(TH) - Đã từ lâu, chợ phiên Tả Sìn Thàng là một nét sinh hoạt văn hóa không thể thiếu của nhân dân cụm xã phía Bắc ở huyện vùng cao Tủa Chùa. Ngoài mục đích mua bán, trao đổi hàng hóa, chợ phiên còn là nơi để gặp gỡ, giao lưu văn hóa và là nơi để các chàng trai, thiếu nữ khi đến tuổi cập kê kết bạn giao duyên. Ai đã từng một lần ghé thăm, hẳn sẽ không thể quên được nét đặc sắc của phiên chợ nơi đây.

Tả Sìn Thàng là một xã vùng cao, vùng xa của huyện Tủa Chùa. Chợ phiên Tả Sìn Thàng là 1 trong 2 phiên chợ lùi độc đáo ở đây. 6 ngày 1 phiên, chợ thường họp vào ngày Tý và ngày Hợi. Đến hẹn lại lên, để đến được chợ, khi những con chim rừng còn chưa cất tiếng hót, những giọt sương mai vẫn còn đọng trên lá và mặt trời còn đang lẩn khuất sau lưng núi, thì những người dân các xã: Sín Chải, Trung Thu, Tả Phìn, Tả Sìn Thàng và Lao Xả Phình thuộc 5 xã phía Bắc huyện Tủa Chùa đã tất bật chuẩn bị xuống chợ.

Men theo những con đường mòn lẫn giữa rừng đá tai mèo, hay trên những còn đường dải nhựa uốn lượn bên sườn núi xúng xính xuống chợ từ tinh mơ. Trong làn sương mờ của buổi sớm, chợ phiên Tả Sìn Thàng đã rất đông người tập trung.

Những chàng trai, cô gái đã kịp nhận ra nhau; những lu cở gùi đầy hàng hóa đã được đặt xuống để bày bán. Hàng hóa được bày bán đơn giản trên tàu lá chuối rừng, hoặc tấm vải mưa; những con lợn, con dê được cột quanh gốc cây; những con gà hay những bó rau, quả bí được bà con cần trên tay đứng bán ngay trong chợ.
Dulichgo
Chợ Tả Sìn Thàng vẫn còn lưu giữ được nhiều nét độc đáo của chợ phiên vùng cao, với trang phục rực rỡ của bà con dân tộc, các sản phẩm bày bán phần lớn là các mặt hàng nông sản thực phẩm của địa phương như hoa quả, rau măng, khoai, sắn, gạo, nấm hương, mộc nhĩ, măng rừng, cá suối, lợn, gà… Ngoài ra, còn có các mặt hàng thổ cẩm truyền thống, các loại chỉ màu, phẩm nhuộm và các sản phẩm được làm từ thứ vải dệt rất bền và đẹp. Một nét đặc sắc nữa của người dân tộc Mông ở Tủa Chùa là rượu Mông Pê. Được chưng cất từ hạt ngô ủ men bằng lá rừng nên rất thơm và ngon nổi tiếng. Ngoài rượu Mông Pê, thịt dê và chè Shan Tuyết cũng là hai đặc sản nổi tiếng ở Tả Sìn Thàng.

Nơi đây được xem như bức tranh sống động nhất về trang phục đặc sắc của các dân tộc, bởi sự đa sắc của những chiếc váy xòe người Mông, bởi màu đỏ của dân tộc Mông đỏ, màu trắng của dân tộc Mông trắng, khăn áo ngũ sắc truyền thống của người Dao, cùng với những chiếc thắt lưng điệu đà, áo màu xanh lá cây, giày khâu màu đỏ của người Xạ Phang,... Tất cả đã tạo nên một bức tranh đầy màu sắc vô cùng đẹp mắt. Không chỉ vậy, từng nét hoa văn, họa tiết trang trí trên trang phục của đồng bào dân tộc ở đây vô cùng tinh xảo, cầu kỳ, màu sắc kết hợp hài hòa tạo nét riêng cho mỗi dân tộc.
Dulichgo
Bên cạnh đó, chợ Tả Sìn Thàng còn là nơi hẹn hò gặp gỡ của biết bao chàng trai cô gái người dân tộc. Qua tiếng khèn, tiếng tiêu, kèn môi, kèn lá, qua những bát rượu Mông Pê ướp men lá rừng, qua chén trà Shan Tuyết hương thơm ngào ngạt… rất nhiều người trong số họ đã nên vợ thành chồng.

Với người vùng cao, đi chợ phiên là thói quen và nếp sinh hoạt không thể thiếu trong đời sống. Người đến chợ cũng đa dạng, đủ mọi thành phần dân tộc, ở nhiều lứa tuổi khách nhau, từ những em bé chỉ vài tháng tuổi say sưa ngủ trên lưng mẹ, đến những cụ già lưng đã còng, tóc bạc trắng.

Gia đình nào sản xuất, chăn nuôi được sản vật gì thì mang sản vật đó xuống chợ bán. Từ những tấm áo, tấm khăn thổ cẩm; rượu mông pê hay những loại nông cụ sản xuất, gia cầm, gia súc tự gieo trồng, tự chăn nuôi đến những loại rau củ được trồng trên nương, thu hái từ rừng xuống đều trở thành hàng hóa tại chợ phiên.

Người dân coi đây là mặt hàng để trao đổi, để làm quen với nhau nên tại chợ phiên Tả Sìn Thàng, người bán không nói thách, người mua cũng không trả giá, thuận mua, vừa bán.
Dulichgo
Nhiều thế hệ đồng bào người Mông, người Dao, người Xạ Phang sinh ra, trưởng thành trên cao nguyên đá tai mèo Tả Sìn Thàng, nhưng cũng không ai biết chợ phiên được hình thành tự bao giờ. Những bậc cao niên nhất ở đây đều nói: Ngay từ khi được sinh ra, đã được nghe ông bà mình kể về những phiên chợ, để rồi tuần nào họ cũng háo hức chờ ngày phiên chợ họp để xuống chợ. Chợ phiên Tả Sìn Thàng chính là bức tranh thu nhỏ, thể hiện những nét văn hóa truyền thống độc đáo của cộng đồng người dân các xã phía Bắc ở huyện Tủa Chùa. Dù cuộc sống ngày càng phát triển nhưng chợ phiên Tả Sìn Thàng vẫn giữ được sự độc đáo riêng biệt. Người dân coi phiên chợ như một điểm vui chơi, nên đã thu hút được đông đảo du khách đến tìm hiểu, để được hòa mình vào không gian đặc sắc ấy.
Dulichgo
Chợ phiên tan, dù đã quen từ lâu hay chỉ mới gặp thì những người đến chơi chợ đều hẹn phiên chợ tới gặp lại. Những hình ảnh rất dễ bắt gặp trên những tuyến đường từ chợ trở về các thôn, bản vùng cao đó là cảnh người phụ nữ cầm ô che cho chồng nằm ngủ ngay vệ đường.

Họ không lấy đó làm buồn, vì chồng có quá chén, cũng chỉ vì được gặp nhiều bạn, được quý mến nên mới say. Chợ phiên Tả Sìn Thàng, dù chỉ đến một lần nhưng bạn sẽ cảm nhận được nét văn hóa mang đậm bản sắc của đồng bào vùng cao, cảm nhận được tình người, qua sự giao lưu nồng ấm và sẽ nhớ mãi không khí chợ phiên nơi cao nguyên đá Tả Sìn Thàng.

Du lịch, GO! tổng hợp từ Điện Biên TV