(BNN) - Mỗi phiên chợ người dân huyện Nam Trà My (Quảng Nam) mang bán hàng chục kg sâm thu về gần chục tỷ đồng. Khách đến chợ muốn sở hữu sản phẩm phải bỏ ra rất nhiều tiền, bởi giá bán mặt hàng này quá đắt đỏ.

Đắt đỏ

Tháng 6/2017, huyện Nam Trà My - thủ phủ sâm Ngọc Linh biến nhà thi đấu thể thao thể dục thành chợ sâm đầu tiên của nước ta. Phiên chợ họp từ ngày 1 đến ngày 3 hàng tháng và quy tụ hàng chục gian hàng của người dân, doanh nghiệp địa phương bày bán trong khuôn viên rộng gần ngàn mét vuông. Cả chợ chỉ có một cửa chính được mở để ra vào, không có cửa phụ; lực lượng công an, quản lý thị trường… túc trực ngày đêm. Cách làm này nhằm tránh kẻ gian ra vào trộm cắp hoặc đưa sâm giả trà trộn bán.

Tôi nghe tiếng về phiên chợ đã lâu nhưng mới đây mới có dịp "mục sở thị" ngôi chợ tiền tỷ này. Từ sáng sớm, anh Hồ Văn Riêu, xã Trà Nam mang 1kg đến chợ bán. Đến đầu cửa chợ, anh Riêu phải tuân thủ quy định đưa hàng hóa đến tổ thẩm định để kiểm tra chất lượng, nguồn gốc xuất xứ và xác định trọng lượng. Những củ sâm được kiểm tra bằng mắt thường và kinh nghiệm của những “cao niên” trồng sâm ở đỉnh núi Ngọc Linh.

Công đoạn này mất hết khoảng 5 phút, sau đó anh Riêu đưa vào bàn của gian hàng trưng bày và niêm yết giá 60 triệu đồng. Số hàng của anh Riêu còn nguyên cây với các bộ phận củ, rể, lá và thân. Thấy nhiều vị khách đến xem, anh Riêu giấy thiệu sản phẩm. “Tuổi đời của các cây sâm trên 7 năm được tôi trồng trên đỉnh núi Ngọc Linh. Nếu ai có nhu cầu mua thêm tôi sẽ về nhổ mang xuống bán tiếp”, anh Riêu cho hay.

Theo anh Riêu, mặt hàng sâm Ngọc Linh không sợ ế, sâm không bán được thì đưa về vườn trồng lại hoặc bán cho các thương lái. “Hiện tại chưa có giá chuẩn nên quá trình mua bán hai bên mặc cả, khi thống nhất về số tiền thì tôi sẽ chuyển nhượng”, anh Riêu nói và thông tin các phiên chợ sâm trước bán được vài kg thu hàng trăm triệu đồng.
Dulichgo
Chị Lê Thị Hồng Liên, chủ một công ty tham gia bán hàng tại chợ, đưa 3 kg sâm đến bán. Theo chị Liên khi chợ được thành lập, công ty đăng ký một gian hàng bán sâm Ngọc Linh và các loại dược liệu khác. “Chúng tôi trồng trên đỉnh núi, sâm có tuổi đời gần 10 năm. Mỗi phiên chợ diễn ra, doanh nghiệp  chọn lựa những cây sâm có tuổi đời nhiều năm và mang xuống chợ Nếu số lượng người mua lớn thì thu gom sâm trong vùng bán cho khách hàng”, chủ gian hàng này bộc bạch.

Khác với những người bán sâm trồng, anh Hồ Văn Hạnh tìm được một củ sâm Ngọc Linh tự nhiên, có tuổi đời vài chục năm. Chúng to bằng ngón tay, dài khoảng 20cm. Trên củ có nguyên thân cây và lá nặng hơn 2 lạng, anh ra giá hơn 200 triệu đồng.

Sau một buổi trương bày, đến chiều cùng ngày có một vị khách ở ngoài Bắc đến mua củ sâm này. “Sâm tự nhiên bây giờ rất khó kiếm, lâu lâu có người gặp may mới đào được một củ”, anh nói và cho hay củ sâm này mua lại của một người dân và anh đưa xuống bán kiếm lời.

Tại chợ sâm Ngọc Linh, sâm được bán có hai loại, một loại để cả nguyên cây, củ, rễ và loại chỉ còn củ, rễ. Giá bán tùy thuộc vào tuổi đời, sâm càng nhiều năm thì giá càng cao. Ngoài mặt hàng sâm củ thì ở chợ có nhiều loại đã qua chế biến. Trong đó, có rượu sâm Ngọc Linh được trưng bày rất nhiều với giá bán vài trăm triệu đồng.

Theo thống kế của huyện Nam Trà My trong những ngày diễn ra Hội chợ có trên 10.000 lượt người đến tham quan, mua sắm, với doanh thu thống kê được trên 8,3 tỷ đồng, trong đó riêng mặt hàng sâm củ Ngọc Linh đưa vào bày, bán tại hội chợ khoảng 110 kg, thu về khoảng 8 tỷ đồng.

"Thí sinh" sâm

Hôm tôi đến chợ đúng dịp huyện Nam Trà My tổ chức lễ hội sâm Ngọc Linh. Lần này chính quyền tổ chức cuộc thi sâm để tìm ra những củ sâm, cây sâm đẹp và trao bốn giải Nhất, mỗi giải 1,2 triệu đồng; bốn giải Nhì 800.000 đồng/giải; bốn giải Ba 500.000 đồng/giải và bốn giải Khuyến khích 300.000 đồng/giải.
Dulichgo
Cuộc thi này có 35 người dân có sâm đến thi. Sâm đưa đến chợ còn nguyên củ, thân, lá và rễ. Các “thí sinh” được bỏ vào chậu và đặt trên bàn, khi ban giám khảo gọi đến tên thi họ đưa ra để chấm giải. Theo quy chế, sâm dự thi còn nguyên cây, không bị sứt gãy.

Ông Hồ Văn Liêm, xã Trà Linh mang hai cây có tuổi đời bảy năm đến dự thi và chia sẻ, ông trồng trên núi Ngọc Linh hàng nghìn cây dưới tán rừng cổ thụ nhưng chọn hai cây có củ to, rễ phát triển đều, lá và thân lớn. Các tiêu chí này đã đáp ứng mà ban tổ chức đưa ra.

Hai cây sâm của ông Liêm cao gần một mét, nặng gần hai lạng được ban giám khảo chấm điểm. Những người này quan sát bằng mắt thường và đánh giá bằng kinh nghiệm.

“Sâm Ngọc Linh có đặc điểm mỗi mắt là một năm, như cây này có tuổi đời bảy năm. Nó đạt trọng lượng hơn 1 lạng chứng tỏ trồng ở vùng đất tốt”, ông Hồ Văn Du - thành viên giám khảo nói.

“Những cây sâm dự thi thường có củ đẹp, tuổi đời nhiều năm nên giá bắt sẽ đắt gấp nhiều lần so với sâm bình thường. Chúng được mua để phục vụ mục đích chơi sâm là chính”, ông Trịnh Minh Quý, Giám đốc Trung tâm sâm Ngọc Linh huyện Nam Trà My thông tin.

Sâm Ngọc Linh sống trên dãy núi cùng tên, cao nhất miền Trung Việt Nam, thuộc địa phận tỉnh Kon Tum và Quảng Nam. Từ xa xưa được người dân Xê Đăng dùng để chữa bệnh, họ gọi đó là “thuốc dấu”. Những năm chiến tranh, người dân thường dùng trị vết thương, sốt rét… cho bộ đội.
Dulichgo
Loài cây được biết đến rộng rãi vào năm 1973, khi dược sĩ Đào Kim Long được Bộ Y tế giao nhiệm vụ đi tìm và nghiên cứu các loại thuốc quý để chữa bệnh cho bộ đội. Sau hàng năm trời cuốc bộ dọc dãy Trường Sơn, dược sĩ Long tìm ra loài cây mà người dân Xê Đăng vẫn dùng để trị bách bệnh. Ông sau đó đặt tên cho loài cây là sâm Ngọc Linh, hay sâm K5. Việc cây thuốc quý được biết đến rộng rãi vô tình khiến cho hàng trăm người tứ xứ đổ xô lên núi săn lùng.

Tháng 9/2015, Chính phủ phê duyệt đề án quốc gia về phát triển sâm Ngọc Linh đến năm 2030 với mục tiêu mở rộng vùng trồng ra bảy xã của huyện Nam Trà My (Quảng Nam) với 30.000 ha, đầu tư trên 9.000 tỷ đồng. Đầu tháng 6/2017, sâm Việt Nam (sâm Ngọc Linh) trở thành sản phẩm quốc gia.

Ông Hồ Quang Bửu, Chủ tịch huyện Nam Trà My, cho biết địa phương trồng 1.300 ha sâm Ngọc Linh. Hiện có hơn 1.500 hộ dân đăng ký trồng 2.500 ha; ngoài ra có sáu doanh nghiệp, một tập đoàn đăng ký trồng với tổng diện tích gần 300 ha. “Hiện nay khâu sản xuất giống hết sức khó khăn, chất lượng giống chưa được kiểm định. Vì vậy cần có một cơ quan, tổ chức chịu trách nhiệm tạo giống, kiểm định chất lượng giống để bảo vệ thương hiệu sâm Ngọc Linh”, ông Bửu nói.

Theo LỘC HÀ (Kiến thức gia đình số 36)
Du lịch, GO!