(VV2) - “Dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo…”. Câu thơ buồn miên man ấy của Bà huyện Thanh Quan cứ vẳng lên mỗi khi tôi chạm mắt vào những cánh cổng của những phủ đệ xứ Huế. Huế là miền phủ đệ, nhưng tiếc là bây giờ, có những phủ đệ chỉ còn mỗi cánh cổng hư hao…

Phủ đệ là nơi ở của các vương tôn, hoàng tử và công chúa thời Nguyễn. Phủ là nơi ở của các hoàng thân, hoàng tử sau khi lập gia đình, từ đó mới phái sinh danh xưng phủ thiếp để gọi người vợ của hoàng tử, tức là con dâu của nhà vua.

Tùy theo tôn tước của chủ nhân được triều đình tập phong là tước công hay tước vương mà phủ ấy được gọi là công phủ hay vương phủ.
Dulichgo
Đệ là lối gọi tắt của từ đệ trạch, là nơi ở c  ủa công chúa sau khi hạ giá, tức là công chúa đã được gả chồng. Về sau, người ta thường dùng chữ phủ đệ để gọi chung cho nơi ở của các ông hoàng, bà chúa đã thành thân.

Khi những ông hoàng, bà chúa ấy trở thành người thiên cổ, tòa chính đường trong phủ, nơi trú tất của các ông hoàng, bà chúa lúc sinh thời, trở thành nơi thờ tự vong linh của chính họ.

Ấy cũng là lúc con cháu của họ thay biển ngạch đề danh trước cổng, đổi chữ phủ (hay chữ đệ) thành chữ từ hay từ đường, mà dân gian vẫn quen gọi là phủ từ, hàm ý đó là nơi thờ tự vị chủ nhân của phủ đệ xưa, nay đã quá cố.
Dulichgo
Phủ đệ tập trung nhiều ở ven các dòng sông như sông Hương, sông An Cựu bởi nó gắn với nguyên tắc minh đường trong quy luật phong thủy.

Đó là nơi vương giả, với những quy định nghiêm ngặt và là khởi nguyên của tính cách Mệ - đời sống riêng ẩn giấu trong vòng tường của phủ đệ và mỗi khi ra khỏi lớp tường rêu phong ấy, mệ có cách hành xử riêng, vừa cao ngạo, vừa khoan dung, sẵn lòng ban ơn cho kẻ dưới.
Dulichgo
Mỗi phủ đệ đều có tên riêng, dựa theo tôn tước của chủ nhân. Tên của các phủ thường là tên huyện mà vị thân công, hoàng tử ấy được triều đình tập phong như: Tùng Thiện vương phủ, Tuy Lý vương phủ, Thọ Xuân vương phủ, Định Viễn quận vương phủ, Phước Long quận công phủ, Thường Tín quận công phủ…

Tên của đệ trạch thường gọi theo danh hiệu của vị công chúa chủ nhân đệ trạch ấy như: An Thường công chúa đệ, Ngọc Sơn công chúa đệ…

Đầu triều Nguyễn, các phủ đệ đều tọa lạc bên trong Kinh Thành Huế, theo nguyên tắc “nam tả, nữ hữu”, nghĩa là phủ của các thân công, hoàng tử thì ở về phía trái, còn đệ trạch của các công nữ thì ở về phía phải của Kinh Thành.
Dulichgo
Phan Đình Phùng – Một trong những phố được coi là con đường phủ đệ, từ chợ An Cựu cho đến chợ Bến Ngự dài 2km đã có đến hàng chục phủ, đệ lớn nhỏ khác nhau.

Đáng tiếc là vì nhiều lý do, phủ đệ ở Huế hiện không còn nhiều và không còn nguyên vẹn, có nơi chỉ còn mỗi cái cổng.
Dulichgo
Nhưng phủ đệ được xem là mảng kiến trúc quan trọng trong quần thể di tích cố đô và nhà vườn Huế nói riêng - dạng kiến trúc mà không phải nơi nào chúng ta cũng có thể chiêm ngưỡng, đây có thể xem là một nét đặc trưng riêng chỉ có ở Huế.

Theo Hoàng Văn Minh (Vivu 247)
Du lịch, GO!