(NDO) - Sơn Hải là tên gọi của một xã thuộc huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang. “Sơn” là núi. “Hải” là biển. Hai từ này đi với nhau đã nói lên vị trí địa lý đặc thù của một đơn vị hành chính cấp xã.

Tôi đứng ở cảng Hòn Chông (xã Bình An, huyện Kiên Lương) nhìn thấy rất nhiều cụm núi xanh xanh trồi lên khỏi mặt biển. Trong tầm mắt, những cụm núi này nằm cách đất liền từ sáu đến hơn 10 km và con số cụ thể tra được hơn 42 núi lớn nhỏ, rải rác trên bề mặt một diện tích biển rộng lớn. Theo người dân địa phương, núi nằm trên biển còn gọi là hòn hoặc đảo. Các đảo được cấu tạo từ đá trầm tích có tên gọi chung là quần đảo Bà Lụa. Nhiều người đến đây thưởng ngoạn đã ví Bà Lụa như Hạ Long của đất phương nam.

Tên gọi “Bà Lụa” có nhiều lý giải. Nhà văn Anh Động, một người con của đất Kiên Giang nhiều năm nghiên cứu về địa chí tỉnh nhà cho rằng, Bà Lụa là tên của một vị nữ tướng hậu cần đã lập xưởng dệt lụa trên đảo để cung cấp cho nghĩa quân Nguyễn Trung Trực thời đánh Pháp. Nguồn khác giải thích, một người Pháp có tầm ảnh hưởng lên chính quyền thuộc địa đã đến khai thác vùng này, có vợ là người Việt gốc Hoa tên là Lụa và giấy tờ chủ quyền đất đai do bà Lụa đứng tên. Lại có nguồn cho rằng, thời kỳ đầu thực dân Pháp đến xâm lược nước ta, một ông quan lớn lấy một bà vợ có nhan sắc, hiền hậu. Bà tìm nơi bình yên, lánh xa thế sự, cuối cùng đã dừng chân tại đây. Hằng ngày bà nuôi tằm, dệt lụa, rồi người dân đặt tên quần đảo theo nghề của bà.
Dulichgo
Chỉ hơn ba mươi phút ngồi tàu, tôi đã đặt chân lên đảo Hòn Heo, đảo lớn nhất trong quần đảo Bà Lụa và là trung tâm hành chính của xã đảo Sơn Hải. Tiếp chúng tôi tại trụ sở UBND là chị Nguyễn Thị Thùy Trang, quyền Chủ tịch UBND. Dù tuổi mới ngoài ba mươi và vừa nhận nhiệm vụ đứng đầu đơn vị hành chính cấp xã nhưng chị Trang khá rành về Sơn Hải. Chị Trang cho biết, xã đảo Sơn Hải quản lý tất cả các đảo trong quần đảo Bà Lụa, với diện tích đất nổi trên biển khoảng 5 km2. Người dân đã có mặt trên một số đảo rất lâu, nhưng tên Sơn Hải đặt cho đơn vị hành chính cấp xã từ tháng 9-1983, trước đó, tên xã là Bà Lụa thuộc huyện đảo Kiên Hải. Đến tháng 8-2000, Chính phủ có nghị định chuyển xã Sơn Hải nằm dưới quyền quản lý của huyện Kiên Lương. Dân cư của Sơn Hải phân bố rải rác tại 14 đảo, nhưng tập trung đông trên các đảo Hòn Heo, Hòn Ngang và Hòn Nhum. Xã đảo phân ra hai ấp trực thuộc, tên gọi theo đảo là ấp Hòn Heo và ấp Hòn Ngang và chia ra thành 13 đơn vị nhỏ theo mô hình tổ nhân dân tự quản (NDTQ).

Năm 2007, lần đầu tiên tôi đặt chân đến Sơn Hải. Hồi ấy, tàu từ đất liền ra đảo Hòn Heo mỗi ngày chỉ một chuyến ra một chuyến vào, còn tàu du lịch đến đảo chỉ thỉnh thoảng. Trên hòn đảo trung tâm của xã đảo chẳng có gì đặc biệt, ngoài việc di chuyển chỉ cuốc bộ luồn lách qua những con đường nhỏ hẹp. Trên đảo vẫn có chợ nhưng hàng hóa không nhiều và đa dạng như bây giờ. Cánh đàn ông tờ mờ sáng đã dong thuyền ra khơi, đến xế mới quay về đảo. Sau khi bán đi mớ sản vật, đưa tiền cho vợ, thì gầy sòng nhậu lai rai. Phụ nữ và người lớn tuổi ở nhà nội trợ, trông con cháu, đan vá lưới, hoặc xẻ mớ cá, mực phơi khô. Bọn con nít long nhong chơi, chẳng quan tâm nhiều đến chuyện học hành. Dù vậy, nhưng khi đó Sơn Hải đã “xóa” được hộ nghèo và không còn nhà xiêu vẹo, dột nát theo chuẩn của nhà nước. Không phải Sơn Hải khá, mà đặc trưng của đất đảo mức sinh hoạt cao hơn so với đất liền, nên căng theo chuẩn hộ nghèo thì không hộ nào trong chuẩn, nếu không xảy ra tai nạn, già yếu neo đơn. Còn ở nơi đầu sóng ngọn gió nếu nhà xiêu vẹo, dột nát thì làm sao đương đầu với cảnh gió mưa thường trực.
Dulichgo
Ông Nguyễn Văn Chiến, 67 tuổi, ngụ tổ NDTQ số 1, người gắn cả đời trên đảo Hòn Heo nhận xét nơi thường trú của mình như sau: Sơn Hải giống như các xã đảo khác, được thiên nhiên ưu đãi về tiềm năng kinh tế biển với ngư trường rộng lớn; có lợi thế du lịch với cảnh trí tươi đẹp, hoang sơ. Nhưng cái khó mà xưa nay đất đảo phải chịu là sự cách trở về không gian, hạ tầng yếu kém, đường không thông, điện chưa đến, nước sạch nhỏ giọt… “Người dân đất đảo dù mức thu nhập có cao hơn so với những xã nông nghiệp ở đất liền nhưng cuộc sống sinh hoạt, mức hưởng thụ về tinh thần thì có phần yếu hơn. Quanh quanh quẩn quẩn trên đảo có gì đâu mà vui chơi. Chưa kể đến những tháng mưa, trời giông bão, chuyện mưu sinh, sinh hoạt rất khó khăn, hiểm nguy rình rập”, ông Chiến nói.

Khó khăn là câu nói cửa miệng của bất cứ những ai khi nhắc đến hoặc đặt chân lên đất đảo. Máy phát điện ngày chỉ chạy vài giờ, chủ yếu phục vụ nhu cầu thắp sáng. Nước sạch thì khan hiếm vào mùa khô, phải mua với giá đắt đỏ. Các doanh nghiệp rất đắn đo trong đầu tư mở các tuyến vận tải biển, hay đầu tư phát triển hạ tầng cho ngành du lịch.

Chính vì vậy, Sơn Hải sau mười năm cũng không thay đổi nhiều. Nhưng khi sự khó khăn được khai thông, tháo gỡ, Sơn Hải đã vươn mình phát triển mạnh. Theo chị Nguyễn Thị Thùy Trang, nền móng cho sự phát triển của xã đảo vững chắc hơn từ khi đường điện quốc gia vươn đến. Đó là ngày 19-1-2017, Sơn Hải được đóng điện vận hành dự án cấp điện lưới quốc gia. Điện về, các hộ dân đã đầu tư mở rộng cơ sở đóng tàu, sửa chữa tàu đánh cá, xây nhà máy nước đá, xây dựng cơ sở sơ chế hải sản, mở các cơ sở lưu trú, dịch vụ ăn uống, phục vụ khách du lịch.
Dulichgo
Chị Nguyễn Thị Mơ, tổ NDTQ số 1, ấp Hòn Heo tâm sự: “Có điện, bà con ở đây mừng lắm! Nhiều hộ mở ngay cơ sở kinh doanh, cuộc sống khấm khá hơn trước nhiều”. Riêng gia đình chị Mơ cũng đã mở một cơ sở ăn uống, bán các món ăn chế biến từ sản vật biển do cư dân trên đảo đánh bắt được, phục vụ du khách khi đến Hòn Heo tham quan, thưởng ngoạn. Theo người dân trên đảo, trước đây dùng điện phải trả với giá 6.000 đồng/kW nhưng không đủ cho các nhu cầu thiết yếu, còn nay chỉ trả giá một nửa mà đủ đầy. Còn tàu ra vào đảo, giờ mỗi ngày có ít nhất sáu chuyến vừa ra vừa vào, tàu du lịch thì liên tục cập cảng những ngày nắng đẹp.

Về định hướng phát triển của xã đảo, chị Trang cho biết: Xác định điều kiện tự nhiên, thế mạnh của xã đảo, nhiều nhiệm kỳ qua Sơn Hải luôn kiên định con đường phát triển kinh tế-xã hội. Đó là, lấy khai thác và nuôi trồng thủy sản làm nhiệm vụ trọng tâm; đẩy mạnh phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá, thu hút đầu tư phát triển du lịch sinh thái… Với sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân, các thế mạnh của Sơn Hải đã được phát huy, nhất là trong lĩnh vực khai thác, nuôi trồng thủy sản và phát triển du lịch sinh thái. Hiện, toàn xã đảo thả nuôi hơn 700 lồng bè cá, sản lượng sáu tháng đầu năm đạt hơn 1.100 tấn cá bóp và cá bống mú. Năm hộ nuôi nhuyễn thể hai vỏ, sản lượng khoảng 500 tấn mỗi năm. Sơn Hải có 206 phương tiện khai thác hải sản, mỗi năm khai thác khoảng 10 nghìn tấn hải sản. Riêng về khách du lịch, trong sáu tháng đầu năm Sơn Hải đón hơn 17 nghìn lượt.
Dulichgo
Đến Sơn Hải lần này, tôi vẫn chọn ra hai tiêu chí để ngợi khen xã đảo. Đó là tiêu chí về trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ, công chức và các chức danh của xã khi 20/22 người có trình độ đại học. Thứ hai, Sơn Hải đã hoàn thành 19/19 tiêu chí của xã nông thôn mới và là xã đảo đầu tiên của Kiên Giang về đích theo chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

Chúc mừng Sơn Hải, hẹn gặp lại!

Theo Việt Tiến (Nhân Dân)
Du lịch, GO!