(TTO) - Bình Liêu là huyện miền núi, biên giới của Quảng Ninh (giáp với Trung Quốc), được dân phượt ví von là “Sa Pa vùng Đông bắc”, “thiên đường cột mốc”.
Bình Liêu có thể còn là một địa danh khá xa lạ với khách du lịch. Nhưng nếu một lần đặt chân đến vùng đất này, chẳng ai cưỡng nổi vẻ hút hồn từ cảnh vật tới con người nơi đây.
Đến là yêu
Được thiên nhiên ưu ái điều kiện tự nhiên thuận lợi, Bình Liêu có đầy đủ các yếu tố để phát triển du lịch. Huyện miền núi nghèo nằm ở phía đông tỉnh Quảng Ninh, cách Hạ Long chừng hơn 100 cây số. Có người ví Bình Liêu giống như một thiếu nữ miền sơn cước đang dần thức tỉnh sau giấc ngủ dài.
Đường đến Bình Liêu rất thuận lợi. Từ Hà Nội đi Hạ Long đã có đường cao tốc phẳng lì, chỉ mất khoảng 1,5 tiếng chạy xe. Tiếp đó, chạy thêm 100km từ Hạ Long đến huyện Bình Liêu. Đường rất đẹp, có thể đi ôtô hoặc xe máy mất 2,5 tiếng đồng hồ. Chỉ 4 tiếng, du khách có thể sáng ở Hà Nội, gần trưa đã có mặt ở huyện miền núi biên viễn này.
Đến Bình Liêu, cảm giác ngồi trên xe, chạy băng qua các con đường, con đèo, qua bản làng, ruộng lúa, núi đồi chập chùng, trên hành trình tuần tra biên giới, tới đỉnh các cột mốc mới thấy yêu mảnh đất này, và tự thấy trái tim mình tự do, phiêu lãng.
Dulichgo
Theo nữ chuyên viên người Tày, du khách có thể đến Bình Liêu quanh năm. Mỗi mùa, mỗi tháng lại có những cái hay, cái đẹp khác nhau.
Đầu mùa xuân có các lễ hội đậm đà bản sắc của người dân tộc Tày, Dao như lễ hội đình Lục Nà, hội hát Soóng Cọ giao duyên, ngày "kiêng gió", lễ mừng cơm mới, chợ tình.
Đầu mùa hè là dịp hoa trẩu nở rộ tuyệt đẹp. Mùa thu được ngắm thác nước và ruộng bậc thang xanh rì, ngắm những đồi cỏ lau bạt ngàn, biếc tím.
Mùa đông là mùa thu hoạch và có lễ hội hoa sở.
Dulichgo
Bình Liêu cũng có những địa danh mà khi nhắc đến khiến mọi du khách đều mong có một lần đến để "săn mây" trên những đỉnh núi cao trên 1.000 mét, có "sống lưng khủng long" dẫn lên cột mốc 1305, có thác ba tầng Khe Văn, Khe Tiền, có đỉnh Cao Xiêm cao 1.429m được ví như "nóc nhà Quảng Ninh"…
Homestay bên cộc mốc
Một trong những homestay mọc lên sớm nhất là homestay A Dào, nằm ngay chân núi dẫn lên cột mốc 1327 (thôn Phặt Chỉ, xã Đồng Văn).
Tằng Văn Dào là thanh niên người Dao sinh ra và lớn lên ở xã Đồng Văn, công tác tại Phòng dân tộc huyện. Khi thấy nhu cầu khách đến với vùng biên ngày một đông, cộng thêm xu thế homestay đang nở rộ ở các điểm du lịch cộng đồng làng bản, chàng trai 33 tuổi khi đó (đầu năm 2017) đã quyết định cải tạo ngôi nhà sàn đang ở để xây dựng thêm 3 phòng lớn (mỗi phòng có thể chứa 12-15 khách), mở rộng không gian sống, trồng cây, mua sắm thêm đồ dùng.
Dulichgo
"Tháng 10-2017, homestay đi vào hoạt động. Từ đó đến nay, không dịp cuối tuần nào bọn em trống phòng. Trong tuần thì lưa thưa, nhưng cuối tuần đều kín phòng, phải đặt trước", Tằng Thị Lan, em gái Tằng A Dào, chỉ sang căn nhà sàn mới đang xây dựng thêm nói với chúng tôi.
Lan cho biết, khách đến homestay A Dào hay bất kể homestay nào khác trên địa bàn dọc biên giới đều có dịp thưởng thức những món ăn dân tộc do chính người Dao, Tày chế biến. Nếu đặt trước, du khách vẫn có thể thưởng thức các món cá hồi, cá tầm được nuôi ở chính vùng đất này.
Khi lưu trú tại homestay, du khách được thưởng thức tắm lá thuốc rất độc đáo của người Dao, được hòa mình vào các điệu múa hát của các thôn nữ bản địa, được trải nghiệm xay thóc, thêu dệt, tráng bánh.
Ở bản bên, homestay Hoàng Sằn cũng được xây dựng khá sớm. Thầy giáo Hoàng Văn Sằn (dân tộc Tày) nói về cơ duyên làm homestay của hai vợ chồng: "Đầu năm 2017, có những đoàn từ thiện về bản hoạt động rất đông, anh em thích cảnh đẹp hoang dã, yên bình của vùng biên Bình Liêu nên đã nấn ná ở lại mấy ngày. Mọi người đều tá túc trong căn nhà đất trình tường của gia đình mình. Cũng từ đây, vợ chồng mình nảy ý định làm thêm dịch vụ homestay".
Dulichgo
Quanh khu vực cửa khẩu Hoành Mô hay tại thị trấn cũng còn một số homestay khác. Chắc chắn khi khách đến Bình Liêu đông, sẽ còn thêm nhiều homestay nữa sẽ mọc lên. Nhiều nhà dân cũng rất thân thiện, sẵn sàng mở cửa mời khách vào nghỉ tại những căn nhà trình tường của mình.
"Các chủ homestay rất linh động trong việc tính toán giá cả. Có khách trả 100.000 đồng/ngày lưu trú, nhưng cũng có đoàn như đi từ thiện, các chủ cơ sở chỉ thu 50.000-70.000 đồng/khách. Còn về ăn, uống thì cá dưới ao, gà trên đồi, rau trong vườn, khách muốn ăn gì chủ nhà phục vụ tùy tâm. Còn khách thích ra chợ mua đồ thì chủ nhà cùng đi chợ và cùng vào bếp nấu nướng", Triệu Thị Hoàng Nga cho biết.
Theo Đức Bình (Tuổi Trẻ)
Du lịch, GO!
Thông tin về Bình Liêu có rất nhiều trong Dulichgo, bạn hãy dùng công cụ search phía phải, trên.
0 Comments
Đăng nhận xét
Du lịch, GO! là một blog quảng bá du lịch trong nước với tiêu chí chia sẻ thông tin, bất vụ lợi - Bạn có thể nhận xét, bổ sung hay yêu cầu hướng dẫn liên quan đến bài viết mà không cần đăng ký. Bạn cũng có thể yêu cầu xoá bài, sửa đổi, phê phán.... bất kỳ.
Tuy nhiên, rất mong bà kon không post link quảng cáo vào đây vì mình sẽ xoá thẳng, xin thông cảm vì Dũng này chỉ muốn an toàn cho mọi người.