(CLO) - Người ta nói: “Sơn Vĩ đẹp y như cái tên của nó” quả không sai. Men theo những vách đá quanh co là dòng sông Nho Quế trong veo xanh ngắt, những con đường ngoằn ngoèo như sợi chỉ tơ uốn lượn khiến nơi đây đẹp tựa bức tranh thủy mặc.

Những địa danh quen thuộc như: Cột cờ Lũng Cú, Yên Minh, Núi Đôi Quản Bạ, Thị trấn Đồng Văn... không còn xa lạ gì với dân du lịch bụi khi đến Hà Giang. Mùa này qua mùa khác, Hà Giang vẫn đẹp vẫn như thế. Và lòng người vẫn muốn đi, vẫn đắm say mảnh đất cao nguyên đá độc đáo duy nhất chỉ có một ở Việt Nam này. Nơi ấy có quá nhiều điều mới lạ để khám phá, dù năm nào cũng ghé qua đôi lần.

Sơn Vĩ là một xã nghèo biên cương hoang vu, kỳ bí, nằm ở vị trí xa nhất và cao nhất cực Đông huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang. Từ thị trấn Đồng Văn đến Mèo Vạc tầm 24km là con đường độc đạo vắt xuôi dòng Nho Quế mang tên Mã Pí Lèng huyền thoại  - con đèo được ví như: “Bất đáo Pì Lèng phi phượt thủ” (dịch nghĩa: Chưa đến Pí Lèng chưa phải là phượt thủ bậc thầy).

Vượt qua Sống mũi ngựa xuống chân đèo rẽ phải để tìm đến lòng chảo Sơn Vĩ. Hai bên vệ đường thật yên bình với nhánh cỏ lau, những cây cỏ dại cao chừng 50cm. Hít căng lồng ngực và tận hưởng những điều kỳ thú trên chuyến hành trình tới miền biên viễn xa ngái đang dần trước mắt, chạm gần hơn dòng sông ngọc bích, chiêm ngưỡng núi sông miền sơn cước. Thử thách không biết bao nhiêu khúc cua, để đến gần dòng Nho quế xanh ngọc kỳ lạ. Tại con đường biên viễn này đây bạn sẽ đi qua cây cầu có tên là Tràng Hương.Dulichgo

Khen cho ai khéo vẽ ra con đường hùng vĩ và thách thức lòng người, từ ngã ba Thượng Phùng, Xín Cái, Sơn Vĩ. Nếu không tìm đến cửa khẩu Săm Pun quả là điều đáng tiếc, vượt qua con đường lởm chởm đá mạt, những con dốc đi vào Thượng Phùng. Có một nhà thơ đã từng viết những dòng thơ “Đêm gió Thượng Phùng”, khi ông đi công tác ở vùng đất gian lao vất vả này: “Gió đập ầm ầm trên những mái tôn/ Viên ngói mũi bay vèo như ném/ Gió mài rít trên hàng cột điện/ Cây chuối đâm bông bật gốc mất rồi…

Tôi đã đi dài rộng những miền quê/ Bao vùng đất bờ xôi, bãi mật/ Đến Thượng Phùng gặp trùng trùng đá sắc/ Gió thổi xác xơ nghèo khó bao đời…” Đó là những cảm xúc chân thật, lột tả cuộc sống khắc nghiệt ở nơi đây.

Vào sâu hơn là xã Xín Cái, từ đây bạn dễ dàng tìm đường đến cửa khẩu Săm Pun.

Nên lưu ý, khi đến các cột mốc biên giới, mọi người cần nghiêm chỉnh trong việc xin phép trạm gác của đồn biên phòng. Đó được xem như ý thức và trách nhiệm của một người trưởng thành trong suy nghĩ. Cột mốc đoàn ghé thăm là mốc 476.
Dulichgo
Tiếp tục cuộc hành trình, quay ngược đường lên Sơn Vĩ, đi sát đường biên giới hai nước Việt - Trung, con đường miền biên ải chiêu đãi bạn những khúc quanh co, cheo leo dựng đứng những sườn núi.

Dừng chân bên những cột mốc thiêng liêng của tổ quốc, phóng tầm mắt ra xa để nhìn biển trời mây núi hùng vĩ, mới thấy Việt Nam đẹp lắm, yêu lắm, đáng để đi lắm.

Sau khi lang thang vào sâu xã Sơn Vĩ, nếu đã quá trưa, bạn hãy ghé qua góc chợ để nạp năng lượng. Đoàn chúng tôi lúc này vừa đói vừa mệt. Một nồi mỳ tôm với giá 75.000 đồng cho tám người, có thể nói là ngon nhất từ trước tới nay. Ở cái nơi vắng vẻ, giữa trưa tìm được quán ăn là điều không dễ, bởi thế nồi mỳ tôm càng ấn tượng và sâu sắc hơn.

Ngay ngã ba khu chợ này là đường dẫn đến cột mốc 405, do thời gian không còn nhiều nên đoàn quay trở ra, về thị trấn Mèo Vạc để nghỉ đêm.
Dulichgo
Hành trình tìm cột mốc về miền biên ải hoang vu, hẻo lánh, nơi chứa đựng những vẻ đẹp của thiên nhiên hùng vĩ, nơi của mây trời xa xôi, heo hắt rõ rệt. Lác đác vài ngôi nhà, xung quanh là những con đường dốc dựng đứng như hướng thẳng trời xanh. Chỉ có thể là đi và trực tiếp trải nghiệm mới biết trân trọng những phút giây hạnh phúc và nuôi dưỡng tâm hồn tươi trẻ, để hiểu hơn về đất nước Việt Nam đẹp nhưng vẫn còn nhiều gian khó.

Theo Ngão, Tháng Ba Ẩm, Dang Thao (Congluan)
Du lịch, GO!

Sơn Vỹ – Cuộc sống nơi lưng trời