(NLĐ) - Núi Bà Đen, Tòa Thánh là 2 điểm du lịch quen thuộc của tỉnh Tây Ninh. Quen tới mức người ta hay nói "Tây Ninh có gì chơi đâu, đi Vũng Tàu tắm biển sướng hơn".

Không có biển, lại là xứ nắng cháy da người nhưng đi tỉnh Tây Ninh phải "thổ địa" làm hướng dẫn viên thì mới nhận ra vùng đất nắng này có nhiều cái hay, cái đẹp vẫn ẩn mình khiêm tốn trên bản đồ du lịch Việt Nam.

Mục sở thị vườn rau sông

Xuất phát từ trung tâm TP HCM sáng sớm, qua Củ Chi là đã đến huyện Trảng Bàng của Tây Ninh. Đi sớm cho mát và chủ yếu để ghé Hoàng Minh ăn sáng món bánh tráng phơi sương với đủ loại rau sông. Nào là quế vị, lá cóc, lộc vừng, săng máo, trâm ổi… Mỗi loại một vị, từ chua, chát đến the đắng hòa vào nhau quyện cùng cái béo của thịt tạo nên một thế giới mùi vị hết sức độc đáo.

Trong lúc ăn, ông Nguyễn Hoàng Nam, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Tây Ninh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh, cho biết nếu muốn sẽ cho chúng tôi mục sở thị cái bánh tráng, cọng rau sông được làm ra như thế nào.

Khi chúng tôi ghé, gia đình bà Phạm Thị Đương (khu phố Lộc Du, thị trấn Trảng Bàng) đang phơi những vỉ bánh tráng trắng phau trước hiên nhà. Bà cho biết để cái bánh tráng phơi sương có trên bàn ăn phải qua rất nhiều công đoạn.
Dulichgo
Gạo làm bánh phải là loại gạo khô 504, bánh thì phải tráng 2 lớp bột nướng mới có độ phồng. Bánh tráng xong mang phơi nắng chừng nửa tiếng rồi mang vào hôm sau mới nướng trên bếp than. Bánh nướng xong lại chờ đến đêm mang ra phơi sương.
Dulichgo
Cách nhà bà Đương không xa là khu vườn trồng rau sông của ông Lê Văn Dĩ (xã Gia Lộc). Dưới cái nắng gần trưa chói chang, khu vườn mướt mát khiến mắt ai cũng dịu lại bởi màu xanh nõn của lá cóc, lá cách; hồng phớt của lộc vừng, săng máo… Được ươm, chiết từ những giống cây trong hoang dã, ông Dĩ khẳng định vườn rau trồng theo lối tự nhiên, hoàn toàn sạch, thậm chí có thể hái ăn tại chỗ.

Rời Trảng Bàng, trước khi thẳng tiến về TP Tây Ninh để đến các điểm tham quan du lịch quen thuộc như Tòa Thánh, núi Bà Đen, chúng tôi ghé tháp cổ Bình Thạnh ở xã Bình Thạnh. Mang đặc trưng của nền văn hóa Óc Eo, tháp Bình Thạnh là một trong những ngôi tháp hiếm hoi còn sót lại ở Đông Nam Bộ.
Dulichgo
Ghé tháp vào giữa trưa, ai nấy như lóa mắt trước hàng bông huệ cam đang nở hoa sáng rực hai bên lối đi. Dưới cái nắng chói chang, màu hoa huệ khiến ngôi tháp như sáng bừng, tỏa hào quang đẹp lạ thường. Trong khi đó, những tán cây cổ thụ rợp bóng phía sau tháp cùng những cơn gió lồng lộng lùa vào từ cánh đồng lúa khiến cái nắng dịu hẳn đi.

Hướng đến du lịch nghỉ dưỡng
Dulichgo
Vùng đất này thật lạ khiến cảm xúc người ta không thể cứ bình bình mà tận hưởng, khi khách chỉ vừa hơi uể oải bởi cảnh trí đơn điệu, nắng nóng gay gắt thì lại tỉnh người ngay bởi những điều bất ngờ như hàng hoa huệ trong ngôi tháp cổ hay chỉ đơn giản là cơn gió đồng thơm mát của buổi ban trưa.

Và cơn tỉnh người đầy phấn khích đó đã lập lại khi chúng tôi được đưa đi khảo sát sông Vàm Cỏ Đông, đoạn từ huyện Hòa Thành lên Châu Thành - khúc sông mà ngành du lịch tỉnh Tây Ninh dự kiến tập trung đẩy mạnh khai thác trong thời gian tới.

Trong lành và hoang sơ, dòng sông Vàm Cỏ Đông dường như không có bóng dáng con người khi chỉ có sóng nước mênh mông, những ruộng lúa ngập trắng vì đang trong mùa nước nổi, núi Bà Đen sừng sững ở một góc trời.

Do còn hoang sơ nên khai thác du lịch trên sông Vàm Cỏ Đông vừa là thách thức vừa là lợi thế. Dẫn chúng tôi ghé thăm một vườn bưởi da xanh nằm ven bờ sông, ông Nguyễn Hoàng Nam cho biết bên cạnh thế mạnh du lịch tâm linh, tỉnh đang hướng tới khai thác du lịch nghỉ dưỡng để đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách. Trong đó, những chuyến tham quan sông Vàm Cỏ Đông kết hợp vườn trái cây, thưởng thức ẩm thực, nghỉ ngơi ở homestay là những kế hoạch mà tỉnh đang hướng tới để kêu gọi đầu tư.Dulichgo
Dulichgo
Khách tự làm bánh tráng

Bà Lâm Kiều Trinh, chủ nhà hàng Hoàng Minh 3, cho biết đang có kế hoạch thành lập một làng nghề chuyên làm bánh tráng phơi sương để du khách đến tham quan. "Không chỉ giới thiệu đến du khách vị ngon của đặc sản, chúng tôi còn muốn họ có thể tận tay làm ra một cái bánh phơi sương để hiểu nó công phu như thế nào, đồng thời qua đó gìn giữ nghề truyền thống của cha ông" - bà Trinh chia sẻ.

Theo Hà Giang (Người Lao Động)
Du lịch, GO!