(BQN) - Sự mênh mông của biển khơi chừng như đã chạm tới nhịp sống thường nhật của cộng đồng cư dân Bãi Hương. Ở nơi đó, người với biển, đảo với người gần nhau như hơi thở.

1. Nửa buổi sáng, tôi theo Tuyết lên chân núi hái rau rừng. Mưa lất phất, những giọt nước đọng trên lá lắc lay lạnh. “Đừng với quá mà té đó anh!” - Tuyết dặn. Bên sườn núi này không gió nhưng nghe mồn một tiếng chim yến vọng từ hang sâu bên vách núi dựng phía đông.
Đã là rau rừng dĩ nhiên mọc hoang ở các chân núi, bờ khe, phiến đá và thơm đến lạ. “Rau Bãi Hương mà. Trên Bãi Làng có thơm rứa đâu, mà trên nớ còn chi để hái”. Thiệt, đâu phải ngẫu nhiên mà làng chài hoang sơ có gần 400 nhân khẩu này lại có tên Hương.

Trong bữa cơm trưa, chồng Tuyết tên Trần Minh Sỹ, sinh năm 1981 nhưng có vẻ già hơn tuổi, nói: hơi kỳ là chỉ thích mắm cái dầm ớt tỏi chấm đũa rau rừng luộc cho nó đượm, không nuốt liền, nhai từ từ như cách bà nội kể cho sắp nhỏ nghe sự tích miếu tổ nghề khai thác yến sào dưới bãi Hương này.

Sỹ ra biển từ 5 giờ đến 9 giờ sáng quay về, trúng cá liệt chỉ, bán liền 500 ngàn đồng rồi mang ít về nấu canh với khế chua. Trái khế đập dập chứ không xắt lát, vị chua lẫn vị cay của ớt xanh xua đi cái lạnh. Cuối bữa ăn, Sỹ bảo tôi nghỉ ngơi chút xíu rồi đi lặn.
Dulichgo
Sỹ chỉ tay ngoài cầu tàu Bãi Hương, phao khoanh một vùng mặt nước. Tôi sợ lạnh nhưng Sỹ bắt phải mặc đồ, đeo kính lặn. Đúng là sự kỳ diệu của tự nhiên, bên trên không khí lạnh nhưng dưới nước biển lại ấm, trong veo. “Em được đào tạo lặn biển mức độ 1 Open water diver đó anh. Mà tay kỹ sư Huỳnh Ngọc Diên của Bảo tồn biển giỏi thiệt, ổng với mấy chuyên gia biến em thành người giám sát rạn san hô. Làm việc dưới nước theo dõi san hô tăng trưởng và xác định vùng cho giống là Hục Nhàn và Hòn Lá, vùng nhận là Bãi Nần với loài san hô dạng phiến, dạng mảnh. Ở đây bà con hay gọi là san hô bánh tráng”.

Tôi ngoi lên mặt nước để… ngạc nhiên. Từ tháng 12.2013 đến giờ, đã có 2.000m2 rạn san hô được phục hồi với khoảng 2.400 tập đoàn được trồng do Chương trình rừng ngập mặn cho tương lai (MFF) và Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) hỗ trợ. “San hô mỗi ngày mỗi lớn nên bà con dưới này đã có một tour du lịch cộng đồng tại vùng rạn san hô thôn Bãi Hương đó anh” - Sỹ nói trong lúc tôi trố mắt để… nghe.

2. Ông Trần Hoàn - Tổ phó Tiểu khu đồng quản lý bảo tồn biển thôn Bãi Hương là người đầu tiên tham gia các hoạt động bảo tồn biển (từ năm 2003). Ông nói: “Lợi ích trước mắt là bảo vệ được rạn san hô, gìn giữ san hô nguyên vẹn thì mới có khách du lịch đến tắm, tham quan. Thứ hai là bảo vệ được nguồn lợi thủy sản, nếu không bảo vệ được nguồn lợi thủy sản, bà con mà đánh bắt hết thì du khách đến không còn để xem chứ chưa nói để dùng”.
Dulichgo
Thôn Bãi Hương xa trung tâm xã đảo Cù Lao Chàm hơn 5km về phía tây nam, dân sống bằng nghề khai thác thủy sản truyền thống với các phương tiện đánh bắt thô sơ. Năm 2011, UBND tỉnh quyết định giao 19,05km2 phần đảo và diện tích mặt nước biển để bà con trong thôn tự đứng ra quản lý và khai thác. “Rứa mới có Tiểu khu đồng quản lý bảo tồn biển thôn Bãi Hương ni, nằm trong phạm vi của Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm. Có vùng bảo vệ nghiêm ngặt là Hòn Tai, Bãi Tra, Bãi Nần; vùng phục hồi sinh thái là Hòn Lao - Hòn Tai; vùng phát triển du lịch là Rạn Mành, Bãi Hương; vùng phát triển cộng đồng và vùng khai thác hợp lý. Các vùng ni khi mô cũng được quản lý theo quy chế hết đó nghe” - ông Trần Hoàn nói.

3. Tôi lên tàu của Tổ tuần tra trên biển. Đó là chiếc tàu đánh bắt được cải hoán chừng chục năm. Sáu ngư dân thực thi nhiệm vụ tuần tra theo kế hoạch luân phiên, định kỳ hoặc đột xuất trong địa bàn vùng nước 19,05km2 được giao, họ phát hiện và xử lý hàng trăm trường hợp vi phạm mỗi năm về đánh bắt hải sản trong phạm vi quyền hạn cho phép. “Có đêm bắt giữ một tàu ở Bãi Nần, họ chống đối, chửi bới khiếp lắm; không có bộ đội biên phòng, công an thôn và Đội tuần tra của Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm thì khó mà làm” - ông Nguyễn Văn Quang - Tổ trưởng Tổ tuần tra cộng đồng thôn Bãi Hương nhớ lại.

Vừa tuần tra trên biển, 59 hộ khai thác hải sản trong thôn còn phải đăng ký ngành nghề khai thác thủy sản trên vùng này. “Tôi đăng ký một là lưới ba lớp, hai là nghề lưới bi, ba là nghề câu vàng. Ba nghề nớ tôi làm quanh đảo, sau núi chứ không hề đánh bắt trước bãi. Ngư dân vùng khác mà vào đây thì chỉ có làm chui thôi” - ngư dân Bùi Lô nói.
Dulichgo
Gương mặt ông Lô khiến tôi liên tưởng về cư dân Chàm từng cư trú ở đây mấy ngàn năm trước. Tròn, đậm và lành. Từ xưa đến nay, làm gì có chuyện người dân được ưu tiên khai thác trên một số vùng bờ mà các phương tiện ở địa phương khác bị hạn chế khai thác. Thêm nữa, ngư dân cũng sẽ không được đánh bắt tự do mà phải phối hợp bảo vệ các vùng ngư trường nhạy cảm với san hô, thảm cỏ biển,… Chuyện này là để duy trì sức khỏe, bảo tồn hệ sinh thái và phát triển sinh kế cho người dân. Ngư dân Bùi Lô nói thêm: “Thì rứa chớ răng, nhiều người trước đây không thấm, chừ mới thấy cái lợi lâu dài”.

4. Tôi nhớ, gặp Phạm Thị Mỹ Hương 10 năm trước, hồi cô làm hướng dẫn viên du lịch tại Cù Lao Chàm, chừ đã là Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hiệp, TP. Hội An.

Nói nhanh, cười tươi vì miệng có duyên, Mỹ Hương cho rằng mô hình cộng đồng cùng tham gia quản lý bảo tồn biển ở Việt Nam đến nay vẫn còn rất mới mẻ.  Bãi Hương là một trong những điểm sáng của sự đồng thuận, là cộng đồng đầu tiên được tỉnh giao quyền quản lý mặt nước biển. Nhờ đó mà giữ được làng nghề truyền thống, bảo tồn ngư trường đánh bắt cùng các giá trị đa dạng sinh học, xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.

“Hồi trước bà con cực lắm, chừ 101 hộ với 398 nhân khẩu thì đã có đến 70% số hộ làm dịch vụ du lịch. Từ homestay, nhà hàng, buôn bán hải sản cho tới thu hái rau rừng, nước lá lao, sản xuất các mặt hàng lưu niệm, chạy xe ôm. Tuy nhiên, trong khi cộng đồng Bãi Hương chung tay bảo vệ thì các phương tiện nơi khác lại đến khai thác quá mức. Đó là điều mà chúng tôi lo lắng” - Mỹ Hương nói.
Dulichgo
Thông tin đáng chú ý là thu nhập bình quân đầu người ở thôn Bãi Hương cuối năm ngoái đạt hơn 45 triệu đồng/năm; cuối năm 2018, lên đến 49,01 triệu đồng/năm. Thôn không còn hộ nghèo.
Ai bảo giấc mơ không có thực, ở nơi xa xôi, cách trở nhất của cụm đảo Cù Lao Chàm này.

Theo Quốc Hải (Báo Quảng Nam)
Du lịch, GO!

Bãi Hương Cù Lao Chàm là một bãi biển đẹp nằm về phía Tây Nam của Hòn Lao, Bãi Hương có hơn 100 hộ dân cư sinh sống, người dân ở đây chủ yếu sống bằng nghề chài lưới, khai thác hải sản. Làng chài - Bãi Hương có tên cổ là Làng Phú Hương, nơi đây vẫn còn lưu giữ gần như nguyên vẹn truyền thống nghề chài lưới của cư dân vùng biển Cù Lao Chàm.

Đến Bãi Hương du khách sẽ được đến thăm Miếu Tổ nghề Yến (Yến nghệ tổ miếu), miếu được xây dựng vào khoảng đầu thế kỷ XIX để thờ tổ nghề Yến và Thành Hoàng bổn xứ. Hằng năm, vào ngày 10/3 âm lịch cư dân ở đây tổ chức cúng rất linh đình để chuẩn bị bắt tay vào khai thác tổ Yến. Đây còn là Miếu tổ nghề Yến của 3 tỉnh xưa kia là Quảng Nam, Bình Định, Khánh Hoà.

Tại đây có dịch vụ home state, khách du lịch muốn ở lại đây có thể liên hệ để đặt trước sẽ được chuẩn bị chu đáo lều bạt ngủ qua đêm.