(TH) - Nếu có dịp đến xã Độc Lập (Quảng Uyên) và thưởng thức hương vị chè Đoỏng Pán nơi đây, mỗi người sẽ cảm nhận được một hương vị chè không nơi nào có được bởi đây là món quà thiên nhiên ưu đãi cho mảnh đất này, cùng với cách chế biến cầu kỳ hoàn toàn bằng phương pháp thủ công nên không chỉ người dân Đoỏng Pán tự hào mà những người "sành" về chè trong vùng đặt cho tên gọi đầy trìu mến “đệ nhất chè Đoỏng Pán”.

Chúng tôi đến các xóm Đoỏng Pán 1, 2, 3, xã Độc Lập (Quảng Uyên) trong cái giá lạnh của tiết trời vùng cao len lỏi vào từng chân tóc, cảm nhận của chúng tôi về thiên nhiên không những đã ưu ái ban tặng cho vùng đất Đoỏng Pán khí hậu mát lạnh, mà còn từ loại đất sét đỏ nặng phù sa phù hợp để trồng chè. Đất đai, khí hậu là nguồn gốc tạo nên những giống chè ngon. Tuy nhiên, đó chỉ là yếu tố "cần" nhưng chưa "đủ", một yếu tố quyết định để chè Đoỏng Pán trở thành “đệ nhất danh trà” chính là sự cần cù, siêng năng và nhờ đôi tay khéo léo của người dân trong quá trình thu hái và chế biến.

Ông Triệu Văn Luyến, xóm Đoỏng Pán 3, xã Độc Lập - một trong những người am hiểu và có diện tích trồng chè nhiều nhất vùng cho biết: Đây là giống chè mọc tự nhiên, cây chè được người Nùng gọi là chè "đông", nghĩa là chè rừng. Lá chè được hái từ những cây chè  tuổi đời lâu năm. Chè Đoỏng Pán từ xưa đến nay vẫn giữ được nét riêng vốn có của mình, canh tác theo quy trình bản địa, không thuốc trừ sâu, không phân hóa học, không chất bảo quản và hoàn toàn được chế biến theo phương pháp thủ công truyền thống.
Dulichgo
Từ các khâu hái lá, vò, sao khô đều bằng tay, đặc biệt, công đoạn sao khô sử dụng bằng củi rừng nên sản phẩm có màu xanh hơi đen, xoăn chặt, cánh chè gọn nhưng to hơn chè sao bằng máy. Trên bề mặt chè có nhiều phấn trắng tự nhiên. Nước chè Đoỏng Pán màu trong, xanh, vàng nhạt và sánh, mùi chè thơm nhẹ, nồng nàn đặc trưng của chè sao bằng củi. Uống vào vị hơi đắng thanh, chát mà ngọt hài hòa, vị lưu trong cổ họng tạo cảm giác khoan khoái, dễ chịu.

Theo những người cao tuổi trong vùng, giống chè được đem từ rừng về trồng trên đồi của các hộ dân ở Đoỏng Pán từ những năm đầu kháng chiến chống Pháp. Chè từ vùng khác đem về trồng nhưng lạ thay như một cơ duyên trời định, được bén rễ trên vùng đất bán sơn địa Đoỏng Pán, có nhiều sông suối bao quanh, có rừng nguyên sinh bao bọc và đất chứa nhiều lớp phù sa cổ đã được tích tụ từ nhiều năm, lại có khí hậu mát mẻ nên đã tạo nên một vùng thích hợp để trồng chè. Chẳng lâu sau, hương vị thơm ngon của chè đã lan rộng khắp vùng, và cho tới bây giờ thì hầu như các hộ trong làng đều có một đến hai vườn chè.

Câu chuyện về nguồn gốc chè Đoỏng Pán có thêm những huyền tích, nhưng có một điều chắc chắn là cây chè Đoỏng Pán có từ lâu lắm, người dân vùng này tắm nước lá chè Đoỏng Pán mà lớn lên; uống nước chè để thêm sức khỏe lên nương, làm ruộng. Ông Nông Văn Tưởng, cán bộ hưu trí tại phường Sông Bằng (Thành phố) chia sẻ: Khi còn công tác, trong dịp tình cờ đến xã Độc Lập biết về loại chè Đoỏng Pán nên mang về uống thử, đến nay, đã hơn 10 năm tôi chỉ uống loại chè này vì đã uống rồi sẽ không muốn uống các loại chè khác.
Dulichgo
Chè Đoỏng Pán uống vào có vị đậm đà, bùi, ngầy ngậy, có mùi cốm trong miệng, lúc mới uống có vị chát êm, uống xong có vị ngọt đọng lại rất lâu; hương thơm quyến rũ chỉ có ở chè Đoỏng Pán, không thể lẫn vào thức uống nào khác, đem lại sự sảng khoái, thăng hoa cho người thưởng trà. Đây có lẽ là đặc điểm giúp phân biệt chè Đoỏng Pán với các loại chè khác và được những người sành về chè trong vùng ưu ái gọi là “đệ nhất chè Đoỏng Pán” bởi mang đầy đủ bốn tiêu chuẩn, gồm: Thanh, Sắc, Vị, Thần khi đánh giá chè ngon. Sau một ấm chè Đoỏng Pán, người thưởng trà thấy ấm áp trong lòng, tình người thăng hoa, tinh thần sảng khoái, cảm giác nhẹ nhàng, thanh thoát.

Không chỉ ngon mà chè Đoỏng Pán rất an toàn, đã được chứng nhận và có truy xuất nguồn gốc (truy xuất nguồn gốc sản phẩm bằng điện tử có mã truy xuất QR code, giúp người tiêu dùng có thể sử dụng smartphone chụp lại tem truy xuất và có thể biết được mọi thông tin về sản phẩm mình đang chuẩn bị mua) nên mới đây chè Đoỏng Pán là một trong những sản phẩm được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chọn mang xuống Hà Nội trong chuyến đi đầu tiên để tiếp xúc thị trường, đưa đặc sản Cao Bằng giới thiệu, chào hàng bán tại các trung tâm, siêu thị lớn tại Hà Nội và chè Đoỏng Pán ngay lần đầu tiên mang đi giới thiệu đã được một số cửa hàng, siêu thị tại Hà Nội đặt hàng để tiêu thụ.

Mặc dù, chè Đoỏng Pán là chè hiếm, chè ngon nhưng hiện nay việc tiêu thụ còn rất nhiều hạn chế và chưa được nhiều người biết đến do những người dân trồng chè nơi đây vẫn canh tác trên diện tích vốn có từ lâu theo cách truyền thống nên diện tích chè không được mở rộng; thị trường tiêu thụ chỉ trong phạm vi hẹp ở xung quanh vùng hoặc bán ở huyện. Do sản lượng ít, các khâu chế biến đều làm bằng phương pháp truyền thống để giữ hương vị đặc trưng nên giá thành khá cao (400 - 600 nghìn đồng/kg) nên người thu nhập bình thường không dám dùng vì giá đắt. Người trồng chè chưa có cơ hội để tìm hiểu thị trường hay nghĩ đến việc mang chè đi nơi khác bán…
Dulichgo
Phó Chủ tịch UBND xã Độc Lập Lương Văn Đức cho biết: Hiện nay, diện tích chè Đoỏng Pán trong toàn xã mới chỉ trên 3 ha, tập trung ở 3 xóm Đoỏng Pán 1, 2, 3 với trên 120 hộ dân trồng. Cây chè tuy đã mang lại thu nhập giúp người dân cải thiện đời sống, song hầu hết giống chè vẫn là giống cũ, được trồng từ nhiều năm trước, nên năng suất thấp.

Để chè Đoỏng Pán trong thời gian tới trở thành cây trồng mũi nhọn, giúp giảm nghèo bền vững, rất cần các cấp, các ngành chức năng, doanh nghiệp hỗ trợ người dân về việc sản xuất, chế biến, đóng gói; hỗ trợ quy hoạch về các vùng chuyên canh nhằm giữ vững và nâng cao thương hiệu sản phẩm, đồng thời khuyến khích, hỗ trợ người dân trong việc phát triển nhóm thu gom địa phương, tổ hợp tác hoặc hợp tác xã sau này trong việc phát triển sản xuất hàng hóa tập trung, tạo ra sản phẩm có thương hiệu, sức cạnh tranh trên thị trường.

Rời Đoỏng Pán khi chiều về đã bảng lảng sương, nhìn lại là cảnh những đồi chè trập trùng. Những cây chè lâu đời chỉ cao đến ngang vai người, khiêm nhường mà mạnh mẽ ngày đêm hát lên những bản tình ca giữa nắng, gió. Chè Đoỏng Pán hấp thụ tinh túy của thiên nhiên đất trời để hương vị thêm đậm đà. Bên ấm trà mời nhau ngày Tết cũng là lúc câu chuyện “đệ nhất chè Đoỏng Pán” được bắt đầu hàn huyên.

Theo Thúy Hằng (Cao Bằng online), ảnh Vnexpress
Du lịch, GO!