
Dulichgo
Có thể phác thảo Nông Sơn bởi các điểm nhấn: Tân tỉnh Trung Lộc- Đồng bằng Tây Viên dưới chân Hòn Tàu, Trung Phước - Đại Bình, Cà Tang - Nông Sơn, Tý Sé - Dùi Chiêng, Hòn Kẽm- Đá Dừng… theo dòng Thu Bồn như sợi chỉ xanh ngắt vắt dọc từ Đông sang Tây. Địa hình đặc trưng đã tạo nên vùng đất này nhiều điểm khác biệt ít nơi nào có. Khi chọn vùng Đồng Nai con - Trung Lộc làm Tân tỉnh hẳn Nguyễn Duy Hiệu đã kỳ vọng vào thế sông thế núi hầu mong tìm một cơ hội cầm cự lâu dài? Tiếc là thời thế chưa chịu chiều người.

Một Trung Phước trù phú và vương giả suốt bao nhiêu tháng năm nổi tiếng sản sinh ra người tài hoa và nhiều con gái đẹp. Một Nông Sơn - mỏ góp những viên gạch đầu tiên cho nền công nghiệp non trẻ Việt Nam hơn trăm năm trước. Một Cà Tang đầy những huyền tích hay một Cà Tang gắn với cơn lũ bi thảm năm Giáp Thìn 1964. Một Dùi Chiêng bỏ em ở lại có chiêng không dùi. Một Tý, Sé bên bồi bên lở. Rồi một Hòn Kẽm-Đá Dừng gắn với câu ca da diết một thời thương cha nhớ mẹ quá chừng, bậu ơi...
Dulichgo
Nông Sơn là địa điểm lý thú đến để khai phá những vỉa quặng trầm tích dấu ấn văn hóa, giải mã những câu chuyện, giai thoại về mảnh đất và con người nơi đầu nguồn sông mẹ Thu Bồn. Sẽ không thể quên và sẽ không thể không trở lại nếu ai đó đã một lần đặt chân đến Nông Sơn, một lần ngược ngàn bằng đò giang để ngó lên Hòn Kẽm-Đá Dừng, để nghe câu ca vọng ra từ hai vách núi…

Theo Huỳnh Sơn (Web Nông Sơn)
Du lịch, GO!

Nông Sơn và những mùa hoa…