(MTO) - Đến Huế thương nghe câu hò trên sông Hương, nghe nhã nhạc rồi thăm cố đô, thăm các lăng mộ của nhiều triều đại vua chúa. Xứ Huế là kinh đô xưa của đất Việt, bởi vậy những nét văn hóa đậm chất dân tộc còn được lưu truyền ở nơi đây. Có một làng nghề mang tên Thủy Xuân còn lưu giữ cả hồn Việt. Nơi đây là làng hương, nghe tên thôi cũng đủ thấy ấm lòng.
Cách trung tâm thành phố Huế độ chừng 7km về phía Tây Nam, làng hương Thủy Xuân nằm ngay trên đường Huyền Trân Công Chúa. Nơi đây là mảnh đất nằm ngay dưới chân đồi Vọng Cảnh, nằm bên cạnh dòng sông Hương hiền hòa thơ mộng. Vừa bước đến đầu làng, chưa thấy hương đâu đã kịp nghe thơm nức mũi, gợi nhớ cho ta những khoảnh khắc an yên quây quần bên gia đình, gợi cho ta ngày lễ tết nô nức sum vầy, tự nhiên tâm trạng cũng trở nên háo hức được tham quan làng nghề hơn hẳn.
Đã thấy được những bó hương đầu tiên, ai nấy đều vỡ òa trước cảnh “hoa” hương đang bung xòe với nhiều màu sắc rự rỡ. Những tay nhiếp ảnh như bị thôi miên trước vẻ đẹp dung dị mà thuần Việt này, bất giác không kìm được lòng mà đưa tay bấm máy liên tục không ngừng nghỉ.
Dulichgo
Ở làng Thủy Xuân này người người làm hương, nhà nhà làm hương. Nghề truyền thống của ông cha để lại đã ăn sâu vào máu thịt người dân làng Thủy Xuân rồii. Họ làm hương với niềm say mê, trân quý. Sáng sáng khi nắng chưa kịp đổi màu, người ta đã sắp hương ra giữa trời đem phơi, làm rực rỡ cả con đường Huyền Trân Công Chúa.
Người làng Thủy Xuân đã quá am hiểu đời sống tâm linh của người dân xứ Huế. Dân nơi đây chủ yếu thờ Phật, không thờ Phật cũng thờ ông bà, cha mẹ như đạo làm con kính cẩn với cội nguồn. Cứ ngày rằm, lễ tết, khắp nơi lại phảng phất mùi hương trầm thơm nức. Chưa kể người dân Huế còn có thói quen mỗi ngày khi trời sập tối lại thắp nén nhang tưởng nhớ ông bà, cha mẹ, vừa để cho ấm nhà. Thế nên hương là thứ không thể thiếu trong đời sống tâm linh của người dân nơi đây.
Những năm gần đây du lịch trên đà phát triển, Huế mộng mơ nườm nượp đón nhiều đoàn khách từ trong nước đến quốc tế. Họ thăm quan Huế, thăm quan đồi Vọng Cảnh, lăng Tự Đức đều không quên ghé làng hương Thủy Xuân bởi làng nghề đây nằm ngay cửa ngỏ đến hai địa điểm thăm quan hút khách này.
Dulichgo
Người làng hương Thủy Xuân không được đào tạo qua để trở thành làng nghề du lịch. Chính người dân nơi đây đã tự dùng sự chân chất, ngọt ngào của mình để nói chuyện với khách, giới thiệu với khách về đặc điểm của làng nghề chân quê.
Họ lưu giữ cách làm hương truyền thống thay vì máy se hương để lưu đậm hơn nét truyền thống và nghệ thuật làm hương. Tuy ít nhiều có sự vất vả, nhưng vì cách làm hương độc đáo này lại khiến khách du lịch thích mê.
Những que hương được làm từ tre vót rồi buộc thành bó, chờ se hương.
Trên bàn hương, những bột hương được trộn nhào chờ sẵn. Nghệ nhân làm hương dùng bai gỗ đưa tay thoăn thoắt lăn hương, thật chặt, thật mịn. Từng que hương trầm dần được hình thành từ công đoạn thú vị ấy.
Hương se xong được người dân đưa đi phơi nắng. Nghề làm hương này chỉ trông trời thương cho đợt nắng to, nắng càng to hương càng mau khô và giữ được hương thơm lâu. Hôm nào trời đổ mưa là hôm đó cả làng buồn, chỉ mong trời lại mau nắng.
Dulichgo
Người làng Thủy Xuân cũng nhanh nhạy với việc thu hút khách du lịch bằng chính nghề truyền thống của làng mình. Ngày xưa, hương chỉ có hai màu nâu và đỏ. Nay họ tìm cách nhuộm nhiều màu cho hương thêm phong phú và bắt mắt. Những cây hương rực rỡ đem phơi trước sân nhà, làm khách ghé thăm nhìn thấy đã đủ say lòng.
Đến làng hương Thủy Xuân, du khách còn được tự tay tham gia vào quá trình làm hương đầy thú vị.
Dưới sự chỉ dẫn tận tình của các nghệ nhân, khách du lịch được tự tay thử sức mình để làm ra những que hương trầm thơm ngát. Đa số du khách đã thử làm nghệ nhân hương đều thích thú và cảm thấy cách làm ra một que hương thật tuyệt. Dần dà, làng hương Thủy Xuân trở thành một làng nghề thu hút nhiều khách du lịch ghé thăm và người dân ở làng Thủy Xuân cũng trở thành những hướng dẫn viên tận tâm tận lực.
Họ còn chủ động đưa thêm các đồ lưu niệm về Huế để trưng bày và bán bên cạnh việc hướng dẫn cho du khách cách làm hương. Việc làm hương cho du khách hiểu được cầm một que hương nhỏ bé trên tay cũng lắm nhọc nhằn và vất vả. Càng thêm kính trọng những nghệ nhân đang lưu giữ hồn Việt này.
Dulichgo
Hương từ lâu đã trở thành một nét đẹp văn hóa của người Việt. Việc lưu trữ làng nghề truyền thống làm hương là lưu trữ đời sống tâm linh phong phú của dân tộc ta. Thể hiện sự yêu quê hương, yêu đất nước, nhớ nguồn cội có truyền thống của dân tộc ta. Những làng nghề truyền thống lưu giữ hồn Việt như làng hương Thủy Xuân cần được quan tâm và tạo điều kiện hơn nữa để bà con nơi đây tiếp tục phát triển công việc đáng trân qúy này.
Theo Huyền Vịt - Mytour.vn
Du lịch, GO!
0 Comments
Đăng nhận xét
Du lịch, GO! là một blog quảng bá du lịch trong nước với tiêu chí chia sẻ thông tin, bất vụ lợi - Bạn có thể nhận xét, bổ sung hay yêu cầu hướng dẫn liên quan đến bài viết mà không cần đăng ký. Bạn cũng có thể yêu cầu xoá bài, sửa đổi, phê phán.... bất kỳ.
Tuy nhiên, rất mong bà kon không post link quảng cáo vào đây vì mình sẽ xoá thẳng, xin thông cảm vì Dũng này chỉ muốn an toàn cho mọi người.