(BQN) - Trong ráng chiều chênh chếch triền núi, già Alăng Vương buông tiếng thở dài rười rượi rằng cái duy nhất cho đến nay đồng bào Cơ Tu làng Yều còn giữ được là tiếng mẹ đẻ. Còn lại, hầu như đã mai một đi hết. Và rằng, có muốn giữ e cũng khó

Tập tục đã mất

Làng Yều nguyên là một làng đồng bào Cơ Tu thuộc xã Kà Dăng, huyện Hiên cũ (nay là huyện Nam Giang, Đông Giang). Do chiến tranh ác liệt nên nhiều lần bà con phải chạy xuống vùng Hà Tân, Thượng Đức (thuộc huyện Đại Lộc) để cư trú. Tháng 12.1998, UBND tỉnh sáp nhập làng Yều về xã Đại Lãnh (nay là xã Đại Hưng) để thuận tiện hơn cho đồng bào trong sinh hoạt cũng như phát triển về mọi mặt. Từ đó đến nay, làng Yều trở thành làng của cộng đồng người Cơ Tu duy nhất ở đồng bằng. Gọi là đồng bằng, nhưng thực chất vây quanh làng vẫn là trập trùng đồi núi. Người dân sống chủ yếu vẫn dựa vào rừng núi.

“Thứ duy nhất vẫn còn giữ được từ đó đến nay chính là tiếng mẹ đẻ, còn lại, hầu như đã mất” - già Vương nói. Những tập tục cũ như tết lúa mới, lễ cúng làng hay điệu tâng tung da dá nay hầu như đã không còn được thấy. Như kiểu nhập gia tùy tục, lối sống của người đồng bằng đã dần thấm sâu vào nếp sống của họ.

“Nói thế chứ cũng mấy chục năm trời, sống ở đâu thì theo lệ làng ở đó. Dù chẳng ai bắt buộc mình theo, nhưng dần dần, mọi thứ đều phải thay đổi theo quy luật của tự nhiên. Đó cũng là điều tất yếu” - già Vương trải dài giọng nói. Trên gương mặt trải đầy vết chân chim, đôi mắt vẫn sáng rực khi nhắc về những tâp tục xưa cũ, vẫn đau đáu nhớ về những lần vào rừng thăm bẫy, về men rượu cần nồng ấm bên bếp lửa hồng.
Dulichgo
Núi vẫn còn, nhưng thay vào những cây rừng tự nhiên là cây keo làm kinh tế. Sông Kôn vẫn ở trước mặt, nhưng thủy điện đã làm dòng trơ đáy. Con thú trên rừng, con cá dưới nước cũng chẳng còn. Và họ, phải sinh tồn dựa vào những gì đang có, là những rẫy keo, những loại cây ở trên bãi bồi phù sa. Những nếp sống xưa cũ nhường lối cho quy luật đồng hóa cộng đồng. “Nhiều khi, trai gái làng quen với người ở vùng núi khác như Đông Giang, Nam Giang vẫn phải về nhờ già làng đi hỏi vợ, hỏi chồng giùm. Lên đó, người ta nói lý, hát lý của người Cơ Tu thì mình chịu, không còn nhớ được nữa” - già Đinh Phe cười buồn.

Trong ký ức của già Phe, hồi còn trẻ vẫn theo cha ông đi xin vợ cho nhiều người trong làng. Ở đó, bên ché rượu cần, ít con cá niên và thịt heo giàn bếp, người Cơ Tu bắt đầu rỉ rả với nhau bằng lối hát lý, nói lý truyền thống. Vậy nhưng, trải qua hơn mấy chục năm ròng, giờ, những gì còn sót lại trong trí nhớ là những câu hát đứt gãy. “Không nhớ được nữa, làng cũng chẳng còn ai nhớ nên đành chịu. Cũng may là họ không bắt bẻ gì. Nhưng mình thấy buồn, vì cũng là người Cơ Tu, là lối nói chuyện truyền thống mà mình không nhớ, không nói được. Buồn chứ!” - già Phe nói.

Tôi hỏi già Phe rằng, có cách gì để giữ những văn hóa của tộc người mình không? Nhưng già chỉ hướng đôi mắt mờ đục về phía núi. Rồi cúi đầu. “Ngay cả đến bản thân mình còn không nhớ, lấy gì gìn giữ? Mà có muốn, e cũng khó. Lớp trẻ sau này, vốn quen với lối sống ở đồng bằng. Sinh ra, lớn lên chỉ được dạy mỗi tiếng mẹ đẻ để nhớ đến cái gốc. Mà tiếng nói giờ, cũng đã lai tạp, sử dụng nhiều từ ngữ phổ thông rồi, không còn nguyên bản nữa. Rồi đi học, và đi làm, tìm vào các nhà máy, khu công nghiệp làm ăn. Lo cho cuộc sống mưu sinh còn chưa đủ, lấy gì mà nhớ đến tập tục của mình nữa…” - già Phe nói.

Khó khăn chồng chất
Dulichgo
Làng Yều hiện có 55 hộ, với dân số 208 khẩu, thì có đến 42 hộ nghèo, 12 hộ cận nghèo. Thôn có tổng diện tích chừng 128ha, trong đó, đất lâm nghiệp 120ha, đất ở 4ha, đất màu 3,7ha. Mặc dù diện tích tự nhiên khá lớn nhưng do địa hình là đồi núi, độ dốc lớn nên sản xuất rất khó khăn bởi chỉ làm được rẫy, còn lại 3,7ha đất bằng dùng để sản xuất lương thực như cây bắp lai và cây đậu phụng.

Dẫn chúng tôi đi một vòng quanh làng, anh A Lăng Thuận (trưởng thôn Yều) phân trần rằng, do đất sản xuất ít, hầu như người dân ở đây chỉ trông chờ vào rẫy keo của mình. “Mà anh biết rồi đó, keo thì 4 - 5 năm mới thu hoạch được. Lúa thì nay được mai mất nên khó là chuyện đương nhiên.

Cũng vì thế, lứa thanh niên trong làng đến tuổi là cũng tìm cách thoát ly, không đi làm công nhân thì cũng tìm một nơi nào đó để kiếm tiền. Đừng nói giữ gìn văn hóa, bởi điều đó dường như quá xa xỉ. Lớn lên trong môi trường nào thì sống bằng lối sống đó. Đám cưới giờ thuê dàn nhạc về hát hò chứ chẳng ai đem trống, đem chiêng mà đánh, mà nhảy quanh gươl làng nữa” - anh Thuận nói, tay chỉ về gươl làng bỏ trống.

Nắng chênh chếch hắt vào những ngôi nhà đóng của im ỉm. Cả thôn lặng ngắt. Chỉ có nhóm trẻ cuối xóm, xì xào với nhau bằng tiếng mẹ đẻ rồi chỉ trỏ vào người lạ. Bà A Viết Thị Tính (48 tuổi) địu đứa cháu ra phía sau lưng bằng tấm vải đã sờn cũ – không phải là sản phẩm dệt thổ cẩm đặc trưng của đồng bào Cơ Tu nữa. Nhà của bà cũng giống như 55 hộ dân khác, được xây một khuôn mẫu giống nhau của khu tái định cư. Chỉ khác rằng, ở phía sau, bà vẫn dựng một mái chòi, giống như nhà sàn.
Dulichgo
Ở đó, có bếp lửa, có mớ củi đang hong khô trên giàn bếp. “Dệt thổ cẩm đã không còn từ lâu rồi. Khung dệt mục nát, làm củi cả. Có ai làm nữa đâu. Có tiền, ra chợ mua cái áo, cái quần mang được rồi, đỡ tốn công” - nói rồi bà Tính với tay lấy thêm ít củi đẩy vào bếp, hâm lại chút thức ăn cho đứa cháu ăn bữa chiều. Nhà có 3 người con thì 2 đứa đã đi làm công nhân ở Đà Nẵng. “Lâu lâu chúng nó về, cho ít tiền cải thiện bữa ăn. Còn lại, thì vẫn có gì dùng nấy. Rồi cũng qua ngày, như mấy chục năm nay vẫn vậy” - bà Tính nói.

Tôi lặp lại câu hỏi, rằng có nhớ những tập tục của mình? Có buồn không khi từng ngày chứng kiến những tập tục đó ngày càng mai một, mất hẳn đối với nhiều người của làng? Ngoại trừ những già làng, còn lại chỉ cười phân vân. Có lẽ, họ cũng chẳng nhớ những tập tục đó là gì. Buồn không ư? Khó kể. Bởi cơm áo, gạo tiền từng ngày vây lấy họ.

Và, trong suốt bao nhiêu năm qua họ vẫn tồn tại, vẫn sống mà không cần những tập tục ấy. “Cứ sống vậy thôi, chứ có muốn cũng chẳng thể làm gì khác. Hồi trước, huyện có hỗ trợ mua cho làng bộ chiêng, trống để đem ra đánh những dịp lễ. Nhưng ngay cả nhịp trống thế nào, đánh chiêng ra sao còn không nhớ thì làm gì? Giờ, cả làng chẳng ai đánh được tiếng trống cho đúng nhịp” - anh Thuận giải thích.

Có lẽ, với người dân làng Yều hiện tại, thì mục tiêu quan trọng nhất là làm thế nào để thoát cảnh nghèo khó. Theo ông Hà Xuân Minh - Chủ tịch UBND xã Đại Hưng, chính quyền huyện, xã đã và đang rất nỗ lực để hỗ trợ cho người dân làng Yều thoát nghèo. Tuy nhiên, điều đó không hề dễ dàng chút nào.
Dulichgo
“Hồi trước, để xây dựng nhà cho 35 hộ dân làng Yều di dời về làng hiện tại, huyện đã vận động từ nhiều nguồn để xây dựng khu tái định cư cho họ. Nhưng nay, đã có nhiều người tách ra gia đình riêng, thành 55 hộ nên thiếu đất sản xuất khá nhiều. Chúng tôi đã có tờ trình lên huyện xin nới rộng diện tích cho bà con làng Yều để họ có thêm sinh kế, cải thiện cuộc sống” - ông Minh cho hay.

Chiều, khi mặt trời dần khuất sau ngọn núi phía xa. Vài làn khói xanh bay lên từ những chái bếp được lợp tạm ở phía cuối làng. Giọng của già Alăng Vương đầy khắc khoải: “Giờ, chỉ mong được hỗ trợ giúp lớp con cháu thoát khỏi cảnh nghèo khó. Còn tập tục cũ ư? Khó quá mà. Khôi phục, tái hiện hay gì gì đi nữa mà không có người thì cũng chẳng để làm gì”.

Theo Nguyễn Dương (Báo Quảng Nam)
Du lịch, GO!