(ANTD) - Vào đúng đêm Rằm tháng Giêng âm lịch (tức Tết Nguyên tiêu) người dân trên cả nước sẽ được chiêm ngưỡng "siêu Trăng" dài và rõ nhất năm 2019. Sự kiện thiên văn đáng chú ý này được rất nhiều người chờ đón, bởi vào khoảng thời gian này, trăng tròn sẽ đạt cực đại và tiến gần tới vị trí cực cận - điểm gần Trái đất trên quỹ đạo. Và không riêng Việt Nam, mà các nước trên thế giới cũng sẽ được chứng kiến hiện tượng thiên văn đặc biệt này.
Theo các nhà khoa học, vào đêm 19-2-2019, trăng tròn sẽ đạt cực đại lúc 22h53’ (giờ Việt Nam). Trăng tròn trùng với khoảng thời gian nó tiến tới vị trí cực cận - điểm gần Trái đất trên quỹ đạo. Vì vậy, quan sát từ Trái đất, người xem sẽ thấy Mặt Trăng to và sáng hơn bình thường, nên gọi là "siêu Trăng".
Khi siêu Trăng diễn ra, Mặt Trăng sẽ xuất hiện ở phía đối diện Mặt Trời. Mặt Trăng lúc này phản xạ tối đa ánh sáng mặt trời về phía Trái đất.
Được biết, đây là lần thứ 2 trong 3 lần xuất hiện siêu Trăng của năm 2019. Lần đầu đã xuất hiện vào ngày 21-1, lần thứ 3 sẽ xuất hiện vào ngày 21-3-2019.
Điều đặc biệt, năm nay siêu Trăng xảy ra vào đúng Rằm Tháng Giêng – ngày Trăng tròn đầu tiên của năm mới. Vì vậy, đối với người Việt Nam, đêm Trăng đầu tiên còn mang nhiều ý nghĩa trong văn hóa tín ngưỡng của người Việt. Đêm nay sẽ là đêm Rằm tháng Giêng sáng nhất trong vài năm trở lại đây.
Siêu Trăng có tác động như thế nào?
Vào thời điểm xảy ra siêu Trăng, lực thủy triều tác động bởi siêu Trăng tại điểm cận địa lên các đại dương sẽ mạnh hơn một chút so với dịp Trăng tròn hay Trăng mới bình thường, nhưng vì trọng lực tương đối yếu, cho nên chỉ khiến thủy triều dâng thêm từ 2 đến 5 cm.
Siêu Trăng xảy ra khi Mặt Trăng về điểm cận địa hoặc trong khoảng 90% điểm cận địa với Trái đất. Khi đó Mặt Trăng sẽ phản xạ tối đa ánh sáng Mặt Trời về phía Trái đất. Quan sát từ Trái đất, Mặt Trăng to hơn và sáng hơn những lần Trăng tròn khác.
Làm sao để quan sát siêu Trăng rõ nhất?
Thời tiết đêm nay sẽ rất thuận lợi để người dân cả nước ngắm siêu Trăng, khi hầu hết các khu vực trong cả nước, ban ngày trời nắng, đêm không mưa, nơi nào ở Việt Nam cũng có thể xem được hiện tượng siêu Trăng thú vị này.
Rất khó để phân biệt siêu Mặt Trăng và Trăng tròn thông thường do siêu Trăng chỉ lớn hơn 14% và sáng hơn 30% so với Trăng tròn thông thường. Thời điểm lý tưởng để chiêm ngưỡng hiện tượng thiên văn kỳ bí này là khi Mặt Trăng mọc thấp, gần đường chân trời.
Để có thể theo dõi được hiện tượng thiên văn kỳ thú này, chúng ta cần chọn địa điểm thoáng đãng, ít mây, ít ánh đèn, không mưa để ngắm nhìn. Một số điều cần lưu ý cụ thể như sau:
- Chọn chỗ tối, tránh ánh sáng nhân tạo, ánh sáng trắng trong khoảng 20 phút để mắt có thể hoàn toàn thích nghi và chiêm ngưỡng được toàn cảnh hiện tượng.
- Chọn một nơi trên bờ biển để có cơ hội ngắm siêu Trăng đi lên từ phía đường chân trời.
- Giống như ở biển, việc ngắm Trăng dần lên sau rặng núi cũng là một ý tưởng hay. Hoặc đơn giản, bạn có thể chọn nơi có biểu tượng kiến trúc đẹp với một góc chụp siêu Trăng của riêng mình.
Những điểm nhiều mây mù sẽ khó có thể quan sát toàn bộ diễn biến hiện tượng hơn.
Theo Nguyễn Thủy (An Ninh Thủ Đô)
Du lịch, GO!
0 Comments
Đăng nhận xét
Du lịch, GO! là một blog quảng bá du lịch trong nước với tiêu chí chia sẻ thông tin, bất vụ lợi - Bạn có thể nhận xét, bổ sung hay yêu cầu hướng dẫn liên quan đến bài viết mà không cần đăng ký. Bạn cũng có thể yêu cầu xoá bài, sửa đổi, phê phán.... bất kỳ.
Tuy nhiên, rất mong bà kon không post link quảng cáo vào đây vì mình sẽ xoá thẳng, xin thông cảm vì Dũng này chỉ muốn an toàn cho mọi người.