(BCB) - Nổi tiếng với nhiều cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp, mang đậm nét hoang sơ, Vườn Quốc gia Phja Oắc - Phja Đén còn lưu giữ nhiều loài động, thực vật quý hiếm có giá trị về nghiên cứu khoa học, bảo tồn nguồn gen và giáo dục môi trường. Nơi đây còn được coi như “lá phổi xanh”, là “nóc nhà” phía Tây của tỉnh, có vai trò quan trọng trong việc điều hòa khí hậu, điều tiết nguồn nước, chống xói mòn đất đai.
Đầu hạ, chúng tôi đến tham quan Vườn Quốc gia Phja Oắc - Phja Đén. Vườn được thành lập ngày 11/1/2018 với tổng diện tích tự nhiên 10.593,5 ha thuộc địa bàn các xã: Thành Công, Quang Thành, Phan Thanh, Hưng Đạo và thị trấn Tĩnh Túc (Nguyên Bình).
Ở xã Thành Công, đang nắng chang chang, nhưng nhìn về những dãy núi cao thấy mây mù che khuất đỉnh núi. Để ngắm toàn cảnh khu vực, chúng tôi quyết định lên đỉnh Phja Oắc. Dọc đường có những thung lũng, lòng chảo và dốc tụ nằm xen giữa các dãy núi thấp và trung bình.
Phân bố xung quanh khu vực vườn là làng bản, dọc theo các con suối có ruộng bậc thang, những triền đồi được đồng bào trồng lúa, sắn, ngô... và các loại cây chè, sở, trẩu. Từ tỉnh lộ 212 lên đỉnh Phja Oắc dài 5,2 km là một trải nghiệm với chúng tôi.
Dulichgo
Đường lên dốc dựng đứng, chúng tôi qua nhiều khu vực khác nhau từ hệ sinh thái rừng núi đá xen giữa hệ sinh thái rừng thứ sinh. Mỗi người đều cảm nhận rõ thời tiết của bốn mùa nơi đây không khác gì Sa Pa (Lào Cai), Tam Đảo (Vĩnh Phúc), Mẫu Sơn (Lạng Sơn)... Thiên nhiên đã ban tặng cho Phja Oắc - Phja Đén môi trường không khí trong lành, khí hậu mát mẻ. Đặc biệt, nơi đây còn ẩn chứa nhiều điều kỳ diệu của tự nhiên, được tạo thành bởi các dãy núi cao trùng điệp và các dải rừng xanh, thảm thực vật rừng mang đậm nét hoang sơ của vùng rừng núi quanh năm mây phủ, tạo nên bức tranh phong cảnh hài hòa, thơ mộng và vô cùng hấp dẫn. Đây là lợi thế để phát triển du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng.
Theo hệ thống phân loại Thảm thực vật rừng Việt Nam của GS.TS Thái Văn Trừng, rừng ở đây thuộc kiểu “rừng kín thường xanh, mưa ẩm á nhiệt đới”. Với kết quả nghiên cứu trước đây và điều tra bổ sung năm 2016 của Phân viện Điều tra, Quy hoạch rừng Đông Bắc Bộ đã phát hiện được 1.287 loài thuộc 786 chi trong 202 họ thực vật của 6 ngành thực vật tại vườn; trong đó có nhiều loài thực vật quý hiếm nằm trong Sách Đỏ Việt Nam... Lên đến đỉnh Phja Oắc nhiệt độ giảm, gió càng mạnh hơn, điểm cao nhất là 1.931 m, được ví như “nóc nhà” phía Tây của tỉnh, nơi đặt tháp Antena phát sóng Đài Phát thanh - Truyền hình Quốc gia cao 75 m.
Dulichgo
Trong vi vu gió ngàn, thoảng tiếng chim chao liệng giữa từng không. Đứng giữa không gian mênh mông mới thấy sự kỳ vĩ của đất trời và làm cho tâm hồn như hòa mình cùng thiên nhiên. Ở Vườn Quốc gia Phja Oắc - Phja Đén, ngoài hệ thực vật phong phú, thì hệ động vật cũng hết sức đa dạng. Hiện nay rừng có 496 loài động vật có xương sống, ngoài ra còn hàng nghìn loài động vật không xương sống, côn trùng...
< Miếu cổ Vọng Tiên Cung.
Trong số các loài động vật có tên trong danh mục đã xác định được 58 loài động vật quý hiếm, bao gồm 30 loài thú có tên trong Sách Đỏ Việt Nam; có 12 loài bò sát, trong đó 3 loài ở thứ hạng cực kỳ nguy cấp; có 3 loài ếch nhái, trong đó 2 loài ở thứ hạng cực kỳ nguy cấp. Đây là nguồn tài nguyên vô cùng quý hiếm, những nguồn gen động vật này có giá trị kinh tế và giá trị bảo tồn cao cần được đưa vào danh sách các loài được ưu tiên bảo tồn theo Luật Đa dạng sinh học.
Về địa chất, Vườn Quốc gia Phja Oắc - Phja Đén nằm trong Quy hoạch Công viên địa chất non nước Cao Bằng, có khu vực núi đá vôi với các dòng sông ngầm. Là môi trường thuận lợi cho công tác nghiên cứu khoa học, giáo dục môi trường, là nơi nghiên cứu lý tưởng cho các nhà nghiên cứu, đặc biệt là nghiên cứu về đa dạng sinh học.
Dulichgo
Vườn có nhiều địa danh nổi tiếng như đèo Colea, nhà đỏ Taslom, Tài Soỏng, miếu cổ Vọng Tiên Cung..., những danh thắng này tạo nên một quần thể cảnh quan kỳ vĩ cùng với bản sắc văn hóa dân tộc của đồng bào nơi đây. Do vậy, từ xưa người Pháp đã chọn nơi đây là nơi nghỉ dưỡng.
< Trang trại cá hồi trên núi Phja Oắc.
Đến Vườn Quốc gia Phja Oắc - Phja Đén, du khách sẽ được hòa mình vào cuộc sống của đồng bào vùng cao. Nơi đây có 1.850 hộ dân tộc Dao, Nùng, Tày, Kinh, Mông sinh sống. Trưởng xóm Hoài Khao (xã Quang Thành) Lý Hữu Nhẩy cho biết: Xóm có 35 hộ dân tộc Dao Tiền. Địa phương có một số nghề thủ công truyền thống độc đáo, như: làm đồ trang sức bạc, thêu in hoa trên vải bằng sáp ong... Văn hóa tín ngưỡng truyền thống của người Dao rất đa dạng, thể hiện quan niệm, ý thức tâm linh cộng đồng. Điển hình như việc cấp sắc cho nam thanh niên trưởng thành là nét văn hóa chỉ có ở người Dao. Còn người Mông nổi tiếng với truyền thống và tập quán canh tác nương rẫy để trồng lúa, ngô và các loại hoa màu khác.
Đến chợ phiên hay lễ hội, từ các ngả đường, phụ nữ Mông xúng xính trong trang phục truyền thống xuống núi, nhìn xa như những đóa hoa rừng khoe sắc. Du khách còn được hòa mình với nét văn hóa bản sắc, thưởng thức những thanh âm độc đáo từ khèn, sáo, đàn môi, kèn lá..., cùng vui với những điệu múa xòe hoa qua các làn điệu dân ca, dân vũ của đồng bào các dân tộc. Cộng đồng các dân tộc sinh sống tại Vườn Quốc gia sẽ khiến cho mỗi người đến đây trải nghiệm về phong tục, tập quán sinh hoạt, bản sắc văn hóa dân tộc thể hiện trong trang phục, lễ hội và đời sống sinh hoạt hằng ngày như đan lát đồ dùng thủ công, dệt thổ cẩm, thêu, hay văn hóa ẩm thực cơm lam, xôi ngũ sắc, bánh trứng kiến, măng rừng...
Dulichgo
< Miếu cổ Vọng Tiên Cung.
Quy hoạch phát triển du lịch sinh thái Vườn Quốc gia Phja Oắc - Phja Đén đến năm 2030 được mở rộng, phát triển dựa trên giá trị tài nguyên, đồng thời phục vụ cho công tác bảo tồn. Mục tiêu phấn đấu năm 2020 lượng khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan đạt 15.000 lượt người/năm, năm 2030 đạt 30.000 lượt người/năm, trong đó sẽ có khoảng 5.000 - 10.000 lượt người lưu trú qua đêm. Do vậy cần tập trung vào công tác tuyên truyền quảng bá hình ảnh và kêu gọi đầu tư. Cần tạo dựng một số sản phẩm du lịch đặc sắc của vùng, có tính cạnh tranh cao và hấp dẫn khách du lịch, tăng mức chi tiêu và thời gian lưu trú của khách trên cơ sở nâng cấp và đầu tư xây dựng các loại hình du lịch hấp dẫn của vùng núi cao, như: làng du lịch sinh thái; khu di tích lịch sử, văn hóa, nghỉ dưỡng...
Theo Giám đốc Ban Quản lý Rừng đặc dụng Phja Oắc - Phja Đén Long Văn Bằng, Vườn có mục tiêu bảo tồn các hệ sinh thái đặc trưng, đa dạng sinh học, đặc biệt là bảo tồn các loài thực vật, động vật quý, hiếm; bảo tồn các giá trị văn hóa, danh lam thắng cảnh, môi trường sinh thái thông qua các chương trình, dự án; bảo vệ toàn bộ diện tích rừng tự nhiên, tăng độ che phủ rừng từ 84% năm 2016 lên 95% năm 2030, tạo không gian sống cho các loài động, thực vật; cung ứng các dịch vụ môi trường rừng, đảm bảo an ninh môi trường; phòng hộ đầu nguồn.
Dulichgo
Hiện nay, Vườn Quốc gia thực hiện 7 chương trình hoạt động chủ yếu về: bảo vệ tài nguyên rừng và bảo tồn đa dạng sinh học; phục hồi sinh thái rừng; nghiên cứu khoa học, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực; xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ bảo tồn; phát triển du lịch và giáo dục môi trường; chi trả dịch vụ môi trường rừng; hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đệm.
Theo Tiến Quyết (Báo Cao Bằng)
Du lịch, GO!
0 Comments
Đăng nhận xét
Du lịch, GO! là một blog quảng bá du lịch trong nước với tiêu chí chia sẻ thông tin, bất vụ lợi - Bạn có thể nhận xét, bổ sung hay yêu cầu hướng dẫn liên quan đến bài viết mà không cần đăng ký. Bạn cũng có thể yêu cầu xoá bài, sửa đổi, phê phán.... bất kỳ.
Tuy nhiên, rất mong bà kon không post link quảng cáo vào đây vì mình sẽ xoá thẳng, xin thông cảm vì Dũng này chỉ muốn an toàn cho mọi người.