(PTĐO) - Cây chè từ lâu đã gắn liền với đời sống sản xuất của người dân Trung du Phú Thọ. Đến Long Cốc, huyện Tân Sơn (Phú Thọ) du khách sẽ có những trải nghiệm thú vị với những “ốc đảo” chè - nơi được ví như “Vịnh Hạ Long” vùng Đất Tổ.
Đến nhà chị Phùng Thị Lê, một trong những hộ đi đầu trong việc trồng chè theo tiêu chuẩn VietGAP tại khu Cạn. Tạm nghỉ tay đóng gói sản phẩm chè của gia đình, chị niềm nở pha ấm trà nóng tiếp chúng tôi. Trong lúc đợi chè “ngấm” chị Lê cho hay: Chè ở đây được trồng lâu năm rồi nhưng từ năm 2015 chúng tôi mới bắt đầu vào tổ hợp tác sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Khâu chăm sóc không dùng thuốc trừ cỏ, không dùng phân hóa học, chủ yếu là bón phân hữu cơ. Búp chè “nhoi lên” là chúng tôi hái luôn, hạn chế được sâu. Nâng chén trà nóng mới pha tôi đã thấy mùi thơm thoang thoảng, dịu ngọt của lứa chè xuân mà gia đình chị mới làm.
Theo chị, để sản phẩm đến tay người tiêu dùng vừa đảm bảo an toàn, chất lượng cũng như độ thơm ngon phải trải qua nhiều công đoạn: Hái, phơi, ốp chín, vò xoăn, sao, đánh móc, lên hương… công đoạn nào cũng đòi hỏi sự tỉ mỉ và kỹ lưỡng. Không có một hướng dẫn cụ thể nào cho từng giai đoạn làm chè mà chủ yếu theo kinh nghiệm, dùng mắt nhìn, mũi ngửi, tay sờ. Chè sạch đã giúp gia đình chị Lê và nhiều hộ trong xã có thị trường ổn định, hàng làm ra đến đâu bán hết đến đó, mang lại thu nhập khá cho gia đình từ 80 đến 100 triệu đồng mỗi năm.
Dulichgo
Được thiên nhiên ưu ái ban tặng cho địa hình, khí hậu thuận lợi để cây chè phát triển, bởi thế mà chè là giống cây thân quen ở đây với “niên đại” gần 50 năm với hơn 600ha. Trước đây, người dân Long Cốc trồng chè dựa theo kinh nghiệm, chủ yếu sản phẩm làm ra để sử dụng trong nhà, làm quà chứ chưa có bán. Đến những năm 1980, khi Nhà nước có chủ trương xây dựng thành vùng chè hàng hóa phục vụ xuất khẩu thì diện tích cây mới được mở rộng theo hướng sản xuất công nghiệp. Cùng với các giống chè Trung du truyền thống, chè lai, gần đây trên địa bàn đã xuất hiện một số giống chè đặc sản như Bát Tiên, Phúc vân tiên, chè Shan tuyết.
Nhận thấy nhu cầu chè thành phẩm có giá cao hơn so với bán búp chè tươi, một số gia đình đã đầu tư lò sản xuất chè mini để chế biến. Trải qua thời gian, kỹ thuật trồng và chế biến chè của người dân ngày càng được cải thiện thông qua học hỏi từ các phương tiện thông tin đại chúng, các lớp đào tạo, tập huấn do xã, huyện tổ chức và đi tham quan thực tế các mô hình sản xuất chè ở một số tỉnh lân cận. Từ đó, người dân trong xã đã chú trọng đến kỹ thuật canh tác và thành lập các tổ sản xuất trồng, chế biến chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Mô hình này vừa góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm chè, chinh phục thị trường “khó tính” vừa mang lại thu nhập ổn định cho người trồng chè và bảo vệ môi trường sinh thái.
Ốc đảo chè miền Trung du
Nhờ sự cần cù, chịu khó cùng với bàn tay tài hoa của những người dân mà đồi chè Long Cốc không chỉ mang lại giá trị sản xuất mà còn là tiềm năng phát triển du lịch.
Dulichgo
Trên con đường uốn lượn với 2 bên là những đồi chè hình bát úp, san sát, trải dài dường như không có điểm kết thúc đưa chúng tôi đến những vị trí “đắc địa” có thể ngắm nơi được mệnh danh “Vịnh Hạ Long vùng Trung du” - nơi “ngự trị” của 4 quả đồi to đẹp nhất nằm liền kề, nối tiếp nhau tạo nên cảnh quan vô cùng mãn nhãn. Cũng ở điểm này, nhìn xuống xã Long Cốc nằm gọn trong thung lũng, lúc ẩn, lúc hiện trong sương.
Mỗi “bát” chè giống như những ốc đảo mang hình thù của những “cụ rùa” thong thả, thẩn thơ, nhấm nháp bầu không khí trong lành, mát mẻ. Mỗi “cụ rùa” thoai thoải, rộng hơn 1ha, rất thuận tiện để chúng tôi vút tầm mắt khám phá xung quanh. Để “tạo hình” cho đồi chè có tán rộng, vững chãi đòi hỏi kỹ thuật và con mắt nhìn của người dân ngay từ lúc trồng, đặc biệt là lúc đốn tạo tán. Đốn chè là cắt bỏ những cành chè già cỗi, tăm hương, sâu bệnh để thay bằng những cành non sung sức hơn, tạo cho cây chè có bộ khung tán to khỏe, có nhiều vị trí bật búp, tạo tán cao, đều.
Đến Long Cốc, không chỉ được tận mắt khám phá đồi chè, tận hưởng không khí trong mát mà còn được thưởng thức những đặc sản đặc trưng miền Trung du, hòa mình vào không gian văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Mường. Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Văn Nơi cho biết: Những năm gần đây, hưởng ứng phong trào Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa, bà con dân tộc sinh sống trên địa bàn đã thay đổi cả suy nghĩ và hành động. Nhờ đó phát huy những nét đẹp trong văn hóa của người Mường cũng như lược bỏ những hủ tục lạc hậu trong cưới hỏi, ma chay; hướng tới xây dựng đời sống tiên tiến, văn minh.
Dulichgo
Những nơi khác vừa lấy chè sản xuất vừa “dựa” vào đồi chè để làm một trong những điểm nhấn thu hút khách du lịch. Điển hình như Thái Nguyên, Mộc Châu (Sơn La); với bàn tay khéo léo, người dân đã thiết kế tạo nên những đồi chè hình trái tim, hình tròn… mang đến sự mới lạ cho du khách. Tương lai gần, người dân Long Cốc mong muốn được giới thiệu cảnh quan đẹp, sản phẩm ngon từ chè, nét văn hóa độc đáo của dân tộc đến với du khách gần xa; bởi vậy cần có những chính sách phát triển du lịch sinh thái từ đồi chè kết hợp du lịch cộng đồng chứ không phải chỉ dừng lại ở tiềm năng, khi đó mới phát huy được giá trị đích thực góp phần phát triển kinh tế, mang lại thu nhập ổn định cho người dân.
Dulichgo
Ngoài giá trị về kinh tế, đồi chè ở huyện Tân Sơn còn là địa điểm được dân phượt ưa thích bởi cảnh sắc đẹp như tranh vẽ. Nổi bật trong số đó là đồi chè Long Cốc - được giới trẻ mệnh danh là đồi chè hình bát úp. Nơi đây đã thu hút các bạn trẻ rủ nhau khám phá vào dịp cuối tuần.
Theo Mộc Trà (Báo Phú Thọ), ảnh TTXVN
Du lịch, GO!
Đồi chè bát úp thơ mộng ở Tân Sơn Phú Thọ
1 Comments
Nhận xét này đã bị quản trị viên blog xóa.
Trả lờiXóaĐăng nhận xét
Du lịch, GO! là một blog quảng bá du lịch trong nước với tiêu chí chia sẻ thông tin, bất vụ lợi - Bạn có thể nhận xét, bổ sung hay yêu cầu hướng dẫn liên quan đến bài viết mà không cần đăng ký. Bạn cũng có thể yêu cầu xoá bài, sửa đổi, phê phán.... bất kỳ.
Tuy nhiên, rất mong bà kon không post link quảng cáo vào đây vì mình sẽ xoá thẳng, xin thông cảm vì Dũng này chỉ muốn an toàn cho mọi người.