(CMO) - Đã từng leo lên cột cờ Lũng Cú, chóp nón của Tổ quốc (Hà Giang), đã từng tới mũi Sa Vĩ (Móng Cái, Quảng Ninh) địa đầu đất nước, nhưng tôi vẫn không khỏi hồi hộp, xúc động khi cưỡi ca-nô cao tốc ra điểm cuối cùng, ngón chân cái của đất nước - Đất Mũi Cà Mau. Đó là mấy năm về trước, còn giờ đây đường đến Đất Mũi xe ô-tô chạy bon bon, thời gian cũng nhanh hơn nên du khách về Đất Mũi ngày càng đông.

Từ thành phố Cà Mau xuống Năm Căn hơn 50 cây số. Đây là đoạn cuối cùng của Quốc lộ 1. Xuất phát từ cửa khẩu Hữu Nghị quan (Lạng Sơn), Quốc lộ 1 sẽ kết thúc ở Năm Căn. Như vậy là chúng tôi sẽ đi hết đường bộ, về nơi cuối cùng của đất nước. Hơn 2.000 cây số mà quá nửa đường đời tôi mới đi được hết. Đất nước mình cũng dài rộng lắm chứ, ấn tượng lắm chứ.

Bình minh Cà Mau thật đẹp. Mặt trời nhô lên như ở gần đây lắm. Mới sớm mai mà ánh nắng đã lung linh. Hun hút đường tít tắp. Đường thẳng băng, êm ru. Đi đến đâu, đường lại mở ra đến đó. Chẳng bù cho phía đầu Lạng Sơn, đường quanh co gấp khúc, dốc đèo ngoằn ngoèo. Hai bên đường thì đồi núi lô xô như bát úp, chạy vòng quanh theo hướng xe đi. Ở đây, không gian miên man, thoải mái phóng tầm mắt xa tút hút. Toàn những đầm tôm, kinh rạch, lau sậy và đước. Màu xanh mướt mát trải dài. Rất ít nhà. Đất hoang bao la. Khá nhiều sình lầy. Có cảm giác bồng bềnh, sụt lún lúc nào không hay. Chợt nhớ đến cảnh báo trái đất nóng lên, biến đổi khí hậu, nước biển dâng thì nơi đây ngập là cái chắc. Đất và nước xen nhau. Tha hồ gió thổi. Tha hồ cho nắng rải vàng mơ ban mai.        
Dulichgo
Hơn 8 giờ, chúng tôi đã đến thị trấn Năm Căn. Cầu Năm Căn sừng sững kia rồi. Cây cầu nối liền huyện Năm Căn với huyện Ngọc Hiển, hoàn thành sứ mệnh của Quốc lộ 1 xuyên suốt Bắc Nam, từ Lạng Sơn đến Mũi Cà Mau. Giữa mênh mông trời nước cửa sông, cửa biển, cây cầu vắt ngang hun hút thế kia trông thật hoành tráng, ngạo nghễ. Có ai ngờ mặt sông rộng như thế lại bắc được cây cầu này. Đúng là mơ ước bao đời của người dân nơi đây. Chợt nhìn thấy cụm tượng con tàu bên bờ sông, chúng tôi chạy ào ra thi nhau chụp ảnh lưu niệm. Sau đó, chúng tôi lên ca-nô ra cửa biển.

Mặt sông Cửa Lớn rộng bát ngát, nhìn dễ sợ. Yên vị đâu đấy, chú lái ca-nô nổ máy. Nó chòng chành rồi bất ngờ vọt lên. Chúng tôi ngã bổ ngửa về phía sau và cùng kêu lên oai oái. Chưa hết sợ thì nó quay ngoắt hướng ra giữa dòng, nhảy chồm chồm lướt sóng. Ba cô gái sợ quá ríu vào nhau hét lớn. Tôi cũng ngả nghiêng, hai tay bấu chặt vào mép tàu. Không biết bơi nên tôi cũng hoảng. Song nghĩ lại, người ta đi được thì mình cũng đi được. Và cứ thế chiếc ca-nô vù ga lướt sóng.        
Dulichgo
Khoảng gần tiếng đồng hồ thì chúng tôi ra đến cửa biển. Mênh mang nước trước mặt. Cảm thấy mình quá bé nhỏ trước trời đất. Hơi có cảm giác sợ. Cậu lái ca-nô bảo đây là chỗ lõm trên bản đồ giữa đất liền với cái mũi nhọn cuối cùng của đất nước đấy. Rồi cậu ta bẻ ngoặt ca-nô đi vào khu rừng đước. Miên man là đước. Rễ cây nọ trùm lên cây kia, đan vào nhau mà bám đất. Đây là khu rừng sinh quyển, dự án lấn biển đang được triển khai. Nó gần giống với khu sinh quyển rừng ngập mặn của Thuỵ Trường, tỉnh Thái Bình, nơi tôi đã từng đến. Có điều ở đây rộng hơn, bao la hơn, không biết kết thúc ở đâu cả.

Hơn một tiếng sau khi rời bến, chúng tôi đã đến điểm cuối cùng của đất nước, ngón chân cái của Tổ quốc. Neo đậu ca-nô xong, tôi nhảy vội lên bờ. Tất cả chúng tôi ai cũng xúc động, thi nhau chụp ảnh. Tôi trèo lên đài quan sát ngắm cái ngón chân cái của Tổ quốc. Bạt ngàn đước. Bạt ngàn nước phía mù xa. Cảm giác trên đỉnh cột cờ Lũng Cú thế nào thì bây giờ trong tôi, trên đài quan sát này cũng thế. Có điều ở đây xúc động hơn, thiêng liêng hơn vì nơi này cách nhà tôi 2.200 cây số và rất ít người đến được. Bằng chứng là ngoài mấy người chúng tôi ra thì dưới kia chỉ có một số nhân viên nhà hàng và cán bộ làm nhiệm vụ mà thôi. Có mấy ai ra được chỗ này đâu. Xúc động quá. Tôi muốn hét to lên rằng: Tôi đã đặt chân đến điểm cuối cùng trên đất liền ở phía Nam của Tổ quốc rồi!        
Dulichgo
Đứng bên cột mốc toạ độ GPS 0001 và trước mũi con tàu có ghi kinh độ, vĩ độ nơi đây mà lòng tôi ngập tràn cảm xúc. Chúng tôi chụp ảnh bên cột mốc. Mốc toạ độ quốc gia GPS 0001 (cây số 0) nằm trong Khu du lịch sinh thái Mũi Cà Mau, thuộc địa phận xóm Mũi, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau, cách TP. Cà Mau hơn 100 km. Mốc toạ độ này được xây dựng vào tháng 1/1995. Đây là cột mốc lớn, được xây dựng rất đẹp, có hình ngôi sao, ở giữa có một cái lỗ hình vuông là tâm của cột mốc. Hầu như du khách nào tới Cà Mau cũng phải tới được cột mốc này, chụp được ít nhất một kiểu ảnh bên cột mốc đó làm kỷ niệm.

Lại một lần nữa tôi trèo lên đài quan sát. Bên trái là biển Đông, bên phải là biển Tây, tôi như đang đứng trên mũi tàu khổng lồ của Tổ quốc rẽ sóng ra khơi. Trước mặt kia là bao la biển cả. Sau lưng tôi là bạt ngàn rừng đước xanh. Tôi chợt nhớ tới câu thơ "Tổ quốc ta như một con tàu/ Mũi thuyền ta đó mũi Cà Mau". Nhà thơ Xuân Diệu khi viết câu thơ này chắc đang đứng ở xa chỗ này vì "mũi thuyền ta đó" cơ mà. Còn tôi cũng đang đứng trên cái mũi thuyền đó đây. Cái “ngón chân cái chưa phai bùn vạn dặm” của Tổ quốc đây. Từ Đất Tổ cội nguồn dân tộc, tôi đã về tới Đất Mũi Cà Mau đầu sóng ngọn gió. Mơ ước của tôi giờ phút này đã thành hiện thực. Tôi lặng lẽ gói nắm đất nơi đây cho vào túi áo để mang về Đất Tổ. Lòng tôi rạo rực, lâng lâng. Bất chợt tôi khe khẽ gọi: Cà Mau ơi! Tổ quốc mến yêu của tôi!.

Theo Đỗ Xuân Thu (Báo Cà Mau)
Du lịch, GO!