(PTT) - Nhiều hành động vô ý thức hay vi phạm Luật Giao thông như nằm ra giữa đường, ngủ sát bên đường quốc lộ, phóng nhanh vượt ẩu, dàn hàng ngang, rú ga, vứt rác bừa bãi… dường như đã làm méo mó, xấu xí hình ảnh của “phượt thủ” vốn là niềm tự hào của giới trẻ Việt.

Trước đây, danh xưng “phượt thủ” từng là niềm tự hào của những người đam mê xê dịch, trải nghiệm mạo hiểm. “Phượt thủ” là hình ảnh đẹp gắn với những con người dám dấn thân, giản dị và gần gũi. Loại hình du lịch này cuốn hút giới trẻ bởi đây là một hình thức du lịch khám phá, bạn có thể đến bất kỳ nơi đâu, có điều kiện trải nghiệm những vùng đất, những phong tục và con người mới đầy thú vị.

Tuy nhiên, còn có bộ phận không nhỏ những người hiểu sai về “phượt”. Trào lưu “phượt” rộ lên một cách nhanh chóng. Các nhóm bạn trẻ chỉ cần đi du lịch bụi ra khỏi nơi ở, rủ nhau vi vu cuối tuần bằng xe máy cũng tự nhận mình là “phượt thủ”. Khách du lịch tự túc từ nơi khác đến cũng được mặc định là “phượt thủ”... Thời gian gần đây có rất nhiều hình ảnh xấu xí khiến hình ảnh “phượt thủ” trở nên méo mó, xấu xí, bị hiểu theo nghĩa tiêu cực. “Dân mạng dậy sóng với đoàn phượt thủ”, “phượt thủ thiếu ý thức”, “phượt thủ phá hoại”… là những kết quả dễ dàng tìm thấy nhất trên các trang báo điện tử, mạng xã hội, blog hay diễn đàn sau mỗi đợt nghỉ lễ dài ngày.
Dulichgo
Mới đây, trên mạng xã hội xuất hiện đoạn clip ghi lại cảnh 4 thanh niên (được cho là “phượt thủ”) tự ý đứng giữa ngã tư ngăn các dòng xe để đoàn “phượt” đi qua. Hành vi tùy tiện, tự phát này đã gây cản trở giao thông tại khu vực, khiến người dân bức xúc. Sự việc trên diễn ra tại ngã tư Lê Hồng Phong - Hùng Vương (phường Vị Hoàng, TP Nam Định) vào thời điểm lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) chưa bắt đầu ca trực. Được biết, sau khi nhận được phản ánh, Đội CSGT và trật tự - Công an TP Nam Định đã tiến hành truy tìm, xác minh danh tính các thành viên của đoàn xe vô trật tự này.

Đại diện Đội CSGT và trật tự cũng khẳng định, hành vi chặn đường của 4 đối tượng để đoàn xe di chuyển là vi phạm pháp luật. Bởi chỉ có lực lượng CSGT, Thanh tra giao thông và những lực lượng được giao nhiệm vụ mới có thẩm quyền điều tiết, phân luồng giao thông. Bên cạnh đó, chỉ những loại phương tiện được ưu tiên theo quy định của Luật Giao thông đường bộ như xe cấp cứu, xe chữa cháy đi làm nhiệm vụ, xe quân sự, xe công an đi làm nhiệm vụ khẩn cấp, xe hộ đê, đoàn xe tang... mới được ưu tiên khi di chuyển.

Ngoài vụ việc mới nhất ở Nam Định, không khó để thấy thêm những hình ảnh xấu xí khác. Hình ảnh những đoàn xe “phượt” rú còi, kéo ga ầm ĩ trên đường, ngang nhiên phá hoại cảnh quan, xả rác bừa bãi, vi phạm Luật Giao thông, thậm chí có những lời lẽ không hay với dân địa phương… không còn là lạ lẫm.

Đơn cử như câu chuyện nhóm “phượt thủ” 28 người đã có lời lẽ vu khống bà cụ chủ quán nước đã gần 70 tuổi ở Cà Mau gây bức xúc trong cộng đồng mạng, diễn ra vào tháng 4-2018. Các thành viên trong nhóm “phượt” đã đăng bài “tố” quán nước chặt chém, bị hét giá 50.000 đồng một chiếc võng và 175.000 đồng tiền nước uống. Sau khi nhận sự chỉ trích gay gắt từ nhiều phía, đại diện của nhóm “phượt thủ” đã đến trực tiếp xin lỗi bà chủ.
Dulichgo
Sau đó không lâu, vào dịp lễ 30-4 và 1-5, cộng đồng mạng lại dậy sóng với hình ảnh một nhóm “phượt thủ” dừng xe, trải bạt ngủ ngay trên đèo Tà Pao (nối Bình Thuận với Đà Lạt). Hành động thách thức “thần chết” này không chỉ gây bức xúc cho nhiều người mà họ còn nhận vô vàn những lời miệt thị từ cộng đồng mạng. Nhóm “phượt thủ” trên không những đã gây cản trở giao thông, mà hành vi nằm ngủ luôn ngay trên lòng đường rất có thể là nguyên nhân gây tai nạn khi có chiếc xe nào đó vào cua với tốc độ cao.

Trước đó, vào tháng 3-2018, một câu chuyện khác gây chú ý khi clip hai nữ “phượt thủ” vô tư ăn nho trên giàn được tung lên mạng. Điều đáng nói, chính hai cô gái này đã quay lại clip với mục đích tố chủ vườn Ninh Thuận chặt chém khách khiến nhiều người bất bình. Đến cuối tháng 5-2018, một clip khoe “chiến tích ăn uống” tại thung lũng mận Nà Ka, xã Tân Lập (Mộc Châu, Sơn La) tiếp tục được tung lên. Nữ “phượt thủ” - chủ nhân của clip làm dậy sóng cộng đồng mạng vì có hành động lãng phí khi cắn trực tiếp mận trên cây, mỗi trái chỉ cắn một miếng nhỏ rồi vứt bỏ khiến nhiều cư dân mạng lên tiếng chỉ trích, cho “ăn gạch đá”.

Ngay cả vấn đề xả rác tại các điểm du lịch, trên đỉnh núi, đa phần là những tụ điểm dành cho dân “phượt” cũng là vấn đề nhức nhối xảy ra liên tục. Tình trạng rác tràn lan trên đỉnh Bà Đen, Tây Ninh là một ví dụ điển hình. Nhiều người chia sẻ hình ảnh lên các nhóm “phượt thủ” với lời nhắn nhủ các nhóm leo núi nếu mang theo đồ ăn, thức uống thì đừng quên mang theo rác xuống núi, nhưng mọi chuyện vẫn đâu vào đấy. Rác trên núi đa phần đều là thức ăn thừa, chai nước, lon bia, túi nilon…
Dulichgo
Dường như hiện nay chúng ta đang thiếu một hệ quy chiếu để định hình “phượt thủ” là gì, quy tắc tối thiểu mà mỗi người cần phải nhớ trước khi xách balô lên và đi. Dần dần, những hình ảnh này đã làm xấu đi bộ mặt của cộng đồng những người mê “phượt” chân chính, cứ nhắc tới “phượt thủ”, ai ai cũng lên tiếng chỉ trích và đánh giá tiêu cực.

Bản chất của việc các bạn trẻ chịu dấn thân đi du lịch thật đáng khuyến khích. Tuy nhiên, đi như thế nào, tìm hiểu điều gì và ứng xử ra sao với văn hóa, môi trường và cuộc sống của người dân nơi mình đến mới là những điều mà một người có văn hóa phải suy nghĩ đến.

Những câu chuyện xấu xí kể trên không phải là đại diện cho những “phượt thủ” có trách nhiệm với cộng đồng. Vẫn còn đó rất nhiều bạn trẻ hành xử văn minh. Họ luôn tìm hiểu mọi thứ để biết bảo vệ mình và mọi người trên đường đi, họ khám phá những điều mới mẻ một cách đầy văn hóa chứ không chỉ biết đi và… phá.

Tết và mùa hội hè sắp đến, nhiều bạn trẻ đang âm thầm chuẩn bị cho những chuyến đi xa. Đi du lịch dưới bất ký hình thức nào để trải nghiệm đều là một việc rất tốt, nhưng tốt hơn cả chính là cố gắng trở thành một “phượt thủ” biết tôn trọng pháp luật và ứng xử văn minh, để lại những dấu ấn đẹp trên mọi điểm đến của mình.
Dulichgo
“Phượt” là một hình thức du lịch, nhưng không chỉ đơn thuần là du lịch, bởi “phượt thủ” sẽ tự chọn cho mình phương tiện và lộ trình riêng, thời gian, không hạn chế, có cơ hội khám phá những địa điểm mới lạ, thậm chí chưa có trên bản đồ du lịch. Đi để trải nghiệm là một việc rất tốt, nhưng tốt hơn cả chính là cố gắng trở thành một “phượt thủ” biết tôn trọng pháp luật và ứng xử văn minh, để lại những dấu ấn đẹp trên mọi điểm đến của mình.

Theo Trúc Lâm (Petrolimex)
Du lịch, GO!