(BQN) - Đã từ lâu, người dân thôn An Vĩnh, xã Tịnh Kỳ (TP. Quảng Ngãi) đã gọi ngôi miếu thiêng thờ cá Ông bên mép biển là miếu Ông Hoàng Sa.

Bởi trong miếu có thờ xương đầu cá voi khổng lồ mà xưa kia bà con ngư dân ra quần đảo Hoàng Sa đánh cá phát hiện và rước Ông về lập miếu để thờ và cầu mong được phù hộ độ trì biển yên gió lặng, tôm cá đầy khoang...

Ngôi miếu nhỏ qua nhiều đời là nơi gắn kết cộng đồng của cư dân nơi đất liền với đảo Lý Sơn, là minh chứng về quần đảo Hoàng Sa là của Việt Nam...

Rước Ông từ Hoàng Sa

Chiều cuối năm, tôi theo ông Bùi Ngọc Xô, Trưởng ban công tác Dân vận thôn An Vĩnh vòng qua xóm nhà rồi quay ra mép biển, nơi có miếu Ông Hoàng Sa. Bên mép biển, ngôi miếu đơn sơ, cạnh đó là cây bàng xanh ngắt, phía xa hơn thấp thoáng những con tàu.
Dulichgo
Bên trong ngôi miếu có ba gian, trong đó gian chính giữa thờ cá Ông và hai bên thờ các bậc tiền hiền. Phía sau là xương đầu cá Ông được phủ bằng lụa đỏ. Thắp nén hương thơm trên bàn thờ, ông Xô thong thả kể: Các thế hệ, đời nối đời truyền lại: Ngày xưa, bà con An Vĩnh dùng ghe bầu ra quần đảo Hoàng Sa đánh cá và thu lượm sản vật. Rồi trong những chuyến đi đó, dân chài thấy Ông lụy trên đảo. Ông thì lớn mà thuyền bè thì quá nhỏ, nên dân chài bàn với nhau, thôi thì bày cỗ khấn vái, xin Ông cho rước chiếc đầu về để thờ.

Chuyến trở về từ Hoàng Sa lúc bấy giờ, trời sấm giông chớp giật, nhưng nơi đội ghe bầu rước Ông đi qua, sóng yên biển lặng đến lạ thường. Trong đất liền, nhận được tin báo, bà con làng An Vĩnh vội dựng rạp, che chòi để rước Ông lên bờ, rồi tổ chức cúng kiếng, táng Ông ở khu vườn Đồn, rồi sau đó đóng góp tiền xây miếu, bốc cốt lên để thờ Ông.

Nhiều ngư dân cho rằng, cũng nhờ cá Ông phù hộ nên mình được thoát hiểm. Cụ  Trần Niên ở làng An Vĩnh từng kể cho chúng tôi nghe: "Không có Ông cứu thì thân xác tôi đã làm mồi cho cá rồi". Bởi ngày xưa, cá mập vào đến tận vùng biển Tịnh Kỳ, nên dân làng nơi đây cũng sắm lưới, làm lao để hành nghề câu cá mập. Rồi một chuyến đi săn, cụ Trần Niên lỡ trượt chân rớt xuống biển, cá mập bơi tới ngoạm lấy chân cụ. Máu loang ra biển, bầy cá mập thấy vậy hung hãn bơi tới để tranh mồi. Nhưng từ đằng xa, đã thấy Ông xuất hiện với cột nước cao. Bầy cá mập vội vàng trốn đi nơi khác.
Dulichgo
Cũng nhờ có Ông phù hộ nên nhiều người như ông Tiều Quá, ông Nguyễn Ngôn ra khơi trời giông gió thuyền bị lật, cứ nghĩ mình phen này bỏ mạng nơi biển khơi, nhưng rồi cá Ông xuất hiện đưa vào bờ biển Nghĩa An.

Vì lẽ đó, nên từ lâu dân làng An Vĩnh mỗi khi ra khơi thường vào trong miếu thắp hương khấn vái Ông phù hộ ra khơi biển yên sóng lặng, đánh bắt tôm cá đầy khoang. Rồi hằng năm đến ngày 16.3 âm lịch, cả làng lại cùng nhau tề tựu về đình An Vĩnh, ra miếu Ông Hoàng Sa làm lễ cúng Ông.

Di tích Hoàng Sa

Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ- Hiệu trưởng Trường Đại học Phạm Văn Đồng là người bỏ nhiều công sức để nghiên cứu về Hoàng Sa. Ông Vũ cho hay: Di tích về đội Hoàng Sa trong đất liền bao gồm khu vườn Đồn là nơi đội Hoàng Sa đóng doanh trại, đình An Vĩnh là nơi xuất hành và cũng là nơi trở về của đội Hoàng Sa. Riêng miếu Hoàng Sa là nơi các hùng binh làm nơi tế lễ trước khi lên đường làm nhiệm vụ. Rồi theo tháng năm, đình An Vĩnh bị hư hỏng, di tích vườn Đồn cũng không còn.
Dulichgo
Cụ Nguyễn Lung, Trưởng ban vạn làng An Vĩnh, nhà ở gần Nhà văn hóa thôn An Vĩnh kể: Hồi trước miếu thờ Ông Hoàng Sa xây gạch, cột bằng gỗ mít, mái lợp ngói âm dương. Theo tháng năm, miếu xưa bị hư hỏng, nên đến năm 2007, thông qua dự án Bảo tồn và tôn tạo di tích đội Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa, nên miếu Ông được tu sửa, tôn tạo trở lại. Tuy vậy, miếu thờ bây giờ nhỏ hơn trước rất nhiều. Rồi cũng theo thời gian, phía trước miếu bị xói lở, năm 2014, cụ Lung cùng các ông Trương Hùng, Võ Đức Cường, Đỗ Quây, Võ Dự, Trần Thanh... vận động bà con đóng góp 70 triệu đồng để kè phía trước miếu thờ, nhằm hạn chế xói lở.

 Về làng An Vĩnh, sau khi thắp hương ở miếu Ông Hoàng Sa, đi dọc thôn, nhiều bậc cao niên cho hay: Những năm gần đây, có một số người dân qua gia phả đã tìm về các họ tộc ở làng An Vĩnh để ăn giỗ. Bởi xưa kia, một số vùng nay thuộc xã Bình Châu (Bình Sơn) và Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi) còn gọi là vùng Ba Làng An (gồm các làng An Hải, An Kỳ và An Vĩnh).

Còn theo Địa chí Quảng Ngãi thì từ cuối thế kỷ XVI đến đầu thế kỷ XVII, dưới thời vua Lê Trung Hưng và các vua chúa triều Nguyễn, cư dân Việt từ trong đất liền, mà chủ yếu là vùng Ba Làng An ra đảo Lý Sơn lập nghiệp. Họ đã mang tên gọi bản quán của mình ra đảo lập nên phường An Hải và phường An Vĩnh rồi tham gia vào đội Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa để bảo vệ chủ quyền biển đảo. Và như thế, di tích về đội Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa không chỉ ở huyện đảo Lý Sơn ngày nay, mà cả trong đất liền, nên rất cần có kế hoạch nghiên cứu, bảo vệ, tôn tạo miếu Ông Hoàng Sa, đình An Vĩnh ở xã Tịnh Kỳ.Dulichgo

Một điều khá thú vị là, miếu Ông Hoàng Sa rất gần với thắng cảnh Thạch cơ điếu tẩu (tức ông câu trên ghềnh đá) là một trong thập nhị thắng cảnh của Quảng Ngãi. Ở nơi này có một vết lõm trên đá nhìn như dấu bàn chân, nên gọi là bàn chân ông khổng lồ và ngoài mép nước có tảng đá đen trông như ông ngồi câu giữa dòng nước. Những năm gần đây, thắng cảnh Thạch cơ điếu tẩu thu hút rất nhiều khách tham quan, trong đó có miếu Ông Hoàng Sa- một di tích gắn với lịch sử chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Theo Cẩm Thư (Báo Quảng Ngãi)
Du lịch, GO!