(DLQT) - Lễ hội Kỳ Yên ở Nại Cửu Đình là sinh hoạt văn hóa nhằm thỏa mãn khát vọng tinh thần, là cầu mong cuộc sống yên bình, ấm no, hạnh phúc, là niềm tôn kính hướng về trời đất, hướng về các vị anh hùng có công với nước, các vị khai khẩn lập làng, các vị khai canh, các vị khoa bảng làm rạng danh tổ tiên.

Lễ hội dân gian là khát vọng tinh thần, là sinh hoạt văn hóa làm nên diện mạo của một vùng đất, tạo nên nhân cách, bản sắc riêng của người dân sống trên vùng đất đó. Nó là yếu tố cơ bản tạo nên sức sống mãnh liệt trong tâm thức của con người, tồn tại cùng con người thuở khai khẩn vùng đất mới, đồng hành trên bước đường con người kiếm tìm hạnh phúc, tạo lập và xây dựng nên những mảnh làng.

Để phát huy những giá trị truyền thống, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, gạt bỏ những yếu tố lạc hậu mang màu sắc mê tín là một việc làm có ý nghĩa nhân văn.

Với suy nghĩ đó, chúng tôi đã tìm về làng Nại Cửu thuộc xã Triệu Đông, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị để tìm hiểu, đây là một làng có bề dày lịch sử khá lâu đời gắn liền với những cuộc "Nam tiến" của ông cha, có nhiều thành tựu vẻ vang trong chống giặc ngoại xâm, trong lĩnh vực giáo dục, gắn liền với nhiều tên tuổi của nhiều người được cả nước biết đến.
Dulichgo
Tên làng Nại Cửu có nghĩa là "chịu đựng lâu" thể hiện tính cách bền bỉ, kiên nhẫn chịu đựng mọi khó khăn gian khổ để vươn tới khát vọng ấm no, hạnh phúc của người dân nơi đây; và trong tiến trình đi lên, dân làng Nại Cửu đã đạt được những thành tựu không nhỏ để tạo nhân cách riêng của một làng quê Việt Nam.

Làng Nại Cửu từ xưa có nhiều lễ hội như: Lễ Thần Hoàng, Lễ Hạ Canh, Lễ Hạ Ương, Hội thi cày đất khô, Hội thi kéo co, thi bơi trãi, hò giả gạo...Tuy nhiên, qua thời gian và hoàn cảnh sống có những đổi thay nên đã dần dần mất đi chỉ còn lại một lễ hội đáng chú ý hơn cả là lễ hội Kỳ Yên (hoặc là Cầu An hay Siêu Yên) được dân làng Nại Cửu duy trì hàng năm tại Đình làng Nại Cửu vào ngày rằm tháng bảy.
Dulichgo
Trải qua trên dưới 500 năm tồn tại và phát triển, đất và người Nại Cửu của 18 thế hệ kế tiếp nhau đã chịu đựng nhiều gian khổ, hy sinh, bền gian, kiên nhẩn, tương thân, tương ái, đùm bọc nhau trong tình làng nghĩa xóm để xây dựng và bảo vệ quê hương và đất nước. Đó là một truyền thống quý báu đáng tự hào và trân trọng của người dân làng Nại Cửu. Truyền thống này chính là xuất phát từ tác động của những sinh hoạt văn hóa lễ hội, của tính hiếu học đúc kết nghìn đời mà ta đang đề cập ở trên lễ hội Kỳ yên ở đình Nại Cửu.

Đình Nại Cửu có một đặc trưng riêng biệt là có mái đình (có sắc chỉ của Vua ban) khác với Đình của nơi khác, ngôi đình hiện nay có chiều rộng 6m, chiều dài 14m tọa lạc trên khu đất rộng, quay mặt về hướng nam. Đình có kiến trúc đối xứng nhau tạo nên sự hòa điệu theo đúng kiến trúc văn hóa phương Đông. Đình Nại Cửu ngày xưa không chỉ là nơi tế tự, hành lễ mà còn là trụ sở để các vị nhân sĩ, trí thức hội họp bàn định kế sách ích nước lợi nhà. Từ ngôi đình làng này, bao thế hệ người dân Nại Cửu đã hun đúc được hồn thiêng của ông cha, nguyên khí trời đất, tinh hoa của văn hóa làng được đúc kết qua các tấm gương hiếu học, tiếp tục đóng góp nhiều công lao cho đất nước.

Ngày xưa Ban Tế lễ gọi là Ban "Đại hào Tộc biểu", thường gồm các Lý trưởng, các Tộc trưởng, Trùm xóm. Ngày nay Ban Tế lễ gọi là Hội đồng gồm các Trưởng họ, Đội trưởng sản xuất tiến hành họp để tổ chức các bước lễ và phân công người phục vụ lễ, gồm: Chấp sự: 02 người đánh chiêng trống (phải là những người đứng đầu làng có uy tín cao); 01 Tự chúc: là người đọc văn tế; 01 Tư văn xướng lễ: là Trưởng ban lễ tế;04 Tư xướng: (02 Đông xướng, 02 Tây xướng); 06 Tư hiến: ở ba bàn, một bàn hai tư hiến; 29 đồng hầu: đội múa đèn lúc hành lễ - có một đội trưởng chỉ huy; 16 cận vệ: (mang các thứ vủ khí giáo mác tượng trưng); 04 vị cầm tán để che trên kiệu rước thần; 01 Chánh tế được che lọng xanh; 02 Bồi tế được che hai lọng xanh; 02 Chấp sự được che hai lọng xanh; 01 Ban nhạc cổ gồm bốn người (một trống, hai kèn, một sao).Dulichgo

Trước chiến tranh làng Nại Cửu có một kiến trúc văn hóa liên quan đến lễ Kỳ Yên này có tên gọi là Nghè, nằm ở Bèng (vùng đất đầu làng Nại Cửu, tiếp giáp với làng Bích Khê, xã Triệu Long), đây là nơi thờ các vị thần. Trước khi đi vào tế lễ Kỳ Yên có ba lễ: Lễ cáo giang sơn, Lễ giết bò lợn để cáo trời đất, quỷ thần (cáo tế sanh) ở sân đình. Lễ thứ hai là lễ nghinh thần tiến hành khoảng giờ mùi (2 giờ chiều tại Nghè), thành phần tế lễ như trên. Sau đó, Ban lễ lên tại Nghè để cáo nghinh đánh chiêng trống rước thần về đình. Đi trước thần gồm có ba kiệu, có ba tàn vàng che. Trình tự các kiệu được rước đi như sau: Kiệu các vị tiền khai khẩn (trong kiệu có bảy bào vị); Kiệu ngũ hành, Chúa Ngọc hồng nương tiên phi (có năm bài vị); Kiệu thứ ba gồm hai bài vị (một bài vị sâu và một bài vị cạn), bài vị sâu là "Cao các quảng độ đại vương và Thành hoàng", bài vị cạn là "Thổ thần". Ba kiệu này được rước đi từ Nghè trong tiếng chiêng, trống, sao, kèn rộn rã trên những nẻo đường của thôn làng Nại Cửu.

Về tới Đình, giờ Thân (bốn giờ chiều) ban tế tiến hành tế túc yết (cáo sơ bộ). Lễ vật gồm bò hoặc heo (nguyên con) gọi là tế đại hiến, và chỉ có đình làng Nại Cửu mới được tế đại hiến (Theo ý chỉ của vua Đồng Khánh) còn các đình làng khác thì chỉ được phép tế tiểu hiến (thịt vai) hoặc trung hiến (thịt đầu và bốn móng giò). Ngoài bò hoặc heo ra còn có thêm hương hoa, quả, trầm, trà. Ở am thờ Khổng Tử ngoài sân thì cúng gừng muối.
Dulichgo
Lúc "tế túc yết" vị tư chúc đọc bài văn tế có nội dung như sau: (đây là một ví dụ một bài văn tế đình): "Duy Bảo đại thập bát niên, tuế thứ Nhâm Ngọ thất nguyệt thập tứ nhất (năm thứ 18 thời Bảo Đại, năm Nhâm Ngọ, ngày 14 tháng 7 Âm lịch)
Sau khi đọc văn tế xong, chánh tế và bối tế vái lạy, khấn nguyện trước ba bàn thờ thứ hai, thứ ba, thứ tư (tức hai bàn thờ lục tộc và một bàn thờ 11 vị thần) còn bàn thờ phía đông và phía tây không lạy. Tiếp theo chánh tế và bồi tế, dân làng lần lượt vào ba bàn thờ trên để vái lạy với tất cả sự tôn nghiêm và thần kính.

Sau tế Túc yết, ban nhạc cổ tấu nhạc các điệu “Lưu Thủy, Hành Vân, Kim Tiền hoặc cổ bản”, đồng thời đội đồng hầu 29 người dưới sự chỉ huy của một đội trưởng, mỗi người cầm hai đèn hoa sen vừa múa, vừa hát một bài hát có tên “Giang sơn cẩm tú”: “Nại Cửu giang sơn cho được lâu dài, tối sớm hôm mai dân cư, dân cư được no ấm, tiền của đầy vơi, bình an vô sự, sinh sự mặc ai, mặc ai. Nay sĩ tử mở mắt với đời theo kịp với người rõ mặt trai, mặt trai, đèn văn minh soi khắp mọi nơi. Ơn vua là vua nợ nước, trên nhờ thần thánh phòng dữ ách tai, ách tai, sinh sự mặc ai, mặc ai”. Nội dung bài hát ca ngợi đức tính kiên trì, nhẫn nại của người dân làng Nại Cửu.

Trang phục của đội đồng hầu này là áo dài, quần trắng, thắt lưng bằng lụa năm sắc còn bắt chéo qua vai, chân quấn xà cạp, đầu đội khăn màu đỏ. Trong quá trình múa và hát giữu điệu hành vân, lưu thủy như mây trôi nước chảy, đội đồng hầu múa và sắp thành tầng nhà lầu (nhiều tầng người chồng lên nhau thành nhiều thang bậc) rồi toả xuống lộn hàng xà (lộn qua lộn lại), tiếp đến là chạy khu ốc lớn nhỏ (chạy theo hình trôn ốc rồi sắp thành bốn chữ “Thiên hạ thái bình” bằng chữ Hán. Lúc này ở trước hồ sen của đình làng có đốt pháo hoa làm cho đêm tế lễ càng lung linh, kỳ ảo và thiêng liêng.
Về khuya dân làng tập trung trước sân đình thi hò giả gạo, bên xướng bên hò đến là náo nhiệt để chờ đến giờ Tý, ban tế vào điện “tế tạ” triệt soạn lễ tất.
Dulichgo
Lễ hội Kỳ Yên ở đình Nại Cửu cứ ba năm mới tế to một lần, còn các năm khác thì tế thường (tế chay), lễ vật cũng đơn giản chỉ là hương, hoa, trầm, trà, rượu, hoa quả mà thôi. Ngày xưa sau đêm lễ có rất nhiều trò chơi như thi thổi cơm, thi đua thuyền, thi chọi trâu, hội thi chọi gà, hội thi kéo co, thi bơi trãi, thi vật, thi cày, thi cuốc đất khô…

Bên cạnh những hội thi trên có một số hội thi khác như thi kéo co, thi vật, thi cày, thi cuốc đất khô… nhưng ngày nay do hoàn cảnh sống có những đổi thay nên những trò chơi ấy không được duy trì nữa, và chúng tôi không thể kể hết ra đây được. Đây quả là điều đáng tiếc vì những cuộc thi này không chỉ nhằm giải trí, giải toả những mệt nhọc sau những ngày tháng lao động vất vả của người dân mà còn là sự giao lưu trí tuệ, tình cảm con người, cố kết thêm mối quan hệ cộng đồng bền vững.

Lễ hội Kỳ Yên trước hết là một tín ngưỡng, thể hiện niềm khát vọng về một cuộc sống yên bình, ấm no, hạnh phúc. Nó cũng phản ánh một đời sống tâm linh hết sức phong phú của dân làng Nại Cửu đúc kết thành một chữ “Đạo” với tất cả ý nghĩa nhân văn nhất của từ này: thành kính, hướng vọng về tổ tiên, về cội nguồn khởi phát làng, biết ơn những vị anh hùng có công với quê hương, đất nước, kính trọng và sùng bái những vị khoa bảng mang lại tiếng thơm muôn thưở làm rạng danh hậu thế.
Dulichgo
Lễ của làng chắc chắn sẽ thấm sâu vào máu thịt từng con người biến thành chữ lễ trong bản thân họ, một phẩm chất không thể thiếu được trong “ngũ thường” (nhân, lễ, nghĩa, trí, tín) mà đạo đức học phương Đông đã dạy. Hơn thế nữa, lễ hội Kỳ Yên còn là một sinh hoạt văn hoá tinh thần lành mạnh làm phong phú thêm bản sắc con người làng Nại Cửu giúp họ vững tâm hơn trước sóng gió cuộc đời, chống lại một cách có hiệu quả nguy cơ của những sản phẩm văn hoá độc hại, tư tưởng lai căng sùng ngoại, lối sống thực dụng từ trong mặt trái của cơ chế thị trường.

Đất nước ta ở vào giai đoạn đổi mới toàn diện, đang ở trong quá trình mở cửa, giao lưu, hội nhập với văn hoá thế giới thì vấn đề khôi phục và giữ gìn một lễ hội dân gian với tất cả những yếu tố tích cực của nó là một việc làm có ý nghĩa thiết thực, nhân bản và đó chính là một trong những cách để bảo vệ và giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc. Lễ Kỳ Yên ở Đình Nại Cửu hàng năm được diễn ra, từ đây biết bao con người của thôn làng Nại Cửu đã thành danh trên nhiều lĩnh vực và hàng năm vào ngày rằm tháng bảy dù ở đâu, bận rộn công việc gì cũng đều cố gắng tìm về cuội nguồn, thắp nén nhang cầu nguyện trước bàn thờ tổ tiên. Đó cũng chính là đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của người Việt Nam ta.
Dulichgo
Vì thế, đứng về phương diện văn hoá học, lễ hội Kỳ Yên ở đình làng Nại Cửu là nên duy trì và phát triển những yếu tố tích cực của nó, vì đó là niềm tin, niềm khát vọng hết sức trong sáng của dân Nại Cửu và cũng rất phù hợp với đường lối văn hoá mới của Đảng và Nhà nước ta. Tuy nhiên ở đây phần lễ thì nhiều nhưng phần hội hầu như không còn, nên chăng cần khôi phục các trò chơi như đã nói trên và có thể thêm phần sinh hoạt văn nghệ quần chúng sau khi hành lễ để góp phần phong phú và nâng cao đời sống văn hoá tinh thần người dân.

Theo Lê Văn Hà (Du lịch Quảng Trị)
Du lịch, GO!